Jul 31, 2014

Lời thề Hippocrates

Mấy năm trước, một đệ tử tên Bình đến tạm biệt anh Tony về Đắc Nông làm việc. Bình lúc đó vừa tốt nghiệp bác sĩ ĐH Y khoa, và quyết định về quê chứ
không bám trụ Sài Gòn. Nó nói em thi trường y, thật ra là không đủ điểm nếu không được ưu tiên. Nên em phải về, chính cái chữ "miền núi" đó đã giúp em có một cơ hội vào giảng đường. Rồi sau vài năm nữa, nếu muốn học tiếp thì có thể em lên lại Sài gòn, thì cũng không muộn anh há. Mình nói ừa, thanh niên còn trẻ, cứ trải nghiệm chỗ này chỗ kia. Tụi Nhật tụi Tây nó còn lang thang ở tận châu Phi sau khi tốt nghiệp nữa là. Ở trên đó, em còn có thể trực tiếp chẩn đoán mổ xẻ, chẳng mấy chốc mà kinh nghiệm làm việc còn hơn các bạn ở đây, khi ra trường chuyên môn chỉ dừng lại ở việc pha trà rót nước cho các cây đa cây đề. Làm không công ở bệnh viện lớn mấy năm trời làm gì em, em đào tạo làm bác sĩ mà, sao lại toàn phát thuốc, chích thuốc. Lãng phí quá.

Sống trên đời biết ơn nghĩa với người, với vùng đất em sinh ra, với vùng đất em lớn lên là đáng quý. Lòng biết ơn là cái giúp con người khác các động vật
khác, anh vẫn quan niệm là ai cử mình đi học, thì phải về. Nhiều bạn được cử đi nước ngoài xong tìm cách ở lại nước ngoài hay chỉ về thành phố lớn, dẫn đến các tỉnh hay các trường đại học ở tỉnh phải kiện tụng đòi lại tiền, rồi mệt quá mà dẹp luôn chương trình này, thế hệ sau mất cơ hội đi du học, mình thấy có lỗi với đàn em không? Nhiều bạn nói em ở lại thành phố là để nâng cao trình độ, học thêm để phát triển chuyên môn, thì có gì sai? Vậy cuối cùng mục đích sau khi nâng cao trình độ rồi là gì, có về quê không? Chắc chắn là không, như vậy thì mình là người ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình. Ví dụ nhé, vì 100 ngàn dân trên đó quá ít bác sĩ, nên dù chỉ có 20 điểm em đã đậu vào trường Y khoa, lẽ ra phải là 25 điểm, em lấy mất suất ngồi giảng đường của cả trăm bạn ở thành phố đạt mức điểm 24,5. Mục đích của chính sách này là đào tạo em để trở về và giúp đỡ người dân trên kia. Giờ em cũng bon chen ở lại thành phố, tiếp tục để 100 ngàn dân trên miền núi tiếp tục chết vì thiếu bác sĩ, thì mình bạc tình bạc nghĩa lắm em à. Nên làm gì thì làm, đừng có đánh mất mình vì chút vật chất cỏn con, em hãy kiêu hãnh để ngẩng đầu với chính em. Chia tay, mình tặng nó cuốn sách “You Can Win” mà mình rất ưa thích, và dặn dò, dù gì đi nữa, phàm đã chọn nghề y cao quý, thì chớ có quên lời thề Hippocrates. Nghen em.

Sinh viên y khoa khi tốt nghiệp, đều phải tuyên thệ, còn gọi là lời thề Hippocrates, ông tổ của ngành y phương Tây. Coi như lời hứa danh dự của nghề. Mà tiếng Việt mình cũng hay, có hai nghề mà người ta gọi là bác, là bác sĩ và bác tài, đơn giản vì giống nhau ở chỗ, đều nắm sinh mạng của người khác trong tay. Nên khi hành nghề phải tuyên thệ, vì một phút chốc nào đó, chất con nổi dậy lấn át chất người, sẽ vì mình hay vì tiền mà đánh đổi mạng sống của người khác. Những nhiệm vụ lớn lao, người ta bắt buộc người nhận nhiệm vụ phải quỳ xuống tuyên thệ, vì chỉ còn cách duy nhất là đánh vào tiềm thức, đánh vào lương tri, tận sâu trong tâm khảm họ. Và một khi đã tuyên thệ, người ta sẽ sợ hãi khi vi phạm, một nỗi sợ vô hình.

