Oct 31, 2014

Các group sản xuất

Các mail gửi đến nhiều quá nên admin xin trả lời luôn

Các bạn khi gia nhập, lập tức ghi rõ thông tin của mình, lĩnh vực mình đang chuẩn bị tham gia sản xuất.

Mọi nhu cầu TÒ MÒ vô coi có cái gì hay đều không nên vào vì “không có gì hay để coi”. Bạn nào group nào cũng tham gia nhưng cả tháng không thấy ý kiến gì trên đó kiểu “vô cho vui”, các admin sẽ tiến hành remove ra khỏi group, vì các diễn đàn cho người làm ăn không có gì vui. Mọi người ở trên đó chỉ đầu tư thời gian cho sản xuất và sản xuất, không ai rảnh rỗi nói chuyện chém gió. Và các bạn cũng mạnh dạn chia sẻ cách làm của mình, không nên “sợ đứa khác bắt chước nuôi gà hay trồng bưởi”. Chia sẻ là một giá trị rất lớn của người hảo sảng. Còn người chuyên chôm ý tưởng thì phần lớn không triển khai được, các bạn yên tâm nhé. 

Chào thân ái. Nhóm admin TnBS

Oct 30, 2014

Chuyện ở London

Lại nói về chuyện hôm Tony ở London. Xuống sân bay Gatwick, cái Oanh cái Yến rủ thôi tối nay mấy anh em mình đi chơi đi. Tony cũng chưa dự hội nghị, thường là đi trước 1-2 hôm để tránh jetlag, nên mới OK.

Trong mắt Tony, London là thủ đô đẹp nhất. Những con đường nhỏ. Những công viên với những cây sồi già xù xì, những ghế gỗ và lá vàng đầy dưới lối đi. Những dãy phố cổ kính kiến trúc Gothic hay Tân Gothic. Những hàng rào bằng cây xanh, thường chừa 1 lối nhỏ vào nhà với bậc tam cấp, rồi cái cửa gỗ nhỏ xíu. Những lan can hay hiên nhà bao giờ cũng có những giỏ hoa đủ màu sắc rung rinh trong gió.

Tony đưa các bạn vô quán rượu truyền thống của người Anh. Nội thất bên trong quán bằng gỗ nhưng xỉn màu vì thời gian. Đặc trưng này của nước Anh đang mất dần, do suy thoái kinh tế, người ta không có tiền vào đấy uống ly bia 5-6 bảng nữa, mà ra siêu thị mua về uống cho rẻ. Gọi dĩa ô liu mặn chát, nhưng uống kèm bia thì rất hợp, các cô say sưa kể về nghề của mình. Các cô nói, trong các cuộc thi sắc đẹp ở mình, rất nhiều bạn ghi ước mơ là trở thành tiếp viên hàng không. Trong khi ở phương Tây, các cô có nhan sắc ít ai chịu làm nghề này, vì cực và ít tiền hơn làm người mẫu hay đóng phim. Nên nếu đi Air France hay KLM,...các tiếp viên đeo kính lão, tay run run do bị Parkinson gắp bánh mì đưa hành khách là hình ảnh bình thường. Ở các sân bay trung chuyển, đoàn tiếp viên châu Á thường nổi bật, kéo vali ngẩng cao đầu đi kiêu sa ghê lắm. Các cô nói đấy, anh xem, tụi em toàn là người đẹp, mà người đẹp thì " mỹ nhân tự cổ như danh tướng", được chiều chuộng từ nhỏ. Ví dụ rửa bát, nhiều ông cha bà mẹ nói thôi để ba mẹ làm, con nghỉ ngơi đi, hư tay búp măng hết. Lên trường thì bạn trai cũng giành làm hết những việc như lau bảng, trực nhật. Nên sau này làm phục vụ trên máy bay cũng không được nhanh nhẹn lắm, do lao động tay chân không quen.

Nhưng Tony hỏi ủa sao tiếp viên hãng khác ở châu Á cũng đẹp nhưng lại nhiệt tình chu đáo giỏi giang? Hàng không Thái thì lúc nào cũng cười, bưng đồ ăn ra ép hành khách ăn đến lòi họng. Nếu khách đang ngủ, các bạn tiếp viên Thái sẽ nói thì thầm, vẫn để cho ngủ chứ hẻm có đập bắt thức dậy cho bằng được. Mình mà vừa ngáp thức dậy là các bạn mò tới liền, hỏi ngủ dậy rồi hả cưng, ăn gì hem. Tiếp viên Sin hay Malay tiếng Anh như gió, động tác dứt khoát, làm gì cũng nhanh. Hàng không Nhật ít nói ít cười, nhưng sẵn sàng quỳ mọp xuống để năn nỉ khách uống thuốc chống say, khi phục vụ, đầu họ bao giờ cũng cúi thật thấp. Các hãng khác, tiếp viên luôn tay luôn chân, không lúc nào nghỉ ngơi trong ca trực của mình. Bay đường dài, đêm khuya vẫn có hành khách thức, khát nước nhưng nhiều lúc không dám gọi do không biết ngoại ngữ. Nắm tâm lý này nên tiếp viên Air Korea ko bật đèn, đi khẽ, bưng khay nước lên xuống cả trăm lần. Họ nói họ được trả 1h làm việc là bao nhiêu đô la đó, nên phải làm việc. Nếu ngồi không hay chờ ai bấm chuông mới đến, vậy còn gì là phục vụ nữa? 

Nghe vậy, cái Yến cái Oanh nói tụi em chưa chuyên nghiệp anh à. Và lại, chi phí để làm tiếp viên bay quốc tế cũng cao, tụi em phải mua ít đồ mang về nhằm gỡ gạc lại, nên cũng căng thẳng, anh làm thương mại anh biết. Nghe nói vậy thì Tony càng thấy thương nhiều hơn khi thấy các bóng áo đỏ dáo dác trong các cửa hàng miễn thuế, điện thoại đổ chuông, đầu óc bấn loạn với tỷ giá hối đoái lên xuống thất thường của nước bạn. Vừa mua xong mấy chục cái Iphone thì đầu mối nhắn tin giá ở VN đã giảm, thua lỗ mấy ngàn đô rùi thì đầu óc đâu mà "bò với gà", "cơm với mì". Ai cũng vậy mà, vừa thua lỗ mất tiền thì mặt mũi phải cau có chứ.

Nhưng nói đi thì cũng nói lại, lý do vì sao đi đâu Tony cũng đi hãng của nước mình. Thứ nhất là tất cả máy bay đều khá mới, an toàn-cái này cực kỳ quan trọng. Thứ nữa là thời gian ngắn nhất nếu là đường bay trực tiếp, đi xa ít mệt. Người ta tính, 1h ngồi trên máy bay tương đương 2h ngồi xe đò do áp suất không khí. Đi mấy hãng khác phải xuống sân bay nước họ rồi lật đật đi tìm cổng ra rồi lại leo lên máy bay nữa, mệt bắt ớn. Và việc trao đổi bằng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ cũng phẻ, hiểu hết nên có cái mà bắt bẻ giận hờn. Ngoài ra, mình dùng hàng Việt cũng là một cách ủng hộ sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt, vì sự tự tôn của dân tộc, nên những khó chịu kia chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ. Và cũng bởi vì " còn tình yêu đó, lỗi lầm sẽ qua".

Trò chuyện 1 chút rồi "thơ thẩn dang tay ra về", Tony đưa mấy cổ về khách sạn, bịn rịn chia tay kiểu "người lên ngựa kẻ chia bào, rừng phong-thu đã nhuốm màu quan san". Mà đúng là hôm đó, lá những cây phong ( maple) trước khách sạn mấy cổ ở chuyển màu, gió thổi rơi xào xạc, nhuốm đỏ cả thành phố. Tony mặc chiếc áo bành tô màu lông chuột, dài quá đầu gối, may ở Sài Gòn theo kiểu Jame Bond thập niên 60, tóc cắt ngắn, gương mặt điển trai, dáng vẻ cao ráo sang trọng, ai đi ngang qua cũng ngoái lại nhìn vì thích. Tản bộ dưới những tán phong chập chờn trong ánh đèn đường để xuống lại trạm tàu điện, thẳng đến ga Westminster. Bữa đó ngày lễ, ở sông Thames có bắn pháo hoa....

Dòng sông rực sáng. Tháp Big Ben ngay trên bờ sông, cao lớn uy nghi. Tiếng pháo đì đùng, tiếng violon réo rắt. Năm nào Tony cũng gặp nghệ sĩ đường phố này ở đây. Anh đứng dựa vào tường tòa nhà quốc hội, trước mặt là cái vali và vài đồng xu lẻ. Kinh tế suy thoái nên người ta không cho nhiều. Anh đang chơi bài "I have a dream", đầu nghiêng nghiêng, mắt nhắm nhưng lại mỉm cười, có vẻ không buồn mấy.

Gió dưới sông thổi lên mạnh dần, về khuya trời càng lạnh. Thọc tay vào túi quần cho ấm, ái chà, lạnh teo bugi rồi, thôi về khách sạn ngủ.

Cái thủng thẳng xuống lại tàu điện để trở về khu Hyde Park. Ngồi đợi tàu, tình cờ quen nàng tiên tóc vàng có tên Evavock đến từ nước Áo. Nàng vừa tốt nghiệp trường nhạc ở Vienna, và đến London để ứng tuyển làm ca sĩ. Evavock đẹp và rất đỗi dịu dàng. Dáng người bé nhỏ và mái tóc vàng óng. Trên mũi có cái khuyên bằng bạc nhìn rất lạ, rất duyên. Nàng cũng vừa đi ngoạn cảnh ở bờ sông Thames về, chắc thuộc tuýp lãng mạn giống Tony đây. Tâm sự hồi lâu, mấy chuyến tàu đến rồi đi nhưng cả hai vẫn không buồn bước lên, đề tài cứ miên man bất tận, không dứt ra được. Tony là người châu Á đầu tiên nàng quen ở London. Evavock nói có nghe nói về Việt Nam nhưng tưởng đang còn chiến tranh, nói hồi nhỏ học môn lịch sử có học qua, rồi thôi, không biết gì nữa. Cái Tony kể về Việt Nam cho cổ nghe. Nước Việt qua miệng lưỡi của Tony đẹp lung linh, nàng say sưa lắng nghe cứ như Alice lạc vào xứ sở thần tiên. Sau khi nói đủ chuyện trên trời dưới đất, cả 2 cảm thấy hợp vô cùng, cứ như sinh ra là để cho nhau. Tony bèn ra một quyết định quan trọng: rủ nàng đi chơi tiếp.

Nàng thoáng suy nghĩ rồi gật đầu. Trời thì lạnh, bất giác nàng gục đầu vào vai Tony. Chiếc áo bành tô may ở hiệu may Trúc chợ Bến Thành ( giá 2 triệu rưỡi) trở nên ấm áp lạ thường. Trong đêm xứ sương mù, có 2 kẻ tha hương lặng lẽ đi bên nhau. Hand in hand, nóng hổi.



Tổng kết cuối tháng ở hãng em

Ở hãng Phượng Tím, cứ mỗi tháng, mọi người kể cả Tony đều ghi một bản nhận xét, ghi rõ trong tháng qua đã làm tốt những gì, chưa tốt những gì. Có ma lanh phết phẩy tham lam tiền bạc của công ty hay không, có đi trễ về sớm và ăn cắp thời gian của công việc cho cá nhân hay không. Tự đó nhận xét đánh giá bản thân.

Tờ này sẽ dán ở cửa để khách vào giao dịch trong lúc chờ đợi sẽ đọc. Ban đầu khi quy định đưa ra, có nhiều bạn bị bệnh SĨ đã nghỉ việc ngay lập tức. Một số khác cũng đã nghỉ vì không sửa được. Nhưng số còn lại quyết tâm. Và tháng nào cũng dán lên bản (coi hình). Đâu có 3 tháng mà năng suất lao động tăng cao, ai nấy đều đẳng cấp sang trọng quý phái về tâm hồn cả.

Học trò ăn cắp quay bài và nói dối, giáo viên phải trừng phạt, để lớn lên thành công dân có ích. Nếu giáo viên bỏ qua là lỗi của giáo viên. Để con cái ăn cắp và nói dối, lỗi tại cha mẹ không nghiêm, sau này khổ ráng chịu. Làm làm chủ hay lãnh đạo công ty, phải nghiêm khắc với tụi nhỏ để sau này các bạn có thể làm nên sự nghiệp. Dù giờ chưa có tiền nhiều, nhưng nếu có đạo đức thì sau này đều có tương lại rạng rỡ cả. Mọi giám đốc công ty, cha mẹ, thầy cô...phải cố gắng cho tụi nhỏ đạo đức và sự nghiêm khắc. Có thể lúc đầu tụi nó sẽ phản đối và khó chịu, nhưng mình cứ kiên quyết. Vì cho đạo đức có nghĩa là mình cho tụi nó 1 cuộc sống thành đạt sau này.

