Nói chuyện men trước rồi chuyện thuốc sau. Có lần Tony đưa 2 ông giáo sư Nhật lớn tuổi đi công tác ở Tây Nguyên. Lịch làm việc thì dày, mà 2 ông thì lại không biết từ chối khi các đối tác Việt Nam ép rượu. Văn hóa gì kỳ, người ta uống không được thì thôi. Nhậu chả thấy vui, toàn khích bác nhau, rồi nôn tháo nôn mửa. Đồ ăn ngon cách mấy chứ cuối cùng cũng vào trong toilet hết. Rượu bia chỉ là chất xúc tác để nói chuyện thêm hưng phấn chút, chứ đâu phải là cái để thể hiện cái nhiệt tình. Tony nói thẳng luôn, tui nhậu rất vui, tui khỏe là tui uống nhiều, không khỏe là uống ít, ai mà ép là tui bỏ về ráng chịu. Nên đối tác thấy sợ, chỉ ép 2 ông Nhật, tơi bời hoa lá.
Sau mấy ngày tơi tả rượu bia, một bữa nọ đang trong hội thảo nông dân, 1 ông tự nhiên bị đau bụng dữ dội nên Tony mới đưa vô bệnh viện huyện. Đưa thẳng vào phòng cấp cứu luôn nhưng bác sĩ trực hôm đó đi ăn đám giỗ. Cô y tá gọi điện thì nghe ông bác sĩ nói thôi cô cứ khám tổng quát đi, rồi tôi về liền. Xong ổng cũng về, một chữ tiếng Anh cắn đôi cũng không biết nhưng thấy có khách nước ngoài nên hăng hái lắm, nói em dịch cho anh, anh khám quốc tế coi. Mấy ông bác sĩ y tá khác nghe có người ngoại quốc đến bệnh viện huyện ta đều bu lại coi, xôn xao ngoài cửa kính. Khám xong ông bác sĩ nói không sao, uống liền các viên thuốc này là khỏi, đưa đâu 1 bụm cả trăm viên. Cứ cái nào cũng ngày 3 lần. Ông Nhật nói cảm ơn nhưng nói thôi đem về khách sạn uống.
Về khách sạn, ổng kêu mày lên mạng tra giùm các gốc thuốc này, vì bọn mình làm nông dược nên thuốc men cũng biết chút đỉnh. Dược phẩm là cho người, thú y là cho thú còn nông dược là cho cây, cũng đều là thuốc men nên mình cũng biết cách tra cứu. Thấy chẩn đoán là đau dạ dày mà toa thuốc có viên chỉ định cho việc tỉnh táo chống buồn ngủ, có viên đặc trị tiểu đường, có viên bổ khớp, có thuốc trị dị ứng ngứa ngáy ngoài da, có viên là vitamin giúp sáng mắt, lưu thông máu, có viên giúp cường tráng sinh lực tráng dương bổ thận. Uống vào 1 phát, vừa thức sáng đêm do tác dụng chống buồn ngủ, rồi lại mắt sáng, khớp khỏe, da dẻ hết ngứa ngáy, rồi sinh lực tràn đầy. May mà ông Nhật kiên quyết không uống, chứ uống mà nó có tác dụng 1 cái, không biết nửa đêm ở chốn rừng núi hoang vu ấy, Tony tìm đâu ra các đối tượng cho ổng giải thuốc.
Tony lén uống vài viên rồi đi nhậu thâu đêm suốt sáng với tụi đại lý. Bọn nó ai cũng nể phục nói sao khỏe quá vậy đại ca. Kể chuyện hồi chiều vô bệnh viện gặp bác sĩ trực tên vậy vậy, mấy ông đại lý mới kể là ông đó trùm tào lao, ở huyện này ai hổng biết. Hồi thi Y có mấy điểm chia đều cho 3 môn Toán Hóa Sinh thôi, ưu tiên cử tuyển nên mới đậu đó.
ĐH Y khoa thật sự thường lấy điểm cao, năm nào thí sinh ít nhất trung bình 8-9 điểm một môn mới vô được. Vì người ta cần 1 hạc sinh cần mẫn,mcần sự chính xác tỉ mỉ, làm bài không có sai sót gì mới đạt cái điểm ấy (chưa nói vụ thông minh hay dở, nhưng thi điểm cao chứng tỏ họ cẩn thận trong chữ nghĩa, cẩn thận trong tính toán, ghi chép các con số..., nên khả năng ÍT MẮC SAI SÓT sau này). Bữa nay mới biết vụ bé gái ở Hà Nội đi khám bị chẩn đoán phù nề bao quy đầu làm con bé thơ ngây tưởng cái đầu mình sắp biến thành con rùa to như trong phim hoạt hình. Rồi 1 ông già 80 tuổi ở Huế đi khám bị kết luận rối loạn kinh nguyệt làm ổng khóc quá trời, nói răng mà lại rứa, ông sợ bị chảy máu chất xám.
Thằng cháu tên Tí dưới Cà Mau nói vừa đậu ĐH V., hệ bác sĩ đa khoa, dù nó chỉ đủ điểm sàn 14 điểm. Mình nói ủa sao đậu được, ĐH Y Cần Thơ lấy 25 điểm mà, nó nói V. là trường y mới mở. Thằng này ẩu và lười nên làm bài 1 môn chưa tới 5 điểm, dù đề năm nay dễ ẹt. Nó bất cẩn, không bao giờ xem xét coi ngó kỹ càng cái gì nên thi chỉ có bi nhiêu điểm đó thôi. Vì có 3 điểm ưu tiên trong khi trường mới này xét nguyện vọng 2 lấy có 17 điểm, rồi nó cũng sẽ thành bác sĩ. Vừa mừng vừa lo. Lo vì nó cứ ngáo ngơ sai sót bất cẩn như vậy, cứ bỏ quên kéo trong bụng bệnh nhân, rồi chẩn đoán bệnh A ra bệnh B…thì coi chừng người nhà bệnh nhân nó quánh. Dân chúng bây giờ hung dữ lắm, hở ra là quánh.
Dự định lúc Tony về già (lúc tiêu tiểu không tự chủ), cho thằng Tí lên Sài Gòn ở cạnh nhà. Dù sao nó có kiến thức y khoa cũng đỡ cho mình. Đêm hôm có chuyện gì nó khám cho. Mà cũng sợ, lỡ bữa mình đang bị tiêu chảy, nó quất cho viên nhuận trường thì trầu quâu.
Chắc ngủ luôn ở trỏng.
Trường Y phải tuyển những học sinh cẩn thận và có trí nhớ tốt, có óc
phân tích và phán đoán. Lương ngành này phải thật cao, và nên bắt buộc
phân công công tác 1-2 năm ở vùng sâu vùng xa trước khi về thành phố. Đó
là cách ngành Y các nước đang làm.