Nói đến nghề y mới nhớ, hồi còn ở quê, ở đầu thị trấn có một bác sĩ, tên A. Lúc đó còn học tiểu học, có lần sáng ngủ dậy, mình bị sốt cao rồi ói. Bà dì chạy ra vườn hái lá chùm ruột giã rồi đắp trên trán cho mát, nhưng một hồi sau thì tình hình cũng không khả quan hơn, sốt còn cao hơn nữa, mặt mũi xanh lè. Má mình phải nghỉ dạy, lật đật đạp xe đèo con chạy ra thị trấn, ghé nhà bác sĩ A nhờ khám. Xuống xe, mình đi loạng choạng vào sân nhà ổng và có ói một ít vào bồn hoa, thật ra cũng chỉ toàn nước. Ổng đi ra, đứng trên thềm cao, mặt mũi khó chịu nói sao chị lại để cháu ói vào bồn hoa, hai mẹ con đi đâu có việc gì. Má có la mình, nói sao con lại ói vào đó, rồi đứng khép nép nhìn lên, ánh mắt van lơn, nói bác sĩ ơi giúp giùm con chị, nó bịnh đột ngột quá. Mà bữa nay nhà chị không có tiền, chị chưa tới kỳ lãnh lương nên khi nào lãnh chị sẽ mang ra liền. Thấy ổng chần chừ nên má mình cũng tỏ ra khá lanh lợi khi đề cập là có quen cô X, cô Y, tức các cô giáo cùng dạy trong trường nhưng có nhà ở gần đó, để ổng yên tâm là không bị xù. Nhưng ổng nhìn nhìn hai mẹ con, nhìn chiếc xe đạp mini cà tàng rồi phán, thôi chị đi chở cháu đi chỗ khác đi, tui đang bận. Mình vẫn ngồi dưới đất và ói. Má mình năn nỉ nói bác sĩ cho cháu vô nhà, coi cháu giùm một chút có sao không, nếu nặng thì chị chở ra bệnh viện, làm ơn làm phước giùm chị, chị mang ơn suốt đời. Ổng nhìn cái bồn hoa và tức giận bỏ vào nhà, đóng cửa lại. Má, một người phụ nữ với đứa con bé bỏng bên cạnh, cảm thấy bất lực và tủi thân, đứng khóc như mưa. Làm mình cũng khóc, con nít mà, thấy mẹ khóc là hay khóc theo. Rồi sau đó hai mẹ con ra bệnh viện huyện, ở bên kia cầu Dinh, có ông y sĩ lấy viên thuốc màu vàng đắng nghét cho mình uống hạ sốt, nằm nghỉ một lúc thì về. Mình nhỏ xíu, đội cái mũ vải rộng thùng thình của chị Hai, ngồi phía sau xe đạp như con cóc, vịn chặt cái yên xe vì sợ té.

Lúc đạp xe đi về ngang qua nhà ổng, mình có ngoái nhìn vào. Coi cái chỗ lúc nãy ói đã có ai dọn chưa, tự mình cảm thấy sợ hãi vì cái tội ói vào bồn hoa nhà bác sĩ. Và ám ảnh đến bây giờ, khi thấy ai đó dửng dưng trước mạng sống của người khác. Và giá trị của một cậu bé thông minh đẹp trai như Tony vầy mà chẳng đáng bằng cái bồn hoa?

Và trên khắp đất nước hình chữ S này, không khó để chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh những người mẹ gầy gò, quần đen và chiếc áo sơ mi đã sờn, đội nón lá, gồng mình đạp xe chở những cậu bé, cô bé nhỏ xíu như cái kẹo ngồi đằng sau ba-ga để đến trường. Với một niềm tin tươi sáng, rằng thế hệ người Việt tiếp theo sẽ không khổ cực như cha mẹ chúng.