Thông báo số... Gánh rau ra chợ Tây

Nhóm Gánh Rau Ra Chợ Tây hiện đang làm thủ tục GLOBAL GAP cho nông sản, các chứng chỉ HALAL food để xuất sang các nước Hồi Giáo, ECOCERT xuất sang châu Âu, ISO 22000 và FDA để xuất qua Mỹ các sản phẩm như nước ép Thanh Long, nước ép Bưởi, Nhãn, Vải, Dứa đóng hộp, Chôm Chôm đóng hộp, khoai lang sấy, tương ớt, tương cà, cà phê, cà chua xanh muối, nấm rơm muối, măng chua....cho các bạn khởi nghiệp trong CLB con dượng.

Nhóm mong các chú các bác các anh chị nào làm lĩnh vực này có thể hỗ trợ miễn phí cho nhóm chúng em nghiên cứu quy trình này và cách làm giấy tờ hồ sơ thế nào nhé. Nếu có lòng, mong các bác anh chị gửi mail về export.tnbs@gmail.com để hướng dẫn tụi em làm việc được nhanh hơn. 

Rất trân trọng đóng góp của các bác vì một nền nông nghiệp Việt Nam hùng mạnh. Tụi em cũng làm miễn phí thôi, chỉ vì hỗ trợ các bạn khởi nghiệp sản xuất để có thêm đầu ra cho nông sản Việt Nam. Mong các bác giúp chúng em 1 tay. Cám ơn các bác. Khóc

Team Export.

Học Bổng

Cám ơn 1 bạn đã gửi đến TnBS chương trình Học Bổng này

Chương trình học bổng IDEAS năm 2015

1. IDEAS 1: Khóa học thạc sỹ ngành Quản trị Kinh doanh, Tài chính và các ngành khoa học khác tại trường Đại học Kinh tế UCD Micheal Smurfit tại Dublin, Ireland

a. Đối tượng và điều kiện tham gia: 

Công dân đang sống và làm việc tại Việt Nam; Khóa học MSc: Tối thiểu 1 năm từ khi tốt nghiệp ĐH; Khóa học MBA: Tối thiểu 3 năm kể từ khi tốt nghiệp ĐH; Tiếng Anh: IELTS 6.5 (các kỹ năng điểm từ 6 trở lên)

Để biết thêm thông tin về Quy trình xin học bổng, cách nộp hồ sơ Trực tuyến, vui lòng truy cập địa chỉ sau: http://www.smurfitschool.ie/vietnam/ sinh phải tốt nghiệp ĐH trước tháng 1 năm 2014);

2. IDEAS 2: Khóa học thạc sỹ dành cho các ngành Dược, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thông tin và các ngành Nghiên cứu Xã hội. Ngoài ra chương trình dành từ 1 đến 2 học bổng ngành Ngôn ngữ học Ứng dụng tiếng Anh cho giảng viên Đại học

a. Đối tượng và điều kiện tham gia:

i. Công dân đang sống tại Việt Nam ii. Tối thiểu 2 năm kinh nghiệm làm việc; iii. Tốt nghiệp đại học chính quy các ngành có liên quan iv. Kỹ năng tiếng Ânh: IELTS 6.5( Academic), điểm tổng kết từ 7.0/10 trở lên. Để có thêm thông tin vui lòng tham khảo tại trang mạng của Đại sứ quán Ireland www.embassyofireland.vn

Các thông tin này chỉ để trên page 1 ngày. Các bạn cần ghi ra sổ nếu bạn quan tâm, cơ hội thông tin chỉ có 1 lần, không có chuyện đăng lại vì “tôi thấy mà quên ghi chép, giờ tìm không ra”. Đã từng có nhiều bạn được ai đó chỉ cho học bổng/chỗ xin việc, cứ liên tục đến yêu cầu ‘Quý nhân” “đọc giùm hồ sơ, viết giùm thư, dạy giùm tiếng Anh” thậm chí “dịch giùm coi thử trong đó nói cái gì để em đi nộp”, phiền người ta vô cùng, coi như lỡ giới thiệu với nó là “phải có trách nhiệm, chứ không là không xong với tôi”. Với thể loại không có nhu cầu này, không trả lời vì sẽ tốn thời gian. Một ngày ai cũng có 24h để làm n công việc, không thể nhai cơm bón vào miệng người khác trừ đứa trẻ dưới 2 tuổi. Với thể loại này, có giúp nó thì nó cũng không có được học bổng đâu, nên im lặng và đuổi đi.

Nếu các bạn có tinh thần, thì các bạn phải tìm cần, tìm mồi câu... người ta chỉ có thể giúp bạn chỗ nào nhiều cá để các bạn bớt tốn thời gian. Mọi thứ các bạn phải làm, phải động não, động chân tay, không hỏi những câu ngáo ngơ. Không bình luận, tốn thời gian vô ích vì mọi bình luận trên page này sẽ bị xóa và khóa nick, không ai đọc được comment trên đây đâu. Chào và chúc thành công.

Oct 29, 2014

Tiền đâu khởi nghiệp?

Có bạn trẻ gửi thư trách TnBS. Nói chúng tôi cũng muốn khởi nghiệp, nhưng tiền đâu. Cho tôi 10 tỷ đi, tôi sẽ làm xưởng nhà máy. Hãy cho tôi cần câu, tôi sẽ đi câu cá.

Không biết tự bao giờ có cái khái niệm “cho cần chứ không cho cá” rồi mọi người khen hay. Đối với thể loại làm biếng, thử lấy cần câu cho mấy người ăn xin (mà còn lành lặn) thử coi. Nó sẽ đòi “cho mồi”, đưa mồi thì kêu “móc vô lưỡi giùm”, rồi “câu giùm luôn đi”. Cuối cùng cũng quay lại cái máng lợn nằm đó “lạy ông đi qua lạy bà đi lại”. 

Cái mình cho phải là “tinh thần câu cá”. Khi có tinh thần, tự động nó sẽ bật dậy, chạy chặt tre về làm cần, tự động mài sắt thành lưỡi, tự động hăm hở đi hết chỗ này chỗ kia để tìm cá. 

Tony có quen anh Quảng, dân Vĩnh Long. Tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Hóa vào thập niên 80, anh làm xà bông, mì tôm, nước rửa chén, nước tương…và lao động cật lực để bây giờ anh làm chủ 1 nhà máy bao bì nhựa. Anh có 4 thằng con trai, đầu tiên đẻ 2 đứa, ráng kiếm cô con gái, ra tiếp thằng nữa. Anh sợ “tam nam bất phú” nên đẻ thêm 1 thằng nữa thành “tứ quý”. Anh cho 4 thằng học ở 4 nền giáo dục khác nhau, cứ tốt nghiệp 12 xong là đi. Thằng học ở Sin, thằng ở Mỹ, thằng ở Canada, thằng ở Anh. Nhưng thằng nào cũng 1-2 năm thì về nước, học không nổi. Tony xuống chơi, thấy 4 thằng từ trên lầu đi xuống, đứa nào đứa nấy cao hơn mét tám, trắng hồng, nặng cả tạ, mặt to như cái mâm. Anh Quảng nói kêu tập thể thao thì tụi nó nói không có phương tiện, thế là tao phải mua máy chạy bộ, tạ các loại…về nhưng tụi nó có tập đâu. Kêu đi bơi thì tụi nó nói nhà phải có hồ bơi riêng, bơi chỗ công cộng không sạch, tao bán cái nhà mặt tiền dưới quận 6, ra Thủ Đức xây nhà có hồ bơi, tụi nó hào hứng bơi đúng có 1 ngày. Tony nhìn thấy trên bàn dọn sẵn 4 tô cơm, 4 cái giò heo to đùng. Anh kể hai thằng sau thì đang học mấy đại học liên doanh gì đó, còn 2 thằng đầu thì vô nhà máy của anh phụ việc hành chính văn thư, nhưng liên tục kêu đói bụng, nửa chừng bỏ về nhà để ăn. Anh cười hi hí, nói thôi kệ. Nhà có điều kiện mà, lúc nào cũng có nồi giò heo hầm trên bếp. 

Anh Mark Facebook, anh Bill Microsoft, anh Quảng như trên bài đây…tất cả đều là những người với 2 bàn tay trắng xây dựng cơ đồ. Nhưng thế hệ sau thì có thể khác, nếu cha mẹ cho tiền mà không cho tinh thần, thì nó lại bán nhà máy để mua giò heo và thuốc trị bệnh Gout.

Với thể loại cứ kêu “tiền đâu”, “điều kiện không có” thì khỏi trả lời mắc công. Và đã có hàng vạn bạn trẻ, thấy người ta khởi nghiệp cũng về khóc lóc ép bố mẹ đưa tiền để mở công ty và ba bữa là ném hết xuống sông. Dù ít dù nhiều, đứa nào tự biết tạo vốn ban đầu, thì đứa đó mới làm chủ được.



Oct 28, 2014

Thông báo số... Xét duyệt "hành bổng"

Thông báo: Xét duyệt “Hành Bổng” tháng 10/2014.

Điều kiện nộp hồ sơ:
1. Độc giả TnBS trên mọi miền tổ quốc. Ưu tiên học sinh SV trường nghề, ngành kỹ thuật tự thành lập cơ sở sản xuất. Ví dụ học trung cấp cơ khí, tự mở xưởng sản xuất đinh, ốc, vít, bù lông, xe đạp. Học điện tử và khởi nghiệp sản xuất vi mạch, bán dẫn. Học dệt may mở xưởng dệt lụa, kéo sợi. Học nông lâm trồng nấm, cấy mô, ghép cây lạ có hiệu quả kinh tế. Hoặc thanh niên nông thôn đứng ra phát triển đặc sản địa phương hay khôi phục làng nghề truyền thống…TIÊU CHÍ LÀ SẢN XUẤT RA SẢN PHẨM CỤ THỂ VÀ GIẢI QUYẾT LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI DÂN ĐỊA PHƯƠNG

2. Các bạn gửi hồ sơ về cho sx.tnbs@gmail.com để các admin gần nhất liên hệ xác nhận. Sản phẩm và gương phấn đấu của các bạn sẽ được đăng trên TnBS cho bạn trẻ học tập noi theo. Về đầu ra, hiện tại đội tình nguyện TnBS sẽ giúp các bạn phân phối sản phẩm trên toàn quốc. Nhóm “Gánh Rau Ra Chợ Tây” sẽ giúp các bạn xuất khẩu kiếm Đô-Loa chơi cho vui. Không lo nữa nhé.

3. Các bạn vui lòng email câu chuyện khởi nghiệp của CÁ NHÂN mình, kèm theo hình ảnh cơ sở sản xuất, máy móc thiết bị, trang trại, hồ cá ao tôm, bờ tre gốc rạ… về sx.tnbs@gmail.com

TnBS không muốn cho học bổng, vì ad thấy xưa nay thấy học bổng chỉ giúp được cá nhân người đó, 1 người học giỏi không có ý nghĩa lớn lắm với cộng đồng. Nhưng 1 người “mở xưởng” có thể giúp được mấy người nữa có công ăn việc làm. Mỗi xã mỗi huyện đều có nhà máy/nông trường/nông trại do người địa phương tự mở ra thì nước Việt sẽ thay thế Israel thành quốc gia khởi nghiệp.

Chúc các bạn trẻ có những suy nghĩ thông thoáng, tích lũy đạo đức, vốn, kiến thức, kinh nghiệm để khởi nghiệp. Tìm kiếm cơ hội sản xuất thay thế hàng nhập khẩu chứ không phải giựt mối công ty đang làm ra mở công ty thương mại cạnh tranh, chả có gì hay. Mình chỉ có 1 lần tuổi trẻ để vẫy vùng thôi, đừng an phận thủ thường uổng lắm. 

“Sáng xách xe đi, tối xách về 
Một ngày như hàng vạn ngày qua
Đang đếm dưa hành thì bạn gọi. 
“nhậu hem”, liền nói “chút tao ra”.


P/S: Bài toán về vốn các bạn tự giải nhé. Như nhóm Tình Nguyện đã phải tự tổ chức kinh doanh để tạo quỹ, 80 người đã không ngủ đêm thứ 7, làm việc nguyên ngày chủ nhật để có quỹ. Các bạn cũng phải như vậy. Mọi ông chủ của mọi cơ sở sản xuất hiện nay, không ai thừa hưởng từ cha mẹ đồng nào cả mà đều đi lên từ 2 bàn tay trắng. Các bạn lưu ý nhé

Thông báo số... Gánh rau ra chợ Tây

Có khoảng 100 bạn đã gửi thư về xin gia nhập nhóm gánh rau ra chợ thế giới, đều có IELTS 7.5 hoặc 8.0 cả. Trai cao 1m80, biết bơi lội võ thuật. gái cao trên 1m70, biết hát múa đánh đàn. Hiện tại đã loại 70 bạn do thừa cân, yêu cầu các bạn bớt ăn uống, tập luyện lại để tham dự đợt sau. Hiện tại 30 bạn đã tuyển sẽ được tham dự các kỳ huấn luyện về ăn nói đàm phán, Tony chỉ biết dạy tới đấy thôi, còn kiến thức marketing thì không có. Tony mong các bạn đang làm Sếp về Marketing trong các tập đoàn nước ngoài lớn như Unilver, P&G, Samsung,...và các công ty nông sản lớn của nước ngoài như Cargill, Mercon...giúp đỡ hỗ trợ giùm, huấn luyện tụi nhỏ giùm vào thứ 7 hoặc buổi tối 1-2h thôi. Các bạn giúp đỡ để nhóm bạn trẻ Việt Nam có thể biết cách marketing xuất khẩu hàng nông sản ra thế giới bên ngoài nhé. Vì một tình yêu với nông sản Việt.

