Jul 30, 2014

Chuyện cái mắt kính

Ở Đức, hành vì quay bài, quay phim trong lớp bị xem là hành vi gian dối nghiêm trọng nhất. Nên nếu phát hiện ra, học sinh sẽ phải lên làm việc riêng với ban giám hiệu, họ cho vô phòng riêng đóng kín cửa lại chứ không có sỉ nhục học sinh trước mặt người khác. Sau đó, học sinh phải nhận thức được hành vi ăn cắp kiến thức này là nhục nhã, là xấu xí. Họ sẽ khuyên giải, và học sinh viết bản kiểm điểm, sẽ thề là không bao giờ ăn cắp nữa, sau đó họ sẽ cho về. Nếu tái phạm thì sẽ bị đuổi học ngay lập tức. Và tên của học sinh này sẽ đưa vào danh sách đen ( black list) của hệ thống trường Đức trên khắp thế giới, sẽ không có trường Đức nào nhận học sinh này nữa. Vì họ quan niệm, đã thề rồi mà còn vi phạm là không có lòng tự trọng. “Mistake is acceptable, but we don’t accept if you repeat the same mistake”. Một công dân không có lòng tự trọng thì đất nước đó không thể tự cường. Sản phẩm của nền giáo dục Đức không có thể loại ăn cắp và nói dối. Ai ăn cắp kiến thức mà cầm được cái bằng Abitur ( bằng tú tài), sẽ gây xấu hổ cho nước Đức.

Và rất nhiều quốc gia Á Châu học tập cái này từ Đức áp dụng cho nền giáo dục của họ. Điển hình là Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây là Thái Lan. Và ngoài xã hội, các hành vi ăn cắp như vậy cũng bị trừng phạt rất nghiêm khắc, ví dụ tội cầm nhầm đồ trong cửa hàng, siêu thị. Shoplift là động từ chỉ việc cầm nhầm. Ở nước ngoài, người ta khinh bỉ các shoplifter kinh khủng, và rất nghiêm khắc để trị tận gốc căn bệnh shoplifting này. Một khi phát hiện nếu còn nhỏ sẽ bị phạt roi, quất vào mông. Còn già rồi mà vẫn cầm nhầm, thì họ sẽ bắt ngồi đọc đạo đức, đọc đến khi nào mỏi miệng thì thôi. Nên ai bị một lần là tởn, hoặc thấy người khác bị vậy mà sởn gai ốc, khi nhìn thấy “mỡ treo”, “miệng mèo” sẽ phải tự nuốt nước bọt. Vì không được phép ăn. Vì không phải của mình.

Chuyện ở Thái Lan, lâu rồi, đoàn khách của một công ty lớn ở Việt Nam sang chơi. Chị sếp ni quen thói hống hách, cứ vào chỗ shopping ghé lấy cái gì thì nhân viên dưới quyền mặc nhiên hiểu là phải trả tiền, coi như tặng quà. Thế là lúc vào cửa hàng miễn thuế trong sân bay Băng Cốc, chị nhón lấy cái mắt kính 120 USD, rồi thản nhiên bỏ vô giỏ, đi ra. Cậu trợ lý mới vô làm, có vẻ ghét cái kiểu này, nên thay vì trả tiền cũng bỏ ra ngoài luôn. Thế là đi được đâu 10 phút, chuông báo động ầm ĩ, bảo vệ rầm rập chạy đến, còng tay chị lại, lôi đi. Chị phủ nhận liền, nói không có. Chị chửi khí thế “ ụ mạ mi ụ mạ mi, răng lại bắt chụy”. Nó mở giỏ ra, thấy cái mắt kính. Rồi bất chấp chị chửi bới vang dội, tụi nó lôi đi xềnh xệch vô phòng cách ly, chiếu lại cho cái phim lúc nãy chị đã cầm nhầm như thế nào. Rồi tụi nó hủy chuyến, nhốt 2 ngày trong phòng riêng, cơm bưng nước rót đàng hoàng. Chị chỉ việc ngồi và đọc câu “ tôi là Trần Thị A. Hôm nay tôi đã hiểu việc ăn cắp là sai trái, tôi thề tôi sẽ không bao giờ ăn cắp nữa. Tôi thề trên danh dự của tôi, của con tôi là Nguyễn Văn Y, Nguyễn Thị Z. Tôi sẽ không bao giờ ăn cắp nữa để con tôi không nhục nhã vì mẹ nó”. Nó bắt đọc 1000 lần. Đâu tới 900 lần thì miệng chị đã méo qua 1 bên vì mỏi, nên chị khóc nức nở, “ bọn ni ác chi mà ác rứa, răng mà bặt chị đọc hoài”. Nó nói đủ 1000 lần đi, rồi bay về, và chị lại tiếp tục “ tôi là Trần Thị A, tôi…”

Nó nói chị đã già rồi nên nó mới làm nhẹ. Nếu chị mà là đứa thành niên là nó quất roi vào mông. Nên trên nhiều chuyến bay, nếu bạn thấy mấy cô cậu trẻ trẻ mà cứ đi đi lại lại, thì có khi cái mông đã sưng tấy. Nên không ngồi được.