Và cậu bác sĩ mà Tony nói ở đầu bài, sau khi về quê, trở thành một bác sĩ đầy tâm huyết, sẵn sàng đến các thôn bản xa xôi để chữa trị cho mọi người. Làm nhiều nên chuyên môn cực giỏi. Một ngày làm việc, buổi tối vẫn đều đặn đi tập tennis rèn luyện thể lực và đến nhà thầy dạy tiếng Pháp trong thị xã Gia Nghĩa để học thêm tiếng Pháp, thường xuyên email với Tony và lâu lâu lại xuống Sài Gòn thăm Tony để tiếp thêm sức mạnh. Nói cứ mỗi lần em lười biếng, chán nản vì buồn chán, vì ở quê chẳng có gì chơi, thì lại nhớ đến những lời anh dặn dò, nhớ đến lời thề Hippocrates bên ngôi trường có cái hồ Bao Tử thân yêu. Em lại điên cuồng lên mạng và nghiên cứu chuyên môn.

Và bây giờ, cậu ấy đang thay đồ để tối nay đáp chuyến bay đi Paris học lên cao nữa, theo một học bổng toàn phần của chính phủ Pháp. Học bổng này ưu tiên cho bác sĩ công tác ở vùng sâu vùng xa, nên cũng dễ đạt được hơn. Chúc em sẽ thành công trong tương lai, chắc chắn là như vậy. Người có tâm tốt, không ích kỷ, nghĩ về người khác, thể nào cũng hạnh phúc.

Bon Voyage, Bình !
 
 

480 USD ++

“ Cháu xin chào Tony Buổi Sáng! Cháu làm hướng dẫn viên du lịch. Lần gần đây nhất cháu dẫn khách đi may áo dài. Cháu được giới thiệu tới một nhà may theo cháu thấy cũng khá ổn, khách rất thích. Nhưng có điều là nếu ai dẫn khách tới sẽ hưởng 10% hoa hồng. Ban đầu cháu thấy việc này cũng bình thường. Cháu lo lắng không biết việc nhận số tiền đó có làm cháu dần dần sẽ hình thành thói quen xấu ( như chỉ dẫn khách tới cửa hàng duy nhất đó thôi) hay không ( dù sản phẩm cung cấp cho khách không phải là tồi). Cháu rất mong sẽ nhận được câu trả lời của chú!”
Tony trả lời: Vui lòng gọi dượng xưng con cho nó Nam Bộ. Vì tui gốc Cần Thơ nghen cô nương. Việc điểm du lịch gửi lại 10% cho hướng dẫn là bình thường. Có tiền mới có động lực làm việc. Chỉ sai khi dịch vụ hàng hóa ở đấy kém mà mình ép khách vô cho được. Hay chủ động gửi giá, áo dài 1 triệu chứ nói cửa hàng báo giá cho khách 2 triệu, rồi mình ghé lấy sau. 10% là hợp lý cho ngành dịch vụ, ở nước ngoài người ta cũng boa 10-15%, mình biến tướng nó mới ra tiêu cực.
Còn việc sử dụng 10% đó thế nào là tùy mình, ngay cả khách hỏi mình cũng nói luôn, chả sợ. Kêu cửa hàng cắt thẳng vào giá cho khách, hay lấy rồi cho lại khách hay mình cất, đều được. Giống như tiền tip. Đưa thì lấy thôi, miễn là phải phục vụ cho tốt. Không sĩ diện nhưng cũng không chụp giật.
Kể nghe chuyện cũ. Thời còn sinh viên, có lần dượng đưa đoàn khách Nhật đi mua ở 1 cửa hàng gốm sứ. Khách mua 200 USD và hướng dẫn được 20 USD. Xong dượng nhận, ra khỏi cửa hàng, gửi lại 20 đô này cho khách, nói tiền hoa hồng của hướng dẫn đó, tao gửi lại mày. Khách rú lên từng hồi vì sung sướng, trước khi ra sân bay về nước, gửi lại 1 lá thư. Trong thư viết “ Tụi tao xúc động vì cách mày thể hiện, có 20 USD mà mày cũng đưa lại. Mày lại quá đẹp trai và ăn nói có duyên. Tao và bạn bè sẽ quay lại đất nước này vì Việt Nam có những người dễ thương như vậy”. Kèm theo 500 USD.
Hỏi, qua hành động trên, Tony và đất nước của anh ấy đã lãi được bao nhiêu đô?
( Đề thi hạc sinh giỏi dành cho hạc sinh tiểu hạc năm 2020)