Email về export.tnbs@gmail.com nếu các bạn có thể hỗ trợ Team này nhé. Cám ơn nhiều nhiều.

Ven hóa tranh luận

Giáo sư X là 1 chuyên gia nông học giỏi, sau này ông chuyển sang làm ở trường ĐH A, một đại học tuy nhỏ nhưng có nhiều lứa sinh viên tốt nghiệp chất lượng rất tốt. Tony đã từng làm việc với ĐH A và thật bất ngờ về cơ ngơi của trường, về công việc được sắp xếp rõ ràng, khoa học của những người lãnh đạo có tư duy.

Tuy nhiên, trong đời, ông lại có lần há miệng mắc quai. Không riêng ông mà chúng ta, ai cũng ít nhất 1 lần. Đó là đâu chục năm về trước, ông có viết 1 bài báo, xem xét bỏ Tết cổ truyền, ăn Tết theo dương lịch như các nước phương Tây. Lập luận của ông là Tết này thật sự là tết của Trung Quốc, theo nông lịch. Các nước vốn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã không ăn Tết này nữa. Hàn Quốc chỉ xem là holiday, nghỉ 3 ngày, còn Nhật thì bỏ hẳn, chuyển qua tuần lễ vàng từ Noel đến Tết dương lịch để nghỉ như phương Tây. Giáo sư X còn lập luận là chúng ta nghỉ tết, thật sự là quá dài. Trước tết thì đã mất 1 tháng với tâm lý đã tháng chạp, lúc đó chúng ta bắt đầu quên dương lịch, toàn tính theo ngày âm, rằng bữa nay là mùng mấy tháng chạp rồi...nên bắt đầu chểnh mảng công việc, chuẩn bị nghỉ Tết. sau Tết thì với quan niệm còn mùng còn ăn chơi, còn Giêng còn ăn chơi, nên mất coi như 2 tháng. Đơn hàng xuất khẩu đi các nước khác sẽ bị thiệt hại, v.v.v nói chung ông đưa rất nhiều con số mang tính định lượng để làm cho bài viết thuyết phục.

Vừa đăng lên, 1 làn sóng phản đối mạnh mẽ. Nói theo ngôn ngữ bây giờ là bị ném đá. Ở VN, thật khó chấp nhận quan niệm mới ngược lại với cái quen thuộc. Dù ở nước ngoài, nhưng quan niệm như vậy được xã hội tôn trọng vì công bằng mà nói, quan niệm đó cũng có lý, và có lợi cho cộng đồng, không phải vì lợi ích một nhóm người hay 1 ngành nghề nào cụ thể. Chỉ là quan niệm cá nhân nên chúng ta có thể phản biện, tranh luận, hoặc ghi nhận. 

Tranh luận là nguồn gốc của phát triển. Tuy nhiên, tranh luận phải có phưong pháp, nên xoáy vào vấn đề cần mổ xẻ, tránh công kích cá nhân. Sau bài báo đó, giáo sư chọn giải pháp im lặng. Không đính chính hay tranh luận lại, vì đó là giải pháp tốt nhất sau khi cái gọi là rùm beng.

Ở VN, cứ ai phát biểu, thuận tai thì không nói gì, trái tai thì ôi thôi nhận đá mệt nghỉ. Bữa thì 1 ông Việt kiều vốn quen nổ (thông cảm, dù đã là tiến sĩ hay đang đi hạc như Tony, cứ phải nổ mới ra chất VK), bữa thì 1 ông "doanh nhân" chủ tịch hiệp hội gì đó nói năng rất quả quyết "chúng ta nên, chúng ta phải", bữa thì 1 cô ca sĩ muốn quánh bóng tên tuổi vì lâu rồi hát hẻm ai coi, nhưng tất cả đều có chung 1 cách là mời phóng viên tới để nghe phát biểu 1 câu xanh rờn, càng xanh càng tốt, đều có trong kịch bản PR rồi tung lên mạng. Có 1 nhóm người, không rõ phe nào, thấy A phát biểu là ủng hộ A, ném đá B, bữa sau B nói A lại, thấy cũng xuôi tai, quay lại ném đá A khí thế. Cứ cầm sẵn 2 cục đá trên tay, đọc xong là ném, loạn xạ. Giống con dơi, ngồi coi chim và chuột quánh nhau. Thấy chuột thắng thì nói tao là chuột, coi mặt tao nè, giống chuột hem. Thấy chim thắng thì nói tao là chim, vì tao biết bay.

Tony từng tham gia tranh luận với bạn học trong 1 cuộc rượu hồi còn sinh viên, đề tài là "Nên ăn sáng trước hay quánh răng trước". Đề tài thiệt dễ thương. Ban đầu rất vui, sau hồi cay cú, bên này lỡ nói sai 1 chữ, bên kia chụp lấy, ghi nhớ, triển khai diễn giải khí thế để phản công lại, bên này cũng không vừa, canh me mày nói sai chữ nào là bắt bí liền, lập tức triển khai ý và dùng lý lẽ, dẫn chứng để quật lại. Bên này đuối lý, bên kia hả hê. Sau đó chuyển qua đưa các bậc phụ huynh vào, rồi sau đó tuyên bố mày vô văn hóa tao có văn hóa, mày vô học tao có học, rồi lôi các bộ phận trong cơ thể cũng đưa ra ném vào mặt nhau, máu dâng lên ngút trời. Cũng may là Tony cũng đã kịp thời dĩ hòa vi quý bằng những câu chuyện hài hước. Bắt tay làm lành, cuối cùng cặp kè nghiêng ngả lấy xe ra về, cả bọn kết luận Mỹ không nên quánh I rắc.



Oct 27, 2014

Thông báo số... Tuyển dụng

TUYỂN TÌNH NGUYỆN VIÊN TIÊU THỤ NÔNG SẢN DỘI CHỢ Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG SAU. ĐIỀU KIỆN: CÓ XE MÁY, RẢNH RỖI HOÀN TOÀN VÀO THỨ 7 VÀ CHỦ NHẬT. CÓ ĐIỆN THOẠI SMART PHONE VÀ 3G ĐỂ ONLINE. LÀM VIỆC TỰ NGUYỆN, TỰ CHỊU MỌI CHI PHÍ ĂN UỐNG, ĐI LẠI, XĂNG XE, ĐT…KHÔNG CÓ LỢI GÌ CẢ, CHỈ THIỆT HẠI VỀ THỜI GIAN CÔNG SỨC NÊN CHỈ CÁC BẠN CÓ LÒNG TỐT, SỨC KHỎE MỚI THAM GIA NHÉ. CÁC BẠN VUI LÒNG LIÊN HỆ TRỰC TIẾP VỚI CÁC ADMIN Ở TỈNH CỦA BẠN ĐANG Ở NHÉ.

• Tại Đà Nẵng 
Bạn: Chung Thị Thủy Tiên
Email: Thuytienchung@gmail.com

• Tại Bình Dương (Thủ Dầu Một/Thuận An)
Bạn: Nguyễn Thị Mỹ Hiền
Email: hiennguyen18211@gmail.com

• Tại Nghệ An (Vinh)
Bạn: Nguyễn Thị Thanh Lịch
Email: Lichnguyen1991@gmail.com

• Tại Quảng Ninh (Hạ Long)
Bạn: Nguyễn Thị Trang
Email: thienbinhthamvong@gmail.com

• Tại Kiên Giang (Rạch Giá)
Bạn: Hoàng Thị Hằng
Email: Thanhhangvy@yahoo.com

• Tại Biên Hòa:
Bạn: Lê Hoàng Bảo Trân
Email: lehoangbao94@gmail.com

• Tại Đắk lắk (Tp Buôn Mê Thuột)
Nguyễn Xuân Mạnh
Email: nxm.ueh2012@gmail.com

• Tại Nha Trang – Khánh Hòa
Bạn: Trần Thụy Vĩnh Trâm
Email: vinhtram241085@gmail.com

CÁC ĐỊA PHƯƠNG KHÁC HIỆN CHƯA CÓ. KHI NÀO CÓ CHÚNG TÔI SẼ THÔNG BÁO TUYỂN. 

NHÓM TÌNH NGUYỆN TNBS

Nông sản an toàn và trái tim người Việt…

Sau khi nghe lời Tony, nhiều bạn trẻ thôi nằm rũ rượi ở thành phố chờ xin người ta cho việc nữa, đã về quê và mở các nông trại chăn nuôi/trồng trọt. Hiện tại các bạn đã có sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra rất khó khăn. Nhưng như bài toán khó, mình tách ra, giải từng vế một, cuối cùng cũng xong các bạn à. Chứ ai cũng nghĩ thôi sao làm được, hoặc có làm thì cũng không giải quyết được cái gốc, và kết quả là không ai làm. Nhiều bạn nói thôi để con cày xới lên luôn chứ thương lái vô vườn trả có 500-1000 đồng/kg, trả giá kiểu “cho vui”, vì họ thừa biết công hái là đã cao hơn giá này rồi.

Các bạn thuộc nhóm tình nguyện CLB con dượng đã mua cà chua với giá 5000 đồng/kg, cao gấp 5-10 lần các thương lái, và bán vào sáng chủ nhật hàng tuần. Nhiều người dân Tp HCM và Hà Nội đã cho mượn mặt bằng trong ngày chủ nhật để các bạn hoạt động tình nguyện hỗ trợ nông dân Việt Nam.

Có nhiều lăn tăn về việc nông sản này sạch hay không sạch. Tony giới thiệu các bạn khái niệm nông sản sạch và nông sản an toàn. Nếu muốn sạch phải có tiêu chuẩn khắt khe cỡ Global GAP, do tổ chức quốc tế cấp. Từ làm đất, giống, tưới tiêu đều phải hữu cơ, thậm chi sâu hại thậm chí phải bắt bằng tay…nên giá rất cao, không khả thi cho đại trà. Ở thế giới cũng rất ít sp hữu cơ này, 1 kg táo organic ở London bán giá 10 bảng, so với 2 bảng hàng an toàn. Trong ngành phân bón thuốc sâu, có chỉ số PHI, pre-harvest interval, tức chỉ số cách ly trước khi thu hoạch. Ví dụ PHI =7 tức hôm nay phun, 7 ngày sau thì tồn dư thuốc trong nông sản mới biến mất. Sự biến mất này là do sự đào thải của tự nhiên, cây sống mới đào thải được. Còn ví dụ hôm nay xịt, mai hái, đem về để ở nhà, thì 1 tháng sau vẫn còn dư lượng. 

Cà chua, thanh long, khoai lang tím…gần đây rẻ quá, nông dân đến lúc gần chín gần như chẳng phun xịt gì, vì làm như vậy chỉ tăng chi phí mà lại đổ đống. Nên cà chua của bạn Hùng Cà, bạn đã “bỏ bê” 10 ngày trước khi hái, trong khi mọi thuốc BVTV dùng cho rau củ PHI cao nhất =7, thì coi như an toàn. Vài dòng cho các bạn biết kiến thức này, đừng tranh cãi nữa nhé. Làm, ủng hộ. Còn nếu không, im lặng giùm, đừng bàn ra, đừng suy nghĩ cá nhân kiểu “nông dân chết kệ nó chứ ảnh hưởng gì tao. Tao có lợi gì đâu, có lợi gì đâu…”.

70% dân nước mình là nông dân, tức hơn 60 triệu người, đồng bào của mình cả, dù giọng bắc giọng nam nhưng đều là người Việt. Một nhóm lửa đã được thắp lên, nếu bạn có thể chung tay giữ ngọn lửa ấy, thổi bùng lên “tình yêu nông sản Việt”, thì làm. Còn bạn nếu thờ ơ, thì cứ tiếp tục thờ ơ. Mình quay lưng cũng được, nhưng đừng chỉ trích, phê phán. Nước mình là nước đang phát triển, thì có bao nhiêu cái chưa chuẩn. Dân mình từ lũy tre làng đi ra, thì còn bao nhiêu cái tiểu nông. Mình cần phải xây dựng, giúp đỡ, hỗ trợ, đồng cảm, thương yêu, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Người đẳng cấp là thấy vết nhọ trên mặt người khác thì chỉ cho họ rửa chứ sao lại quẹt thêm? Bữa nay mình quẹt nó, bữa sau nó quẹt lại rồi cả 2 cùng xấu. Các bạn trẻ đừng bao giờ bước chân vào nhóm GATO và NATO nhé. GATO là ghen ăn tức ở, bệnh Chu Du, xấu lắm. Còn NATO thì còn tệ hơn, NATO là No Action-Talk Only, thành ngữ chỉ mấy đứa không làm, chỉ nói…

Hãy chung tay vì một dân tộc Việt thịnh vượng hơn. Người Thái có đất Thái, người Hàn có đất Hàn, người Nhật có đất Nhật, người Việt chúng ta có mảnh đất hình chữ S này. “Thiên thư” đã định sẵn, chúng mình cùng nhau làm cho nó tươi đẹp hơn. Mỗi các bạn văn minh giàu có, là dân tộc mình sẽ giàu có. Học thêm đi nhé. Làm thêm đi nhé. Thoát ra khỏi cuộc đời chật hẹp xe máy phố nhỏ ngõ nhỏ tâm hồn nhỏ của văn hóa chửi bới và chỉ trích. Hãy cháy hết mình, với mọi khả năng có thể của bạn. Xin tặng các bạn những dòng thơ mà Tony rất thích trong chương trình ngữ văn cấp 2.

“Chúng ta không thể ngủ yên trong đời chật
Khi buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng
Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt
Gỗ trăm cây đều muốn hóa trên trầm
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt
Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng
Tổ Quốc
Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” (Chế Lan Viên)



Thông báo số... Tin vui

Tin vui cho các bạn, riêng hôm qua, nhóm Tình nguyện đã bán được 4 tấn cà chua tại Tp HCM và 1/2 tấn ở Hà Nội, chưa kể các đơn hàng lớn như 500 kg hay 1 tấn/tuần của các khách hàng lớn đã được nhóm tình nguyện giao cho nhà vườn liên hệ trực tiếp giao dịch mua bán, coi như nghĩa vụ cầu nối đã xong. Nhóm chỉ phụ trách bán lẻ offline vào chủ nhật, không chỉ cà chua mà còn có nhiều nông sản dội chợ khác. Và nhiều sp khởi nghiệp của Clb con dượng.

Hiện TnBS rất vui mừng là đã có nhiều nhóm tham gia phân phối cà chua, như vậy ngọn lửa của TnBS nhóm lên đã thành công. Mong mọi người ủng hộ cho tất cả mọi người bán, vì suy cho cùng chúng ta đều góp phần tiêu thụ nông sản Việt. Chỉ mong các nhóm khác nếu có làm, cố gắng mua giá cao cao một chút cho nông dân, và tuyệt đối đừng tiếp tay cho cà chua hay nông sản Trung Quốc nhé. 

Vận chuyển từ Đà Lạt đi Hà Nội cước cao quá, đường xấu và mất 2 ngày rưỡi nên cà chua bị hỏng khoảng 20%, chín gần hết. Nên bạn nào nghĩ đến hướng kinh doanh nông sản Đà Lạt ra bắc, phải lưu ý cái này. 

Khi chưa có cao tốc Bắc Nam, thì các hãng hàng không nên tính cước ưu đãi cho vận chuyển rau củ trên 2 đường bay Đà Lạt và Cần Thơ đi các địa phương khác. Và mọi người chung tay nhau tiêu thụ nông sản Việt Nam. 

Các bạn sản xuất cứ yên tâm sản xuất. Bài toán đầu ra sẽ được giải quyết từ từ. 

Sáng nay, trên TnBS

Oct 26, 2014

Kiếm tiền, sáng tạo chịu khó mới kiếm được

Hôm qua có 30 phút online, mà mấy cái message xin tiền để làm từ thiện của các bạn trẻ. Tâm của bạn rất tốt, nhưng muốn có tiền thì có khó gì. Tại sao không tổ chức làm kiếm tiền để tạo quỹ hỗ trợ khởi nghiệp như clb con dượng? Khi muốn lập quỹ, Tony không cho phép đi quyên góp ủng hộ gì cả, mà bắt phải tổ chức sản xuất kinh doanh tự kiếm tiền, chứ xin xỏ chi cho mệt. Ai đưa cũng không lấy, bạn gì ở Canada mua có 50 cuốn sách mà gửi tới 170 USD, Tony bắt trả lại. Bạn không lấy nên chuyển sang gửi các bạn trẻ đảo Phú Quý.

Dù là tiền từ thiện, tiền tự mần mới đáng quý. Các bạn thấy nông sản bị đổ bỏ cho bò ăn ở Đà Lạt, đã mang về và chở đi bán khắp nơi, kiếm tiền. Sáng thứ 7 các bạn chạy lên vùng sản xuất, sáng chủ nhật tổ chức bán, thứ 2 đi học đi làm bình thường. Cuối tuần làm việc ý nghĩa cho cộng đồng, mà còn có chút ít tiền để làm từ thiện theo ý mình nữa. Chứ ngủ rồi cà phê cả ngày làm chi. Tuổi trẻ vô vị quá. 

Ở tỉnh cũng được, như ở Nha Trang cũng có nhóm sinh viên đi Cam Ranh mua xoài về bán ở đường Trần Phú khi xoài đổ đống, nghe lời Tony nên sau mùa xoài mỗi bạn cũng kiếm cả chục triệu, trong khi nông dân Cam Lâm thì biết ơn rối rít. Ở Vinh mua cam Vinh gửi xe ra bạn ở Hà Nội bán, đi làng nghề lấy hàng về tiếp thị ở phố Tây. Biết tiếng Anh mà, sao không làm thêm vào cuối tuần? Sáng tạo lên.

Học sinh thì nhà nghèo học giỏi còn ủng hộ, vì các bạn nhỏ hơn 18 tuổi, lại ở các vùng xa xôi chưa có điều kiện làm thêm. Còn sinh viên nghèo học giỏi gì đó, nghe dị ứng quá. Học giỏi, chuyên học không thì làm công trình khoa học, giải này giải kia cũng kiếm được tiền. Còn không thì tự đi mần thêm đi nhé, bỏ công bỏ trí ra mà kiếm tiền. Sinh viên toàn ở các thành phố, thị xã cả, bao nhiêu cơ hội. Như nhóm Sinh Viên ĐH Trà Vinh, ở đó 3 năm chưa nghe con chù ụ, thấy Tony giới thiệu nên mới xuống huyện Duyên Hải mua về bỏ mối ở thị xã, giờ đứa nào cũng sắm được xe máy cả. 

Các bạn coi lịch làm việc của CLB con dượng tối qua, có nhóm làm lúc 0h, có nhóm lúc 2h sáng, và 6h30 sáng nay là tập trung các điểm để bán rồi. Tuổi trẻ phải giỏi giang và chịu khó như vậy mới được chứ sao cũng ăn ba bữa mà mình bất tài vô dụng vậy. 18 tuổi rồi, trưởng thành rồi. Như con hổ trong rừng, đủ lông đủ cánh là tự kiếm mồi chứ sao nằm chờ hổ mẹ săn về cho ăn? Mình lớn rồi, một ngày mình ăn sáng 20 ngàn, ăn trưa 20 ngàn, ăn tối 20 ngàn, vị chi một ngày tiêu dùng của xã hội 60 ngàn thì phải kiếm tiền ít nhất 60 ngàn để bù lại chớ. Còn làm cái gì thì tự động não, đừng sống ký sinh nữa.




Oct 25, 2014

Những lá thư tình nguyện

Đứng trước tình trạng các bạn trẻ trong CLB con dượng khởi nghiệp sản xuất trồng trọt và chăn nuôi ra rất nhiều sản phẩm, nhưng đầu ra luôn là một bài toán khó, nhóm tình nguyện TnBS đã ra đời. Các bạn làm với sứ mạng hỗ trợ các bạn nhóm khởi nghiệp, không lương, không thù lao, phải tự bỏ tiền xăng xe trong 2 ngày cuối tuần. Khi Tony viết những dòng này, 30 bạn đang vội ăn những hộp cơm, đang đứng trong kho hàng, đang quét dọn các điểm bán hàng vào ngày mai, và đêm nay sẽ có nhiều bạn chỉ ngủ có 5h. Và bao nhiêu bạn trẻ khác trong nhóm sản xuất, đang hăng say trong các nhà máy, điện sáng đêm trong các nông trại nông trường.

Nếu bạn thấy những giọt mồ hôi của họ, thì những toan tính ích kỷ, những ly rượu sóng sánh trong vũ trường kia sẽ chẳng còn bạn để tâm nữa. TnBS trích đăng một số lá thư xin gia nhập của các bạn trong phần comment, mời các bạn đón đọc, cho một cuối tuần thật ấm lòng. Có nhiều lúc, hạnh phúc chỉ giản đơn như vậy.


Gửi dượng và các bạn nhóm Tình Nguyện

Có câu, Cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Ai cũng muốn làm nên điều gì đó thật ấn tượng, để khi chết đi, nhân thế còn nhớ đến mình. Con không nghĩ mình sẽ làm được cái gì to lớn, bởi mỗi người có phúc phần riêng. Thôi thì mình sống ý nghĩa, giúp được người khác là vui rồi. 

Có lẽ bản tính hiền hòa, nhút nhát của con đã được định sẵn. Mở miệng nói dối là tim đập chân run, mắt thì mấp máy. Mẹ cũng dạy con rất kĩ điều này. Con còn nhớ lúc nhỏ, nhà con nghèo lắm. Mẹ con bình thường như mọi bà mẹ lam lũ trên dải đất hình chữ S này. Mỗi chiều ngoài giờ học, con phụ mẹ bán cá, khi chuẩn bị dọn hàng ở chợ về, con luôn thấy vui vì sắp được về nhà. Nhưng vui hơn là được mấy cô mấy dì trong chợ kêu cho đủ thứ đồ từ rau cải, xương heo, tàu hủ…Nhà tuy đông người, 6 người, nhưng dùng cho bữa tối thì không hết. Ngày nào mẹ cũng phân ra từng bọc nhỏ đồng đều, cả rau cả thịt. Đi bộ từ chợ về, mẹ dẫn con ghé vào từng nhà những người nghèo trong xóm. Họ nhận rau thôi mà đôi mắt rạng rỡ. Người cắt lúa mướn, người đào đất thuê, người lặn lội giăng câu kiếm từng con ếch con lươn. Lúc đó, con thấy trong lòng mình trào dâng niềm hứng khởi lạ lùng mà đến sau này con mới hiểu trọn vẹn. 

Ngày con lên Sài Gòn đi học một mình, mắt mẹ buồn buồn. Mẹ dặn, làm gì cũng được, không làm tốt cũng được, chớ có hại người khác. Con chọn được đường đi còn nhờ người mẹ thứ 2, là một cô giáo dạy môn địa cấp 3. Cô xem trò như con, dạy đủ thứ chuyện đời. Ngày ra đi cô dặn: “Cô muốn em trở thành một nhà báo giỏi”, D. à.

Tốt nghiệp và trở thành nhà báo, công việc cứ thê xoáy cuốn con đi. Thành nhà báo lớn, con làm chưa được. Nhưng bây giờ ngẫm lại lời cô, của mẹ, con đã không phụ lòng dạy dỗ và kì vọng của 2 người phụ nữ nơi phương xa đang theo dõi từng bước chân con. Là một nhà báo chân chính, mình viết bài phải khách quan, đưa ý kiến đa chiều để không oan, không thiên vị cho ai. Không ngừng chăm chỉ để mở rộng kiến thức, quan hệ. Với đối tượng, chủ yếu bây giờ là doanh nghiệp, chân thành chia sẻ. Chuyện vòi vĩnh tiền bạc quà cáp càng không thể làm. Đó không chỉ là đạo đức báo chí, nó còn là đạo đức con người. 

Từ khi sang năm 2 đại học, con tham gia mọi lần đi tình nguyện, cũng là để khám phá cuộc sống mới. Đi thăm làng trẻ em SOS, ráp xe lăn tặng cho người tàn tật, cùng bạn bè mang quà tặng những người khó khăn… Giờ ngồi nhớ lại thấy đẹp và nhẹ lòng làm sao! Ôi thời sinh viên của con thật đẹp.

Con đến với Dượng và các bạn ở Câu lạc bộ này cũng bắt nguồn từ lí do tương tự. Có cơ hội giúp đỡ người khác trong khi mình có thể, mình cứ làm thôi. Con rất thích lời cảnh báo của Dượng: làm cái này không có tiền mà còn tốn tiền, ai dám làm thì đăng kí. Và cũng rất mừng khi thấy, có nhiều người dám lấy sự chân thành ra đối đãi với người xa lạ, 80 người khùng khùng, trong đó có con. 

Con không dám hứa sẽ hoàn thành tất cả nhiệm vụ Dượng giao, nhưng con hứa sẽ làm hết sức mình, không ngại nhiều ngại khổ. Và Dượng cũng chớ lo về chuyện con là một phóng viên. Con tham gia với tư cách người làm tình nguyện, như bao bạn khác. Câu lạc bộ là nơi để góp sức, không phải nơi để tác nghiệp. 

Con không phải là một người thông minh và tài giỏi, nhưng bằng sự nhiệt tình sẵn có, con tin mình có thể giúp nhiều bạn khởi nghiệp thành công.

G

2008. Cũng mất cả năm Tony chưa viết gì ngoài mấy lá thư thương mại giao dịch bằng tiếng Anh. Nhiều sự cố, xảy ra, biến mất và lại xảy ra tiếp tục như trêu ngươi. Không gặp mặt ai. Vô số các cuộc gọi nhỡ và tin nhắn. Bỗng dưng chẳng biết muốn gì, kể cả muốn khóc. 