Jul 30, 2014

Tiếng khóc xé đêm…

Chiều nay Tony đi mua cây cảnh ở khu Dĩ An. Lúc chờ người ta giao cây lên xe ba gác chở về, thấy phía sau có dãy nhà trọ nên đi vô coi ngó có gì hay, tình cờ thấy 1 gia đình kia đang ăn cơm chiều. Thấy trước nhà này có một cây trà đẹp quá nên mới đứng lại coi, 2 vợ chồng thấy có khách đứng ở trước nên mời vô ăn cơm.

Người chồng tên Tuấn, người vợ tên Liên, dân Thái Bình, vào Sài Gòn làm công nhân ở 1 xí nghiệp dệt may. Tony thấy bữa cơm chỉ có 2 miếng đậu hũ nhỏ, 1 cái trứng chiên, và 1 dĩa rau muống luộc, lấy nước làm canh. Anh chồng giục vợ lấy thêm trứng ra chiên, nhà có khách. Tony nói thôi, anh không ăn, chỉ ngồi chơi chút chờ mấy anh bên ngoài cột mấy cái cây lên xe rồi chở về.

Cái ngồi nói chuyện, hỏi thăm, 2 vợ chồng nói tụi em vô nam làm công nhân. Là đồng hương, quen nhau rồi cưới, có 1 cháu gái gần 2 tuổi. Lương tháng của anh chồng được 5 triệu còn chị vợ được 4 triệu. Tiền ăn uống sinh hoạt cũng vừa đủ, nên mấy năm nay chả dám về quê. Cái mình hỏi hàng ngày ăn uống là như vậy đó hả, cô vợ nói bữa nay là sang đó anh, vì cuối tuần, cải thiện chút. Chứ bình thường là chỉ có 1 nồi canh rau để chan vô cơm húp cho xong bữa anh à.

Anh chồng than nói tiền sữa cho đứa con 1 tháng hết 2-3 triệu nên 2 vợ chồng phải bóp mồm bóp miệng lại. Giá sữa tăng chóng mặt, cứ ra mua hộp mới là người bán sữa nói tăng 10%. Anh chồng nói con bé nó không có muốn ăn dặm, chỉ mê uống sữa thôi. Mà 2 vợ chồng không dám cho uống no, vì tốn tiền. Cô vợ nói cứ nhìn con uống xong ly sữa, còn thòm thèm vì còn đói mà đứt ruột. Tony thấy mấy hộp sữa ngoại trên kệ nên mới hỏi sao mua chi toàn sữa ngoại nhập đắt tiền như vầy, 2 vợ chồng gãi đầu gãi tai, nói dạ tụi em nghe quảng cáo trên tivi, thấy tốt quá nên đầu tư cho con. Đời tụi em như vầy, chỉ mong đời tụi nó thông minh giỏi giang mà bớt khổ.

Cô vợ nói bọn em còn đỡ. Chứ nhà bên cạnh, cũng công nhân, cô vợ vừa thất nghiệp, đứa con mới mấy tháng thôi anh. Cô vợ bị tắt sữa, nên phải mua sữa bột ở ngoài, tháng nào cũng hết 1/2 lương của anh chồng. Cứ nghe tăng ca ban đêm là bọn nó mừng, vì có thêm vài trăm ngàn nữa. Nói bọn em ngồi đạp máy may cả chục tiếng đồng hồ, ban đêm về nhà nhức mỏi kinh khủng, nghe tiếng con nhà bên khóc lại chạnh lòng, không ngủ được. Anh qua đó mà xem, 2 vợ chồng nó mấy tháng nay chỉ ăn cơm với nước tương nước mắm. Nói gì thì nói, đẻ con ra không lẽ không nuôi được. Đêm nào anh chồng cũng xin đi tăng ca hay ra phụ khiêng cây cảnh, còn cô vợ thì ép đứa con ngủ, hết bế đứng thì bế ngồi, đi đi lại lại hát khàn cả tiếng. Với tất cả nỗ lực của một người mẹ, nhưng đứa bé cứ ngủ chút thì dậy khóc. Chắc vì không đủ no.