Bèn ngày Ngọ, giờ Tý, chong đèn, lật sách của sư phụ ra coi. Nhớ ngày xưa, ngày tạm biệt thầy và đồng môn để xuống núi lao vào thương trường, thầy có cho một cuốn sách, bảo con chớ mở ra, chỉ mở khi thấy tâm trạng hết biết muốn gì, mới được mở, nhớ lời ta dặn ! Mở ra, thấy sách có ghi một chữ duy nhất. "BUÔN". Hiểu ý thầy, lại tất tả lao vào kinh doanh buôn bán. Cái chi cũng buôn. Càng làm, càng thấy nhiều tiền và càng thấy mệt mỏi, bỗng dưng chẳng biết muốn gì, kể cả muốn ăn. 

Bữa nay, thấy lòng thiệt buồn quá, thấy bài của thầy cho chẳng hiệu nghiệm gì. Bèn online chát với thầy, trên núi vừa có sóng Viettel, thầy đã xài black berry nên trả lời nhanh lắm. Than thở 1 hồi, thầy bảo ta đã cho con chữ ấy, nghĩa là dẹp hết, nghỉ hết, lo chơi thôi, con lại lao vào làm làm gì để giờ ra nông nỗi ấy? Mình liền chụp cuốn sách cho ổng thấy giống như một bằng chứng. Hóa ra là thiếu chữ G, ông thầy người miền Nam, phát âm Buôn và Buông giống nhau, và lại ghi sai chính tả. Ý ổng là cho mình chữ BUÔNG, nghĩa là buông xuôi, buông tay, buông lơi, buông thả, dẹp hết tham sân si để lòng được bình yên. Buông là đạo pháp. Ai dè. 

Kết luận: Làm thầy thì không nên viết sai chính tả !



Oct 24, 2014

Một bếp lửa hồng

Các bạn trẻ thường có 1 bệnh rất lớn, đó là bệnh “hào hứng một phút”. Đọc 1 bài về ngoại ngữ, cũng lên khí thế hừng hực, cũng mở Youtube ra, cũng lên trung tâm… nhưng chỉ học đúng 1 buổi. Bữa sau vẫn ôm ipad coi tiếp thằng A, con B hôm nay ăn gì làm gì tự sướng cái gì trên FB. Đọc 1 bài về khởi nghiệp, cũng hầm hầm khí thế, đứng lên đi thuê nhà tìm chỗ mở công ty, nhưng tìm 3 bữa thôi mệt, nắng nóng quá chạy tới chạy lui mệt. Đọc 1 bài về du học, cái cũng lên công ty du học tư vấn, đem 1 đống giấy tờ về nhà rồi quên để bụi bám lên mốc lên meo. Đọc 1 bài về thể dục thể thao, cái cũng đi mua cái máy chạy bộ, mua cái tạ về đẩy lên đẩy xuống đúng 2 lần. Rồi hết, mọi thứ “nguyễn y vân, vũ như cẩn”. 

Các bạn họ hàng với 2 anh Vân Nguyễn và Cẩn Vũ này, tìm cách unfriend nó. Nguyên nhân là do cái Ý CHÍ không nằm sâu trong tâm khảm của bạn, nên bị giật dây thì có chút khí thế, nhưng sức ỳ lớn hơn. Nhà càng khá giả, học vấn càng tốt, tuổi càng cao thì sức ỳ này càng lớn. Nên vượt khó thì dễ hơn vượt sướng gấp nhiều lần. Sinh ra trong một gia đình khá giả thì đó là bất hạnh, vì nó sẽ dễ dàng triệt tiêu động cơ phấn đấu. Sinh ra trong một hoàn cảnh khó khăn, đứng trước một sự chọn lựa quá hẹp, thì mình phải vui mừng. Vì đó là cơ hội. 

Giữa việc ra sân tập thể dục thể thao với ngồi coi ca sĩ diễn viên cởi áo trên mạng, người ta dễ chọn cái thứ 2. Nên nhiều người nghiện ma túy, bỏ thuốc lá…kêu từ bỏ, phần lớn không bỏ được. Cứ trả về với cộng đồng lại tái nghiện ngay. Vì bản chất của con người là “cái lười” và “thèm” bao giờ cũng hiện hữu trong tâm trí, nên phải có ý chí thật mãnh liệt, thì mới chiến thắng được. 

Để rèn ý chí mãnh liệt này, người ta phải có chiêu. Trước một cám dỗ, bạn nên bặm môi, dùng răng cắn cho thật đau, đau đến mức bạn còn có thể chịu đựng được. Đứng thẳng, nắm chặt 2 bàn tay lại, nín thở, mắt lườm lườm giả bộ ở trước là đối tượng khủng bố cần tiêu diệt. Hồi đó Tony đi thi hùng biện trên sân khấu, cứ chuẩn bị lên là tay chân quíu, giọng nói lạc đi, đầu óc nghĩ cái gì chả nhớ. Nhưng lúc trước mặt mọi người, mình mím môi thật chặt, cắn thật đau (yên tâm không có chuyện chảy máu vì mình tự biết điều chỉnh đau quá thì thôi không cắn nữa, kiểu như nhịn thở ấy, không sợ nhịn rồi chết vì chịu không nổi nữa là tự động thở cái phì). Lúc mình nắm chặt tay và mím môi như vậy, hệ thần kinh sẽ được kích hoạt, máu dồn về não nhiều, giúp mình sáng suốt, và tràn đầy ý chí. Bạn cứ thử, có thể sẽ khinh công lên tận ngọn cây chứ không phải chơi. Đây là bí quyết của vận động viên người Triều Tiên mỗi khi thi đấu thể thao. Liều doping này tự nhiên giúp họ đạt thành tích rất cao. 

Các bạn thử áp dụng khi mình cần quyết tâm 1 cái gì đó nhé. Tay nắm chặt sẽ giúp bạn tay mạnh mẽ hơn. Môi mím chặt sẽ giúp đôi môi hồng hơn, đỏ tự nhiên rất đẹp. Bạn gái sau khi mím môi, mình thè lưỡi liếm 1 cái cho nó bóng như son, khỏi tốn thời gian trang điểm.

Mình vô cái nhà, dù biệt thự đẹp đẽ cách mấy, thấy bếp núc lạnh lẽo, bạn có ớn không? Bạn dù có tài giỏi xinh đẹp cách mấy, mà không có lửa nhiệt tình, thì cũng như cái biệt thự hoang vắng kia. Bạn có thấy những ngôi nhà tranh, những ngôi nhà gỗ dù bé nhỏ nhưng vẫn ấm cúng vì có 1 bếp lửa hồng?

Mình có một cuộc đời thôi, đừng có tro tàn bếp lạnh. Dù ngoài kia lạnh lẽo, lòng người quyết tâm thì vẫn rực lửa. “Ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng”.

Oct 23, 2014

Villa de Tony

Sáng nay dượng tạt qua villa, dượng thấy các bạn đứa ôm ipad, đứa ôm laptop. Cái sân thì lông chó, bịch ny lông, nước đọng...Cái tivi thì đầy bụi. Váng nhện giăng giăng. Nhà bếp thì như gánh hát, nước mắm 3 chai để 3 góc, đường thì kiến bu đen...Nhà vệ sinh thì nước tiểu vàng thành bồn, tóc dài tóc ngắn rớt đầy

Mấy đứa để ý, thấy không ưng mắt phải sửa. Thấy xấu phải làm cho đẹp. Cứ sáng dậy là phải nghĩ coi mình có thể làm gì cho chỗ ở của mình đẹp hơn, văn minh hơn. Mình hưởng chứ ai.

Muốn làm chủ làm sếp gì sau này thì ngay từ nhỏ, phải nghĩ ra việc cho mình làm, bắt đầu từ cái gối của mình phải sạch, phải thơm...Tối dượng về kiểm tra, nếu còn y chang vậy thì mấy đứa phải rời khỏi villa de Tony ngay lập tức.





Ông nội

Chiều nay, nhận 1 cuộc điện thoại:

A. Chào anh. Em gọi từ viện đào tạo doanh nghiệp quốc tế XYZ . Đứng đầu là viện sĩ viện hàn lâm Paris St German, tiến sĩ bác sĩ nhạc sĩ họa sĩ Trần Văn Tí. Như vậy là doanh nghiệp mình lọt vào top 100 doanh nghiệp xuất sắc nhất châu Á anh nhé. Còn bản thân anh thì lọt vào 10 doanh nhân uy tín nhất mọi thời đại. Các sản phẩm công ty mình đều đoạt cúp vàng thương hiệu. 

Tony: Dạ, vui quá chị ạ. Thế bầu chọn lâu chưa?

A. Dạ vừa xong anh ạ. Bọn em sàng lọc mãi mới được đấy.

Tony: Thế thì đi nhận giải ở đâu ạ?

A: Dạ em sẽ gửi thông tin chi tiết cho anh. Anh cứ điền vào cái form đăng ký ấy rồi gửi lại. Ảnh chỉ phải ủng hộ “quỹ phát triển doanh nhân tài sắc” vài ba trăm triệu là được anh à. Không nhiều đâu.

Tony: Dạ, thế phải đóng tiền à.

A: Dạ, phải đóng chứ anh. Anh đóng khoảng 100 triệu là ban tổ chức lo ăn ở hết chi phí cho anh đi nhận giải. Còn đóng 500 triệu, bọn em sẽ xét duyệt anh trở thành ngôi sao từ thiện loại A của châu lục, cạnh Lý Liên Kiệt, Thành Long. Anh được ngồi bàn đầu coi rõ mặt ca sĩ luôn.

Tony: Dạ, chị mail cho mình thông tin đi

A: Email của anh là gì nhỉ? Và tên họ của anh luôn nhé? Mà doanh nghiệp mình tên gì và thành lập được mấy năm rồi anh nhỉ? Anh là sếp mà nói giọng dễ thương quá. 

Tony: Ồ. Bên tui môi giới nhà đất. Đứng ngã tư thấy ai đi coi đất thì dắt đi coi, ăn tiền cò. Chả giấu gì chị, tui định đóng cửa công ty vì hẻm có việc gì làm. Nếu miễn phí thì tui đi nhận giải. Tui chưa có đi máy bay.

A: Trời sao không nói sớm. Bái bai ông nội.



Oct 22, 2014

Chuyện ở Bandung

Bandung là thành phố lớn thứ 3 ở Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á. Cách thủ đô Jakarta 180km và nằm ở độ cao 768m so với mặt nước biển, Bandung rất giống Bảo Lộc. Với khí hậu khá mát mẻ, Bandung từng là xem xét là thủ đô của đất nước này dưới thời thuộc địa Hà Lan, vì tụi Tây thường sợ khí hậu nóng (toàn quyền Đông Dương ngày xưa cũng chọn Đà Lạt làm tổng hành dinh, người Tây hay mắc các bệnh nhiệt đới nếu họ sống ở xứ nóng nhiều năm). 

Tony ấn tượng nhất khi đến Bandung là cơ sở hạ tầng của thành phố. Anh bạn tên Roy lái xe chở Tony đi từ Jarkata, chỉ mất đúng 2h là đến được thành phố này (dù từ sân bay Jarkata đến được điểm đầu của đường cao tốc chỉ có 20km nhưng cũng mất 2 tiếng vì kẹt xe kinh khủng). Trước năm 2005, khi chưa có con đường cao tốc, Bandung vẫn còn là thành phố nghèo. Nông sản làm ra đổ đống cho bò ăn, y chang như cà chua, bắp cải ở Đà Lạt bây giờ. Rồi người dân Bandung đi tha phương cầu thực, vì để du lịch đến đây, người dân phải mất 6-7h vì đường quá xấu. 

Đường cao tốc ở đây cho tư nhân đầu tư. Công ty tự thương lượng đền bù giải tỏa, tự xây, tự bán vé, ai muốn đi nhanh thì bỏ tiền ra đi trên đường này, muốn miễn phí thì đi dưới đường cũ, không có chuyện vừa miễn phí vừa đòi nhanh của nhóm người “cứ quyền lợi là đòi cho được”. Họ tự tu sửa bảo trì cho đường đẹp, đường xấu không ai đi, thua lỗ ráng chịu. Và rất nhiều công ty lớn của Indonesia tham gia kinh doanh đường cao tốc dưới hình thức này. Vì họ biết, có con đường CAO TỐC, là có TẤT CẢ. 

Năm 2005, đường cao tốc này khánh thành, chỉ đúng 9 năm sau, Bandung trở thành một công chúa được đánh thức. Tony thấy trên đường, hàng hàng xe container nông sản lũ lượt kéo về cảng Jakarta để xuất. Các nhà máy dệt may dời về Bandung khá nhiều, vì chi phí sinh hoạt rẻ, lại có khí hậu mát mẻ, công nhân không có nóng nực bực mình mà kim đâm vào tay. Bandung trở thành nơi sản xuất quần áo hàng đầu Indonesia. Những nông sản cung cấp cho thành phố như rau củ, hoa, trái cây đặc biệt là dứa và bơ được trồng nhiều khủng khiếp. Các ngọn đồi hoang trước đây đều được các công ty đa quốc gia đến thuê để trồng dứa, chuối, rau...cung cấp cho cả Singapore. Giới trung lưu Jakarta hầu như ai cũng có nhà ở Bandung, cứ chiều thứ sáu tan ca là cả gia đình đèo nhau trên 1 chiếc xe bán tải, chạy thẳng lên đó, vô nhà ở những khu phố dưới rừng cây xanh mát, vườn tược xanh um. Tới chiều chủ nhật là họ đi về lại thủ đô, phía sau xe bán tải là nông sản của họ thu hoạch hoặc mua lại của hàng xóm. 

Indonesia có trữ lượng dầu khí lớn, và có nhiều nhà máy lọc dầu, nên giá xăng rất rẻ, chỉ khoảng 14,000 đồng một lít. Dầu thì còn rẻ hơn. Các công ty vận tải nông sản từ Bandung về Jakarta đều được trợ giá xăng dầu để 1kg cà chua ở Bandung giá 0.5 USD thì ở Jakarta chỉ là 0.6 USD, nếu xe container chở nông sản và quần áo để XUẤT KHẨU, thì được miễn phí đi cao tốc (trình bộ chứng từ XK cho trạm gác).

Ở Bandung, đẹp nhất là ngọn núi lửa. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, dung nham trong miệng núi lửa vẫn lụp bụp sôi như mình nấu cháo. Những bong bóng vỡ ra, mùi lưu huỳnh nồng nàn. Bandung còn có nhiều suối nước nóng tắm rất tốt cho sức khỏe. Gần chân núi, có nhiều khu khách sạn nhà trọ, giá rất rất rẻ, họ dẫn nước suối này vào tận bồn tắm trong từng nhà. Các bồn tắm thường bằng xi măng, lọc tràn, lấy nước trực tiếp trong lòng núi chảy ra, thường không có mái che để mùi lưu huỳnh bay đi không gây hại. 

Bữa đó Tony ở một resort trên đỉnh núi cao. Đêm đó trăng sáng, bồn tắm thì lộ thiên, xung quanh chỉ có bức tường cao đâu 3 mét. Tony trong trạng thái “hẻm mảnh vải che thân” đang khoan khoái nằm trong bồn nước, ngắm trăng và định đọc thơ, thì bỗng thấy trên ngọn cây cổ thụ trước mặt, có cái gì đó chuyển động bất thường. Rồi một bàn tay thò ra sau lưng. Tony rú lên 1 tiếng, rồi ngất…(nên không biết chuyện gì để kể tiếp theo). Tỉnh dậy thì thấy đang ngủ trong phòng, có mặc quần áo... Hết

Cùng mức GDP dưới 200 tỷ USD với Thái Lan vào năm 2000, nhờ hệ thống hạ tầng đường sá và giáo dục theo hướng Nhật Bản, Indonesia đã vươn lên thành nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, bỏ xa các nước khác chỉ sau 9 năm (trong hình là GDP năm 2009). Indonesia đang phát động phong trào toàn dân "Mỗi cá nhân làm, không nói" để lọt vào Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2020. Thái Lan thấy vậy nên đang quýnh quáng dịch sách của Nhật (thậm chí hôm bữa lấy hình một ngôi sao phim xxx của Nhật cho cuốn sách Toán đến nỗi phải đi thu hồi). Cả Đông Nam Á đang đi theo con đường giáo dục của Nhật Bản để tham gia cuộc đua thịnh vượng.

Thông cảm cho bạn, vì quýnh quáng quá mà dịch nhầm. Chương trình SGK của Thái bây giờ y chang Nhật. Hãy chờ đợi xem người Thái có làm nên thần kỳ như người Indonesia không nhé.



Tuyển dụng: Gánh rau ra chợ Tây

Cần tuyển đội "GÁNH RAU RA CHỢ TÂY" của TnBS

Đội ngũ này do Tony trực tiếp đào tạo và quản lý, tham dự các hội chợ trong/ngoài nước, online market, tìm kiếm hướng dẫn nông dân Việt Nam sản xuất nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Trước mắt, công việc và đào tạo sẽ diễn ra dưới hình thức bán thời gian vào buổi tối và cuối tuần, online trước, tuyển toàn quốc. Không có thù lao và lương bổng gì. Mọi chi phí ở Việt Nam tự bỏ ra, tinh thần tự nguyện. Tâm sáng, trung thực, hào sảng. 

Điều kiện: Dưới 25 tuổi. Tốt nghiệp bất cứ cao đẳng đại học nào, bất cứ hệ đào tạo nào. Nếu ĐH trong nước (bất cứ ĐH nào) buộc phải có chứng chỉ Anh ngữ IELTS từ 7.5 trở lên (TOEFL từ 90 trở lên) dự thi trong vòng 2 năm. Cử nhân ĐH nước ngoài như Anh, Mỹ, Úc, New Zealand và châu Á như NUS, Hongkong, Tokyo University thì không cần nộp chứng chỉ ngoại ngữ. Các bạn học ĐH trong nước sau đó thạc sĩ ở nước ngoài đều phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ. Nếu bạn đủ trình Anh ngữ thì đây là chứng chỉ bắt buộc, bạn có thể dự thi tiếng Anh để dự tuyển đợt 2.

Ngoại hình: KHỎE MẠNH, NĂNG ĐỘNG, ĐẸP TRAI ĐẸP GÁI VÌ MANG HÌNH ẢNH CỦA CẢ MỘT DÂN TỘC ĐI RA MẮT VỚI BẠN BÈ QUỐC TẾ. có thể đi công tác a (sáng New York chiều Sydney mà không jetlag, say xe- mọi chi phí quốc tế Tony trả), đàm phán với nước ngoài 1 cách tự tin. Các bạn đủ điều kiện gửi thư về tonybuoisang@gmail.com trả lời câu hỏi sau:

1. Tôi có thể làm gì để giúp đỡ nông dân Việt Nam? 
2. Nếu được nhận, bạn sẽ tuyên thệ như thế nào trong việc đặt lợi ích của người nông dân trên lợi ích cá nhân của bạn?

Hạn chót nhận thư là 25/10

Thân mến, TnBS

- Đã có 1 ứng viên đạt tiêu chuẩn, bạn này tốt nghiệp ĐH Đồng Tháp ngành Sư Phạm Toán. Ở vùng sâu còn được tại sao các bạn lại không?
- ĐỢT 2 TUYỂN 10 NGƯỜI. CÁC BẠN CỨ TỰ TIN HẠC NGOẠI NGỮ ĐI NHÉ
- ĐỢT 3 SẼ TUYỂN CÁC NGOẠI NGỮ KHÁC, CÁC BẠN CŨNG YÊN TÂM. NHƯNG NGOẠI NGỮ KHÁC THÌ ĐỀU PHẢI CÓ TIẾNG ANH KÈM THEO HẾT. SONG NGỮ MỚI ĐỦ.

Các bạn ứng viên trong team gánh hàng ra chợ thế giới gửi thư về TnBS rất nhiều nhưng do các bạn thi IELTS hay TOEFL không kịp, nên thật sự TnBS không biết lấy tiêu chuẩn gì đánh giá các bạn. Nếu các bạn tự tin vào trình độ ngoại ngữ của mình, ngoài 2 kỳ thi trên, các bạn có thể thi cuộc thi PTE A. PTE Academic là chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế của Úc, tương tự như IELTS và TOEFL vậy. Kỳ thi này diễn ra hàng này, sáng chiều gì cũng được và có kết quả ngay. Hiện có tại TP HCM và Hà Nội rồi. Các bạn có thể search, tìm và dự thi. Kết quả nếu trên 73 điểm, các bạn vui lòng nộp đơn ứng tuyển. Chúc các bạn may mắn.

Các bạn muốn nộp hồ sơ du học, working holiday, working visa,...mà thi 2 chứng chỉ IELTS và TOEFL không kịp, có thể chữa cháy bằng chương trình này. Hiện 100% ĐH ở Úc chấp nhận, các ĐH New Zealand và Anh thì 98% (nghe nói vậy), còn ở Mỹ thì chưa biết. Vậy nhé, chúc các bạn may mắn và bổ sung hồ sơ trong tuần này.


Cập nhật: (25/10/2014)

Admin lưu ý các bạn trẻ chuẩn bị hoặc đã tốt nghiệp mọi cao đẳng ĐH có IELTS 7.5, TOEFL 99 hoặc PTE A 73 điểm trở lên, có thể dục thể thao để ngoại quan đẹp, khoẻ mạnh, có duyên ăn nói... tiếp tục gửi thư về tonybuoisang@gmail.com để tham dự cuộc sát hạch tuyển chọn Team "Gánh Rau ra chợ thế giới", tiếp thị và xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra 7 tỷ người trên trái đất. Còn khoảng 3h nữa là chúng tôi sẽ ngưng nhận hồ sơ. Mong các bạn lưu ý. Admin TnBS

Tương lai Ấn Độ

Người Ấn Độ đang nỗ lực đào tạo một xã hội nhân ái để phát triển kinh tế. Rồi đây Ấn Độ sẽ trở thành một cường quốc.

Trong ảnh là một cô bé con nhà giàu thuộc tầng lớp thượng lưu chia sẻ nước cho người ăn xin trên đường.



Thông báo số...

(Mượn mặt bằng) Hiện nhóm tình nguyện sẽ bán offline các nông sản do CLB con dượng sx sẽ diễn ra vào chủ nhật tuần này, mặt hàng bán và các địa điểm bán sẽ báo sau. Nhưng để các bạn bẻo dèn (biểu diễn) kỹ thuật nấu ăn, chế biến nông sản tại chỗ cho các bạn xem, tặng các bạn công thức (recipe) nấu ăn, hoặc các nam thanh niên lười nấu nướng mua luôn tại chỗ, hiện tại cần độc giả giúp giùm mặt bằng ở nội thành Tp HCM và Hà Nội

Các độc giả có thể hỗ trợ nếu quý vị có

1- Nhà mặt tiền/hẻm rộng dễ tìm. Có thể khách đến mua bằng xe máy mà không vi phạm trật tự giao thông
2- Có chỗ để bếp từ, nồi niêu xoong chảo. 
3- Có tinh thần thiện nguyện, đừng có cho mượn mặt bằng rồi ra lườm vô nguýt, tụi này sợ quá mà làm bánh hết ngon. Tụi em sẽ lau chùi dọn dẹp sạch sẽ.
4- Độc giả nào có ý thì vui lòng email về tinhnguyen.tnbs@gmail.com kèm theo số ĐT để nhóm liên hệ và chuẩn bị. 
5. CHỈ BÁN VÀO NGÀY CHỦ NHẬT.

Thương các cô các bác các anh chị nhiều
Nhóm tình nguyện TnBS

Gửi các bạn làm ngành hàng không

Vì cước vận chuyển từ Đà Lạt đến Hà Nội bằng đường bộ rất cao, còn nếu xuống tp HCM rồi vận chuyển bằng đường sắt thì hoa quả sẽ bị hỏng vì lâu quá. Ga Phan Rang thì tàu Thống Nhất chỉ dừng có mấy phút. Đà Lạt, vùng đất duy nhất lạnh quanh năm và đất bazan màu mỡ có thể trồng mọi loại nông sản ôn đới dưới quy mô công nghiệp, là một món quà tạo hóa ban cho người Việt. Trong khi ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, người dân vất vả chống cự với rau củ Trung Quốc, vốn biên giới chỉ cách có 300km. 

Giải bài toán này, khi chúng ta chưa có đường cao tốc Bắc-Nam, chỉ có 1 cách duy nhất là các hãng hàng không trợ giá cho nông sản gửi trên tuyến Đà Lạt-Hà Nội (không cần tuyến ngược lại). Nếu bạn nào làm ở các hãng VNA, Vietjet...bạn thử đề nghị với sếp xem. Sẽ là 1 điểm cộng trong mắt hành khách. Nếu bạn có chính sách đặc biệt, vui lòng liên hệ nhóm tinhnguyen.tnbs@gmail.com. Chúng tôi sẽ vận chuyển ra nhân dân miền Bắc mình các hàng hóa an toàn. Đúng là bài toán được mua mất giá, được giá mất mùa, nơi thừa mứa, nơi không có mà ăn QUÁ KHÓ, VÔ CÙNG KHÓ...

Nhưng dù bài toán khó mấy, cả dân tộc cùng nhau giải không lẽ không được?

Unbreak...

Có nhiều độc giả nói Tony show hình cho coi đi, thú thiệt là hẻm có nhiều hình vì Tony vốn là "a camera shy", tức người thấy máy chụp hình thì trở nên rụt rè, ngượng ngùng và không còn tự nhiên nữa. Nên chụp hình nào cũng thấy nó đẹp 1 cách giả tạo thế nào ấy. Post lên thì mọi người bảo là phô tô sóp chứ người đâu đẹp thế? Trên trang facebook của mình, đoạn khai " about me", Tony tự khai là " đẹp như tranh vẽ" nhưng mạng dân ( tức cư dân mạng) không ai dám ý kiến gì vì vấn đề là ai vẽ?

Nên thôi thì miêu tả cho dễ hình dung. Chắc ai cũng biết Lương Triều Vỹ đúng không? Theo nhiều người anh này là tiêu biểu cho chủng da vàng vì nhìn rất Á Châu. Và chắc ai cũng biết Alain Delon đúng không? Theo nhiều người thì ông này tiêu biểu cho chủng da trắng.

Anh Tony là nét đẹp trộn lẫn, mix giữa Monsieur Alain và Lương tiên sinh, nên nhìn khá Tây mà cũng hao hao châu Á. Bọn Tây thì nói mày là dân châu Á nhưng nhìn không biết chính xác nước nào. Còn bọn Á thì nói mày nhất định là diện "con nai" vì cao to mũi cao mắt 2 mí và nói tiếng nước nào cũng lơ lớ, dù biết mấy sinh ngữ nhưng không chuẩn được ngữ nào.