Về đọc báo mới thấy những loại sữa bột chính trên thị trường mấy năm nay đều tăng giá bán vùn vụt, bất chấp mọi ý kiến ý cò. Khi chúng ta đang đọc những dòng chữ này, những công nhân như anh Tuấn chị Liên không hề biết. Họ đang mải mê cắt chỉ, đạp máy may trong các phân xưởng nóng hầm hập. Và hào hứng khi được tăng ca.

Với họ, những gì trên tivi đều là “đài nói”. Nhà nào cũng có máy xay sinh tố, chổi lau nhà đa năng,…“ vì nghe nói hay quá”, dù nhà trọ mấy mét vuông chẳng thế nào dùng. Vì họ làm từ sáng sớm đến khuya lơ khuya lắc mới về, ai chỉ mong tắm rửa rồi duỗi chân duỗi tay mà ngủ. Họ không có điều kiện đọc sách báo nên rất cả tin. Chúng ta đừng trách họ sao mua sữa ngoại làm chi, sang quá thì ráng chịu, đừng có suy nghĩ vậy. Con cái của họ là 1 gia sản lớn. Cứ nghe quảng cáo sữa nào giúp con thông minh là họ mua, với hy vọng rằng thế hệ sau sẽ không còn khổ cực như cha mẹ chúng. Mà nào đâu chỉ có sữa.

Trong khi đó, ở các tập đoàn đa quốc gia, các bạn phòng marketing đều là những bạn giỏi giang, trí tuệ nên lúc nào cũng nghĩ ra những chiêu marketing rất hiệu quả. Rồi các công ty PR quảng cáo thì vô cùng chuyên nghiệp. Thêm vào nữa là các bộ óc xuất chúng chỉ đạo từ công ty mẹ bên kia. Nên các chương trình quảng cáo này, ngay cả Tony vẫn đinh ninh là nó giúp minh thông minh hơn. Sau này đọc sách báo, Tony mới biết là sữa bò thực chất chỉ tốt cho con bò con, sữa dê chỉ tốt cho con dê con. Cực chẳng đã người ta mất sữa mới mua sữa ngoài, và bị chém đẹp. Kinh doanh những mặt hàng cho em bé như sữa, tả bỉm, y tế, giáo dục…là thoải mái. Vì giá nào cũng phải chịu, ít ai vô trường trả giá tiền học phí hay vô bệnh viện trả giá tiền vắc xin. Đi mua sữa, ai có tiền mua sữa ngoại, ai không có mua sữa nội, nhưng lỡ 1 lần mua sữa ngoại rồi là đành phải theo lao, vì thay đổi loại sữa, em bé sẽ dễ bị tiêu chảy. Nên bữa nay lỡ mua hộp sữa hiệu A này giá 500 ngàn, mai nó tăng lên 700 ngàn vẫn cứ phải mua.

Bài viết của Tony chỉ là 1 câu chuyện nhỏ về đạo đức trong kinh doanh, với hy vọng là làm sao nghịch lý giá sữa và thuốc thì cao ngất, trong khi bia rượu thuốc lá giá quá rẻ như vầy, cần phải được xem xét lại. Là người Việt, dù giọng nói vùng miền khác nhau, học hành khác nhau, công việc khác nhau nhưng đều là người Việt cả. Người nước ngoài họ đến kinh doanh, kiếm tiền và ra đi. Chỉ có dân tộc mình là trường tồn mãi mãi. Một dân tộc cao lớn, thông minh phải bắt đầu từ những đứa trẻ khỏe mạnh.