Tóm lại, nét đẹp của Tony là nét đẹp mixed nationality. Nhưng trong quá trình mix, có xảy ra lỗi.

Chẳng hạn như cái mũi cao ngất, quặm vô như con két, 2 lỗ mũi lõ ra kiểu châu Âu lại để trên cái mặt bự chà bá gọi là mặt thịt hay mặt mâm rất đặc trưng của châu Á. Dáng cao ráo trên 1m80 nhưng lưng hơi gù kiểu Tể tướng Lưu Dung mix với thằng gù nhà thờ Đức Bà. Còn làn da thì trắng meng méc hơi xanh xao kiểu mấy Ụ Pa nhưng lại trổ đồi mồi như Tây, lại có mụn bọc kiểu cư dân các nước ven xích đạo. Ngồi họp mà nghe phát biểu nhảm là Tony ngứa tay vân vê mấy cái mụn, khó chịu quá thì tổ chức nặn luôn, có khi nó bắn thằng sang người ngồi bên cạnh.

Thêm cái mặt bị gãy nữa chớ. Gãy cúp. Tiếng Anh gọi là a broken face. Bất chợt trong đầu vang lên giai điệu của bài hát nổi tiếng do Toni Braxton ca.

Un-break ......my face, un-break my face, say you'll love me again.

undo this hurt...!

Dịch: xin đừng làm gãy cái mặt của anh. Xin đừng làm gãy. Hãy nói em sẽ yêu anh thêm một lần nữa. Đừng làm tổn thương....Đừng mà!



Cà phê "chim luộc"

Đi thăm 1 thằng cháu, sinh viên ĐH, bị bỏng phần bụng dưới. Hỏi vì sao bỏng, nó nói tại con nấu nước để pha cà phê. Dù có 1 ly cà phê thôi nhưng nó đổ đầy ấm, rồi đứng canh. Sau 30 phút, nước sôi và nó vọt thẳng vô bụng vì nó để cái vòi chỉa vô người, nhảy không kịp. Nó nói hồi giờ con đâu có nấu nước mà biết. 

Năm 3 ĐH, 21 tuổi, ba mẹ nó chưa cho nó đụng cái gì. Vô SG ở nhà cậu, cậu mợ không dám nói gì sợ mất lòng với cha mẹ nó. Nên nó cứ ở trong phòng, tới giờ ăn thì kêu xuống, không kêu thì nhịn đói luôn. Bữa nay nó qua nhà bạn gái, pha ly cà phê cho bạn nó uống và tuột da bụng, da chim. Vô thăm nói đưa cậu coi bị bỏng sao, nó nói mắc cỡ lắm…

Đó là nguồn gốc của từ "cậu ấm".

Thông báo số ...

Tuyển dụng
Hãng chế phẩm nông nghiệp Phượng Vĩ, bà con với hãng Phượng Tím, cần tìm cộng tác viên có hộ khẩu thường trú để phụ trách bán hàng cho các tỉnh sau: Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Phú Yên.

ĐK: - Nam, dưới 30 tuổi, có xe máy, tốt nghiệp trung học nghề cao đẻng đại hạc nào đó (tức đã có ít nhất 2 năm đào tạo sau khi tốt nghiệp lớp 12, bất cứ chuyên ngành gì vì chúng tôi không quan tâm bằng cấp, sẽ đào tạo lại). 
- Là độc giả TnBS ít nhất 1 tháng (ông sếp hãng Phượng Vĩ nói ai đọc TnBS ổng mới nhận).
- Ăn nói trơn tru, ít vấp. Trung thực rõ ràng. Trước khi nhận việc sẽ tuyên thệ vì liên quan đến việc tiền bạc. 
- Ngoài lương cố định, có hoa hồng và phụ phí công tác. 

Bạn nào đang ở các tỉnh trên, có nhu cầu việc làm và thỏa mãn các yêu cầu trên, email về trongtrot.tnbs@gmail.com. Trong thư trả lời 2 câu hỏi, 1. Bạn biết gì về nông nghiệp tỉnh bạn? 2. Vì sao chúng tôi phải chọn bạn làm đại diện cho chúng tôi tại địa phương này? 

Chỉ các email viết đúng mới được mời đến Cần Thơ phỏng vấn. Các email viết sai chính tả, diễn đạt luộm thuộm do ít đọc…đều bị loại. Hạn chót nhận email của các bạn là thứ 7 tuần này, 25/10. 

Phượng Tím đăng giùm Phượng Vĩ

Oct 20, 2014

Chủ nghĩa Makeno

Mỗi năm nước ta có 130-160 ngàn người ung thư mắc mới, số liệu được công bố tại Hội thảo do Hội Ung thư Việt Nam tổ chức ngày 16/10 vừa qua (http://tuoitre.vn/tin/can-biet/20141017/benh-ung-thu-khong-ngung-gia-tang/659569.html).

Vậy là cứ mỗi năm, số người mắc căn bệnh “phải chết” này bằng dân số một thành phố nhỏ thuộc tỉnh. Và cứ mấy năm sau, dân số tương đương một thành phố nhỏ như vậy sẽ bị xóa sổ, là người Việt với nhau, bạn có cảm thấy đau lòng?

Xuống An Giang thăm anh Thìn, một nông dân trồng rau, Tony thấy rau mướt quá nên xin một ít, anh Thìn nói “cái đó để cắt bán. Nhà ăn trồng bên này, chú ăn thì cắt bên này”. Như vậy, người ta chỉ ăn sạch cho gia đình mình, còn “ra chợ bán” cái khác. Nói rồi anh Thìn uống ngụm cà phê, ngồi nhìn “cánh đồng bất tận” trước mặt, không rõ nghĩ gì.

Tony xuống chợ Kim Biên, thấy “hương cà phê tổng hợp” là mặt hàng bán chạy nhất. Anh Trung, chủ 1 sạp ở đây nói với Tony, mấy cơ sở rang cà phê nó nói, nếu không bỏ cái này vô, cà phê không dậy mùi thơm, không bán được. Rồi chỉ vào mấy thùng LAS (chất tạo bọt), họ cũng mua cái này nữa nè em, không có LAS sao có bọt. Rồi rang phải cháy đen cháy đỏ, bỏ bơ, nước mắm…để có màu và mùi “đậm đà gu Việt”. Mà nào chỉ có cà phê. Bún phở gì cũng đầy hóa chất, khái niệm "bún thiu" không còn nữa, khi bún bây giờ để cả tuần vẫn không bị mốc, bị chua.. Anh nói, anh có bao giờ uống cà phê và ăn bánh bún gì ngoài đường đâu. Sợ lắm. Sợ nhưng vẫn bán. Đó là việc kinh doanh của anh.

Tony cũng sợ, nhưng vì thèm uống cà phê vào buổi sáng nên phải mua cà phê Arabica về tự rang tự xay, pha loãng toẹt và cảm thấy yên tâm. Mỗi lần ra quán, nhìn những ly cà phê sóng sánh đen ngòm kia, Tony cảm thấy kinh hoàng. Dù bạn bè cứ khuyên, thôi kệ, mắt không thấy là được, cũng sống có là bao. 

Tony đi ăn ở hàng miến gà trên phố Hàng Mành, do chị Ngọc, một người quen, mở bán. Chị nói miến này chị bán cho khách, em ăn thì vô sau nhà chị nấu riêng cho. Mì chính (bột ngọt) này chị mua chợ Đồng Xuân 50 nghìn một cân, gà này là gà dai thải của Hàn Quốc, chị và các con không dám ăn em à. Để chị nấu riêng cho, em đẹp trai quá, chết sớm uổng.

Tony chợt nghĩ. Rồi một ngày, anh Thìn, anh Trung, chị Ngọc…đều gặp nhau ở bệnh viện ung bướu, nằm ở 3 cái giường trong 1 phòng bệnh. Cả 3 đều ngơ ngác không hiểu vì sao, mình đã phòng kỹ đến vậy mà…

Vấn đề nằm ở đâu, nếu không phải nằm ở nếp nghĩ? Nếu người Việt chúng ta không nghĩ cho người khác, không thương đồng bào mình, thì con số 160,000 người mắc ung thư mỗi năm ở Việt Nam sẽ không dừng lại.

Ở biên giới Việt Trung, hàng ngày vẫn ùn ùn lê,lựu,táo,nho xanh nho đỏ, mì chính, bánh kẹo…Cơ quan hữu quan ư, không có cơ quan nào có thể quản lý nổi 300km đường biên, và hàng vạn người qua lại biên giới hàng ngày. Nguyên tắc nước chảy vùng trũng, nơi đâu có tiêu thụ thì nơi đó có cung. Khi các tiểu thương ở chợ vẫn lấp liếm nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của họ bán, khi các nông dân vẫn âm thầm tự manh mún cứu gia đình của họ bằng cách “trồng riêng nhà dùng”, thì cứ mấy giây, các bệnh viện ung bướu lại có một người nhập viện. 

Và ở Đà Lạt, nông dân vẫn đổ bỏ bắp cải, hồng, cà chua cho bò ăn. Và ở Phan Thiết, nông dân vẫn cứ để thanh long héo úa trên cành, vì “công hái còn cao hơn giá bán”. Ở dọc tuyến phố, những người Việt đội nón cần mẫn đẩy xe bán nho xanh Made in China, ghi xuất xứ Phan Rang. Các xe tải chở khoai tây từ biên giới vẫn ùn ùn chạy lên Lâm Đồng, nơi đó các tiểu thương cần mẫn lấy đất đỏ bazan trét vào, hóa phép thành khoai tây Đà Lạt…

Tất cả, đều gốc từ một nếp nghĩ LỢI ÍCH CỦA MỖI CÁ NHÂN, bạn có chút lương tri, hãy nghĩ cho người khác, nghĩ lớn cho cộng đồng. Vì nếu để mặc người, thì người cũng để mặc ta. 

Đọc xong bài này, bạn có suy tư hay cũng chỉ là makeno? 

P/S: Makeno là thành ngữ gần đây của giới trẻ, nghĩa là “mặc kệ nó”.

Các bạn trẻ có con nhỏ, nên cho ăn bún phở sạch, ví dụ lấy bánh phở của Acecook, Sagoda (không lấy gói gia vị, chỉ lấy bánh phở và tự nấu cho cháu)... Hạn chế ăn hàng quán với các cháu nhỏ vì bao tử các cháu còn yếu, chất độc dễ gây hại.



Oct 17, 2014

Cơ hội học tập

To CLB con dượng

Các bạn trẻ biết tiếng Anh nên coi cái này: http://www.youthop.com/

Vô coi các học bổng, khóa đào tạo, thực tập, hội nghị...và rất nhiều chương trình miễn phí hoàn toàn. Tốt nghiệp 12, xin thử nếu nó cho thì qua học đại học bên đó khỏi thi sin cos ô mê ga tê cộng phi chi cho mệt. Tốt nghiệp ĐH thì qua đó học thạc sĩ, đi đi, đời người nên du học 1 lần rồi mới về nước làm việc, trừ trường hợp không có tiền hay không có khát vọng. 

Còn bạn nào đi làm rồi thì coi các chương trình đào tạo ngắn hạn, các hội thảo, chương trình trao đổi vài ngày hoặc vài tuần. Biết tiếng Anh thì nên xách giỏ đi đây đi đó, chứ sao lù lù ở VN miết vậy. Làm hồ sơ không khó, bị từ chối 2-3 lần thì cuối cùng cũng được à. Họ cho ăn ở, vé máy bay, đi lại, tiền tiêu vặt... sướng lắm.

Hồi xưa dượng có có quen 1 bạn trẻ đi các dạng này nè. Thấy nó cứ đi chơi miết, bữa Thụy Sĩ, bữa Mỹ, bữa Nhật... Nhưng hỏi link để chia sẻ cho các bạn trẻ, nó nói quên rồi. Dượng mò miết mà không ra. May bữa nay có Trâm Lê, từng tham gia các chương trình này, gửi lại. Cám ơn bạn nhé. Chúc bạn Trâm luôn hạnh phúc và sớm leo lên chức chủ tịch tập đoàn Airbus...

P/S: Thư chia sẻ cho cộng đồng như vầy tui mới trả lời. Các thư mượn tiền, than thở, xin lời khuyên... đều bị xóa.

Thông báo quan trọng số...

To Tùng, Hiệp

Tiền 2 bữa bán hồng/cà chua ủng hộ nông dân Đà Lạt, bạn nào đòi công thì trả hết đi nhé, nói các bạn đừng có email nheo nhéo đòi nữa. Toàn bộ tiền bán đấy không được nhập vào quỹ, chia hết cho các bạn, người được vài ba chục ngàn gì đấy.

Quỹ mình chỉ còn tiền bán sách, nhưng nếu bạn nào thấy có công cần phải trả như hôm trước có ngồi bao bìa hay đóng dấu gì đấy, thì cũng gửi cho bạn luôn. Đừng để bạn cảm thấy không thoải mái và ấm ức chuyện tiền nong. Bạn nào lỡ gọi vài cuộc điện thoại và đòi tiền cước, thì mình cũng gửi lại luôn. Tiền xăng hay tiền ăn sáng ăn trưa bữa chủ nhật offline vừa rồi, bạn nào đã quy ra thóc và đứng trước cửa đòi tiền, ra đưa cho xong và để bạn đi.