Một bên là các đại gia liên kết nhau, neo giá sữa và thuốc tây cao ngất, lãi thật nhiều. Còn bên kia người tiêu dùng, chắt bóp chi tiêu, liêu xiêu đói rách, miệng mồm méo mó nhăn nheo. Bớt xuống 1 chút. San sẻ 1 chút. Mình chẳng bớt giàu nhưng bao nhiêu người bớt ngặt. Đó cũng là lời nhắn nhủ của Tony đến các bạn người Việt làm ở các tập đoàn đa quốc gia này. Dù các cuộc họp với các sếp bằng tiếng Anh, nhưng bạn mãi mãi sở hữu một trái tim Việt, bạn hãy đấu tranh để không tăng giá nữa. Hãy biết thương đồng bào mình, hãy thương những tiếng trẻ khóc xé đêm…
 
 

Bài 9: Các câu hỏi cắc cớ

Thỉnh thoảng bạn vẫn gặp những câu hỏi, mà Tony tạm gọi là cắc cớ, thường của nhóm người hoặc ngáo ngơ hoặc thích gây lộn. Ví dụ: mày thấy phở ở Hà Nội so với phở ở Sài Gòn cái nào ngon hơn. Mày đi Trung Quốc, Hàn Quốc thấy gái ở bển so với gái Việt Nam đẹp hay xấu? Mày thấy Thanh Lam hát bài “Nửa đêm ngoài phố” hay hơn hay Bảo Yến hát hay hơn. Bác sĩ tốt nghiệp ĐH Y Khoa Huế và ĐH Y Khoa Tp HCM, ai giỏi hơn. Mày thấy thanh niên Mỹ béo phì hay thon thả….

Và ngày xưa khi còn khờ dại, Tony cũng gân cổ lên cãi với các câu hỏi dạng này. Vì thích Việt Nam nên nói gái Việt Nam đẹp hơn. Thích Sài Gòn nên nói phở Sài Gòn ngon hơn. Thích Bảo Yến nên nói Bảo Yến hát hay hơn. Qua Mỹ được 1 tiểu bang thấy bạn bè toàn béo phì nên nói tụi Mỹ béo lắm, đứa nào chả béo. Rồi suốt ngày cãi nhau với bao nhiêu người, với những câu hỏi tương tự về mọi ngóc ngách của cuộc sống. Rồi giận rồi hờn.

Sau này qua HBS học, thấy học viên nào đặt mấy câu hỏi giống vầy, các giáo sư sẽ chỉ mỉm cười và im lặng. Xong ổng đưa micro cho học viên khác, không thèm trả lời. Mình mới thắc mắc, nói ủa sao thầy không trả lời vậy. Cái ổng mới nói, với các câu hỏi dạng này, nó sai từ phương pháp đặt câu hỏi, nên tốt nhất là im lặng. Nhưng có lần có một thầy cũng trả lời, câu hỏi là theo ý kiến riêng của thầy, Pizza ở Ý ngon hay ở Boston ngon hơn ạ? Thì ổng nói là tui thấy ở Boston ngon hơn, vì tui sống ở đây 20 năm, quen khẩu vị ở đây. Và quan trọng hơn là tui nói ở đây ngon, tui có thể chạy ra tui ăn liền chứ không thể bay qua Ý được. Nói xong, cả lớp cười ồ. Riêng anh người Ý nóng máu lên, đứng dậy phản ứng liền, nói Pizza và mì ống là đặc sản riêng có của người Ý, sao dở hơn người Boston làm được. Vâng vâng và vâng vâng. Cái mấy cánh tay khác giơ lên, định phản biện. Ông thầy mới nói, đừng nên phản ứng vậy, vì sẽ không đi tới đâu, và rất nhảm. Vì sao, ổng giải thích:

1. Nói Pizza ở Ý và ở Boston. Ý là ở đâu? Thành phố nào. Có hàng ngàn tiệm Pizza ở Ý và mấy trăm quán Pizza ở Boston, so sánh dựa trên cơ sở nào, quán nào, loại bánh nào? Có quán sang trọng cũng có quán bình dân. Có quán à-la-carte ( gọi món) và cũng có quán fastfood ( thức ăn nhanh). Có đầu bếp chuyên nghiệp và cũng có mấy bà nội trợ tự làm ở nhà. Còn nếu lấy trung bình hay bình quân hay nhìn chung thì phải có cơ sở, khảo sát bảng biểu đàng hoàng thì mới nói.

2. Ngon hay dở, đẹp hay xấu, xinh hay không xinh, tuyệt vời hay nhảm nhí, sang hay quê, vừa miệng hay không….là các tính từ 100% cảm tính, tức cảm nhận của mỗi cá nhân. Họ có gu thẩm mỹ, văn hóa, giới tính, sự trải nghiệm khác nhau thì sẽ cảm nhận khác nhau. Nên khi tôi nói “ theo ý kiến của riêng tôi”, thì phải được tôn trọng chứ mắc mớ gì cãi lại hay chê bai. Cơ sở nào để mình thì đúng thì người khác thì sai, cơ sở nào cho rằng cảm tính của mình là văn minh còn của người là thấp kém? Còn trích dẫn từ báo chí hay sách vở, thì cũng chỉ là cảm tính của nhà báo đó, quan điểm của tòa soạn đó, của nhà văn đó, của nhà xuất bản đó thôi. Không thể lấy làm chuẩn được.

Như Tony Buổi Sáng, có người đọc thấy hay, nhưng cũng có người thấy dở. Có người đọc và nắm được cái thông điệp truyền tải, có người chỉ coi chi tiết nào hài để cười. Có người nghĩ là “đá xéo” mình, vì cái xấu của mình được ổng mô tả thật quá, nên giận không đọc nữa. Có những cuốn sách nói về tật xấu, có người phải mua cả chục cuốn, vì vừa mua xong, mở ra đọc bài đầu tiên, tưởng nói mình, giận xé sách. Nhưng tò mò nên mua lại, đọc bài thứ hai, lại tưởng nói mình, xé tiếp. Sách có bao nhiêu bài là bấy nhiều lần xé.

Tony mở sách cũ say mê một thời ra đọc, mới thấy các bác nhà mình viết văn cảm tính và áp đặt quá. Món ngon Hà Nội, cảnh đẹp Hà Tiên, nhan sắc Tuyên Quang, cà phê Buôn Mê Thuột ngon nhất thế giới,… đọc thấy toàn ý kiến chủ quan của tác giả. Ai nói ngược lại (đám đông mặc định là đúng vì tư duy lối mòn của mình) là bị ném đá tơi bời. Các chủ đề này suốt ngày gây tranh cãi, cứ có ý kiến mới là đám đông sẽ không chịu, vì khác với CÁI CŨ, CÁI QUEN THUỘC. Tính” thủ cựu” thì Tây Tàu đều bị, Tàu nhiều hơn Tây do giáo dục cứng nhắc rập khuôn, ít sáng tạo, kiểu tầm chương, trích cú của thầy nho xưa, sách có câu, sách có câu…

Thậm chí, để tranh luận khi có ai chê Tony Buổi Sáng viết dở, có người có viện “dòng 30 từ dưới lên, trang 27, cuốn Tam Quốc Diễn Nghĩa xuất bản năm 2990 có nói, ông Tony Tèo là người viết hay nhất thế kỷ 22…” thì cũng chỉ có tác dụng tham khảo. Hay-dở là cảm tính, là ý riêng của ông La Quán Trung chứ mắc mớ gì xem đó là chân lý?
 
 

Chuyện cái mắt kính

Ở Đức, hành vì quay bài, quay phim trong lớp bị xem là hành vi gian dối nghiêm trọng nhất. Nên nếu phát hiện ra, học sinh sẽ phải lên làm việc riêng với ban giám hiệu, họ cho vô phòng riêng đóng kín cửa lại chứ không có sỉ nhục học sinh trước mặt người khác. Sau đó, học sinh phải nhận thức được hành vi ăn cắp kiến thức này là nhục nhã, là xấu xí. Họ sẽ khuyên giải, và học sinh viết bản kiểm điểm, sẽ thề là không bao giờ ăn cắp nữa, sau đó họ sẽ cho về. Nếu tái phạm thì sẽ bị đuổi học ngay lập tức. Và tên của học sinh này sẽ đưa vào danh sách đen ( black list) của hệ thống trường Đức trên khắp thế giới, sẽ không có trường Đức nào nhận học sinh này nữa. Vì họ quan niệm, đã thề rồi mà còn vi phạm là không có lòng tự trọng. “Mistake is acceptable, but we don’t accept if you repeat the same mistake”. Một công dân không có lòng tự trọng thì đất nước đó không thể tự cường. Sản phẩm của nền giáo dục Đức không có thể loại ăn cắp và nói dối. Ai ăn cắp kiến thức mà cầm được cái bằng Abitur ( bằng tú tài), sẽ gây xấu hổ cho nước Đức.