Quỹ còn bao nhiêu thì cuối tháng mới xét duyệt gửi cho các bạn khởi nghiệp sản xuất, động viên tinh thần các bạn. Các group khác tạm thời dừng hoạt động. Các group lập ra nhưng không ai dám post bài lên chia sẻ, toàn gửi thư cho dượng, nói là “con sợ đứa khác ăn cắp ý tưởng nên ngu gì đăng lên”, vậy vô group để làm gì. Còn 1 số khác thì group nào cũng tham gia, canh me coi có gì hay để kiếm chác.

Giữa ý tưởng và kết quả, là một khoảng cách rất xa. Các bạn không cần phải tốn thời gian sợ người khác lấy mất hoặc tranh cãi chuyện quyền lợi nữa. Dượng đọc mấy email đòi tiền và đòi quyền lợi sáng nay, thấy mệt quá…

Dượng

Oct 16, 2014

Thông báo quan trọng

Hum nay là 1 ngày không vui. Sáng ngủ dậy, bên ly cà phê để điểm tin, thì độc giả báo là có mấy tờ báo đăng bài của Tony mà không có ghi nguồn. Vừa post lên kể tòa soạn đính chính thì cả chục comment kiểu “chưa biết ai ăn cắp của ai”. 

Rồi gặp admin nhóm kinh doanh, thấy 2 bạn buồn hiu hắt. Một số thành viên nheo nhéo đòi chia tiền, vì chủ nhật trước lỡ mời họ tham gia ra bán hồng và cà chua, thấy có 1 triệu tiền lãi (chưa trừ tiền ăn uống xe cộ đi lại của mọi người). Toàn là con-dượng đọc làu làu TnBS cả. Lúc tuyển, Tony có ghi rõ là làm miễn phí vào chủ nhật, hỗ trợ các anh chị nhóm sản xuất/chăn nuôi/trồng trọt tiêu thụ hàng, vì các anh chị ấy đều ở các tỉnh cả, trong khi thị trường chính lại tp HCM và Hà Nội. Chủ nhật ở nhà rảnh thì đi tham gia chứ có phải toàn thời gian đâu, và lúc tuyển đã ghi làm công tác xã hội rồi, sao lúc gửi thư xin thì nói khác mà lúc làm lại nói khác? 

Cái quan trọng là cơ hội được thực tế và có street smart. Nhưng có vài bạn đòi tiền ngay sau khi khách vừa thanh toán, gương mặt cười khôn thiệt là khôn…Có nhiều bạn còn chưa KD ngày nào nhưng đã lên phương án chia lãi, rồi thành lập website riêng, công ty cổ phần riêng, group riêng và thậm chí đòi lấy thương hiệu Tony Buổi Sáng để mở quán cà phê bún bò…để thu hút khách, “dượng không đồng ý con cũng làm à”. Toàn bộ tonybuoisang.com, .net, .vn, chấm tương chao gì đều đã bị mua bản quyền hết. Trên FB là chục cái Tony Buoi Sang bán quần áo cây kim sợi chi dưa hành nước mắm…Chưa kể Jimmy Buổi Trưa, Henry Buổi Tối… 

Thôi giờ đi chạy bộ, hy vọng 1 giờ sau vô sẽ thấy máu lưu thông lên não mà có chút tích cực hơn. Còn 88 bài học West Point, Tony sẽ không đăng lên page miễn phí nữa. Ai muốn học thì phải làm cái gì đó thật đẹp cho cộng đồng mới được nhận tài liệu đó.

Oct 15, 2014

Chuyện xoài xanh muối ớt ở Hồng Công

Năm 2008, người Phi đã tạo ra tổng tài sản quốc gia GDP 167 tỷ USD. Dân số Phi lúc đó khoảng 90 triệu, rất đông có bằng MBA và IELTS 7.0 trở lên. Và Hàn Quốc, như bài trước đã phân tích, 1000 tỷ USD và dân số 50 triệu. Page này chỉ cho like, share, tag, không được comment. Cám ơn các bạn đã chấp hành nội quy ở nơi công cộng, một dấu hiệu của tính kỷ luật.

Thập niên 60, trừ Nhật, tất cả các nước châu Á đều nghèo. Vô trang web của ngân hàng thế giới sẽ thấy GDP của các nước châu Á trong thập niên này đều tiệm cận mức 0, tức chẳng có gì. 

Chương trình giáo dục các nước châu Á bắt nguồn từ các nước châu Âu, như ở Hồng Công, Singapore, Miến Điện, Thái Lan…là giáo dục hệ Anh quốc, các nước khác là giáo dục hệ Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan..tùy theo từng là thuộc địa của nước nào. Tuy nhiên, giáo dục “Tây” áp dụng cho “Ta” trong thời điểm này hoàn toàn không thích hợp, vì cách tư duy của người phương Đông khác phương Tây. Duy chỉ có Nhật bản, với tư tưởng “Thoát Á Luận” của Fukuzawa (thoát ra sự ràng buộc chằng chịt của tư duy người châu Á) có từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, họ lấy toàn bộ sách vở từ châu Âu, chủ yếu là từ Đức, về biên soạn lại. Và hiệu quả bất ngờ, chỉ sau 2 thế hệ học sinh, Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, và là quốc gia da vàng mũi tẹt duy nhất trong hàng ngũ G7 đến tận bây giờ. Người Nhật giàu có cả trăm năm, nên cốt cách nó khác với các anh nhà giàu mới nổi sau này. 

Thấy giáo dục Nhật quá hay, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Công gần như bê nguyên chương trình giáo dục của Nhật áp dụng. Và chỉ đúng 1 thế hệ học sinh ra trường, bốn quốc gia trên trở thành 4 con rồng châu Á. Giáo dục Nhật tập trung vào 3 yếu tố chính là TINH THẦN DÂN TỘC, TÍNH KỶ LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC, trong đó chủ yếu là thoát được tư tưởng tiểu nông ích kỷ cá nhân nhỏ hẹp. Dân tộc nào hội đủ 3 tính cách này, dân tộc đó sẽ trở thành dân tộc đi “cho việc”, tức mang nhà máy xí nghiệp việc làm đến dân tộc khác để người ta làm cho mình. Ở bất cứ xã hội nào, một người từ làm thuê muốn trở thành ông chủ lớn, cũng phải có 3 tính cách trên, không thể khác được. 

Phillipines lại chọn cách xây dựng một hệ thống giáo dục cực kỳ thực tế. Từ lớp 1, học sinh Phi được học tất cả các môn bằng tiếng Anh, theo sách giáo khoa của Mỹ và Tây Ban Nha. Mục đích của cách đào tạo của giáo dục Mỹ là “to find a job” tức là hướng đến tìm việc làm sau khi ra trường. Phần lớn sinh viên ở Phi khi hỏi “học để làm gì”, họ sẽ trả lời là “để xin việc”. Ở Phi, có khái niệm “việc làm ngon” trong khi ở Nhật Bản và 4 con rồng châu Á, người ta chỉ nói “việc làm”. Ở Phi, người ta cũng có khái niệm “a pretty academic degree” tức “bằng cấp đẹp”. Năm 2009, 8.6 triệu người Phi với đủ thứ bằng cấp trên tay, đi làm việc ở 214 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là Arab Saudia, Malaysia, Singapore, Nhật, Canada, Hồng Công, Anh, Úc, Mỹ…mỗi năm gửi về nước 17-18 tỷ đô la Mỹ (số liệu năm 2008), hơn 10% GDP, một con số rất lớn.

Ở Phillipines, ông chủ các nhà máy phần lớn là người gốc Hoa (Phúc Kiến/Quảng), vốn chiếm khoảng ¼ dân số (đa số là người lai hoặc có tổ tiên là người Hoa, còn người gốc Hoa thuần chiếm rất ít, 1.6% dân số/2008). Người Phi gốc mang đặc trưng của cư dân Đông Nam Á, da ngăm đen, mũi to, mắt đo, tóc xoăn, ngực nở, nhìn rất đẹp. Người Phi được trời phú cho khả năng hát ca hơn người. Các viện đào tạo ca sĩ và nhạc công, vũ công trên đất Phi nhiều vô kể. Nếu bạn vô mấy khách sạn 5 sao ở các thành phố lớn khắp thế giới, sẽ thấy thường trực những ban nhạc người Phi chơi cực kỳ hay. 

Tạo hóa cũng ban cho người Phi khả năng ngôn ngữ tuyệt vời, nên họ nói tiếng Anh hay hơn Singapore hay Ấn Độ nhiều, cấu tạo dây thanh quản trong cổ họng của họ giống người da trắng nhất. Người Phi tận dụng thế mạnh này và đào tạo ra giáo viên tiếng Anh xuất khẩu khắp nơi. Các trung tâm ngoại ngữ lớn ở châu Á đều có mặt các giáo viên người Phi. Ở Phi, công nghệ bằng cấp cực kỳ đa dạng. Cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ…được đào tạo với nhiều hình thức khác nhau, nên dân chúng Phi thường có bằng cấp rất tốt. Họ cũng xuất khẩu bằng cấp cho các nước thích sở hữu bằng. Một nền kinh tế “xin việc” thì thường đề cao yếu tố bằng cấp hơn các nền kinh tế “cho việc”, vì ít ai hỏi ông chủ ông tốt nghiệp trường gì, chỉ thấy làm giỏi là được.

Ở Phi, có 2 nghề họ cũng đào tạo rất kỹ là giúp việc nhà và y tá. Nếu bạn đến chữa bệnh ở Singapore, phần lớn các y tá tiêm thuốc phát thuốc đến từ quốc gia vạn đảo này. Họ dẻo dai, làm việc cực nhọc cỡ nào cũng chịu được, lại vui vẻ yêu đời. Có lần Tony đến thăm nhà 1 người bạn ở Hồng Công, thấy 1 cô giúp việc người Phi rất xinh đẹp. Cứ bị chủ mắng thì xõa tóc đứng khóc, nhưng đâu 1 tiếng đồng hồ thì hết, vui vẻ trở lại, vừa lau nhà vừa hát vang bài “my heart will go on” và mơ đến chàng Jack đẹp trai hào hóa của bộ phim Titanic. Hát đến khi ông chủ nhà bực quá, nói “Please don’t sing any more, I have a headache” thì họ cười hí hí, nói “ok sir”. Trăm cô như một.

Đàn ông Phi thì thường làm việc ở các nhà máy hay nông trại do các ông chủ từ các quốc gia “cho việc” như Nhật, 4 con rồng châu Á sang đầu tư. Vì về mặt địa lý, Phi gần như trung tâm. Từ Seoul, từ Tokyo hay Đài Bắc cũng chỉ 2-3 tiếng bay là tới. Các công ty đa quốc gia cũng đặt nhà máy tại đây, vì giá lao động rẻ và tiếng Anh giỏi. Đàn ông Phi còn được xuất khẩu lao động sang Singapore, Trung Đông để làm các công việc nặng nhọc như xây dựng, trèo tường lau cao ốc, chặt cây xanh, thông cống đường sá, cho sư tử ăn trong sở thú…,những nghề nguy hiểm mà người bản xứ sợ chết hẻm chịu làm. 

Còn nhớ lần đến Hồng Công, buổi tối, Tony đi bộ ra khu vực gần IFC chơi (IFC là trung tâm tài chính, int’l financial center), thấy cảnh sát giăng dây, các con phố tấp nập xe cộ hàng ngày trở thành phố đi bộ hết trơn. Tony chen lấn vô coi, thấy hàng ngàn các cô giúp việc người Phi được các ông chủ cho tài xế chở đến, thả xuống, cho tự do chơi tới khuya thì đi tàu điện ngầm về nhà. Đây là buổi họp chợ 1 tuần 1 lần của cộng đồng người Phi, tối thứ 7 nào cũng vậy. Tony thấy các cô trải bạt ra ngồi, rồi gọt xoài xanh, cóc, ổi chấm muối ớt, vừa ăn vừa kể chuyện chủ nhà tao thế này, con gái con trai bà chủ nhà tao thế kia... Thấy toàn món chua, nước bọt tuôn trào ào ạt, Tony sà xuống xin mấy cổ, nói thèm quá thèm quá. Mấy cổ hỏi ủa mày là người Hồng Công sao lại thèm xoài xanh muối ớt? Mà sao mày nói tiếng Anh giỏi và đẹp trai thanh tú quá vậy. Tony nói hẻm có, tao người Việt Nam. Ở Việt Nam ai cũng nói tiếng Anh như gió và đẹp đẽ thanh tú hết cả. Họ cười tít mắt, nói vậy hả, bữa nào để dành tiền qua Việt Nam chơi, đặng kiếm chồng. Cô nào cũng vừa nhai xoài, vừa mơ về những chàng Jack “made in Vietnam” hào hoa phong nhã như Tony vậy. Đong đưa qua lại một hồi, Tony thấy mấy cổ phủi đít đứng lên, nói tụi em giờ phải về chứ khuya quá sợ ông chủ mắng…