Và rất nhiều quốc gia Á Châu học tập cái này từ Đức áp dụng cho nền giáo dục của họ. Điển hình là Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây là Thái Lan. Và ngoài xã hội, các hành vi ăn cắp như vậy cũng bị trừng phạt rất nghiêm khắc, ví dụ tội cầm nhầm đồ trong cửa hàng, siêu thị. Shoplift là động từ chỉ việc cầm nhầm. Ở nước ngoài, người ta khinh bỉ các shoplifter kinh khủng, và rất nghiêm khắc để trị tận gốc căn bệnh shoplifting này. Một khi phát hiện nếu còn nhỏ sẽ bị phạt roi, quất vào mông. Còn già rồi mà vẫn cầm nhầm, thì họ sẽ bắt ngồi đọc đạo đức, đọc đến khi nào mỏi miệng thì thôi. Nên ai bị một lần là tởn, hoặc thấy người khác bị vậy mà sởn gai ốc, khi nhìn thấy “mỡ treo”, “miệng mèo” sẽ phải tự nuốt nước bọt. Vì không được phép ăn. Vì không phải của mình.

Chuyện ở Thái Lan, lâu rồi, đoàn khách của một công ty lớn ở Việt Nam sang chơi. Chị sếp ni quen thói hống hách, cứ vào chỗ shopping ghé lấy cái gì thì nhân viên dưới quyền mặc nhiên hiểu là phải trả tiền, coi như tặng quà. Thế là lúc vào cửa hàng miễn thuế trong sân bay Băng Cốc, chị nhón lấy cái mắt kính 120 USD, rồi thản nhiên bỏ vô giỏ, đi ra. Cậu trợ lý mới vô làm, có vẻ ghét cái kiểu này, nên thay vì trả tiền cũng bỏ ra ngoài luôn. Thế là đi được đâu 10 phút, chuông báo động ầm ĩ, bảo vệ rầm rập chạy đến, còng tay chị lại, lôi đi. Chị phủ nhận liền, nói không có. Chị chửi khí thế “ ụ mạ mi ụ mạ mi, răng lại bắt chụy”. Nó mở giỏ ra, thấy cái mắt kính. Rồi bất chấp chị chửi bới vang dội, tụi nó lôi đi xềnh xệch vô phòng cách ly, chiếu lại cho cái phim lúc nãy chị đã cầm nhầm như thế nào. Rồi tụi nó hủy chuyến, nhốt 2 ngày trong phòng riêng, cơm bưng nước rót đàng hoàng. Chị chỉ việc ngồi và đọc câu “ tôi là Trần Thị A. Hôm nay tôi đã hiểu việc ăn cắp là sai trái, tôi thề tôi sẽ không bao giờ ăn cắp nữa. Tôi thề trên danh dự của tôi, của con tôi là Nguyễn Văn Y, Nguyễn Thị Z. Tôi sẽ không bao giờ ăn cắp nữa để con tôi không nhục nhã vì mẹ nó”. Nó bắt đọc 1000 lần. Đâu tới 900 lần thì miệng chị đã méo qua 1 bên vì mỏi, nên chị khóc nức nở, “ bọn ni ác chi mà ác rứa, răng mà bặt chị đọc hoài”. Nó nói đủ 1000 lần đi, rồi bay về, và chị lại tiếp tục “ tôi là Trần Thị A, tôi…”

Nó nói chị đã già rồi nên nó mới làm nhẹ. Nếu chị mà là đứa thành niên là nó quất roi vào mông. Nên trên nhiều chuyến bay, nếu bạn thấy mấy cô cậu trẻ trẻ mà cứ đi đi lại lại, thì có khi cái mông đã sưng tấy. Nên không ngồi được.