Nov 25, 2014

TNBS Nha Trang

Chu cha cái nhóm này, tư duy tốt chi mà tốt rứa? Mong độc giả Nha Trang ủng hộ giùm nhé. Bấm like cho các cháu nó mừng.

Nhiệm vụ dượng giao nè

1. Khảo sát trường tiểu học nào đó trên Khánh Sơn rồi mang quần áo, hạt giống lên cho các em và phụ huynh các em. Nói trồng giùm các giống cây đó, năm sau tụi cháu lên thu mua. Hạt giống rau củ các loại dượng sẽ gửi ra cho các bạn.
2. Tìm nguồn nông sản ở khắp nơi trong toàn tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận như Phú Yên, Phan Rang, Buôn Mê Thuột để bán giúp người ta.
3. Chuẩn bị làm thêm dịch vụ du lịch cho khách đến Nha Trang như đặt phòng, tour guide để tiếng Anh lưu loát, lanh lợi, sau này ra trường đi làm cho tốt, vì đã có kinh nghiệm

To Độc giả TnBS ở Nha Trang: 
Tony mong muốn anh chị ai có thời gian, dạy giùm các bạn trong nhóm tình nguyện ở đây về ngoại ngữ, về kỹ năng du lịch, khách sạn, kinh doanh... Xin cám ơn và mong Nha Trang ngày càng phát triển với nguồn nhân lực tuyệt vời như thế này.

Áo ấm mùa đông... Trạm Tấu

“Bé Mùa A Tếnh năm nay 6 tuổi, học lớp một, nhà cách Trường 1 ngọn núi, đi bộ chừng gần 1 tiếng đồng hồ, buổi trưa không về nhà nên cứ mỗi sáng sớm trước khi đến lớp, mẹ bé lại xới cho 1 chút cơm, kèm mấy chiếc lá rừng, nén trong chiếc cặp lồng cũ hay chiếc túi ny-lông, cho Tếnh xách đến lớp, ăn trưa ở lớp cùng các bạn.

Mở phần cơm của Tếnh, chỉ duy nhất mấy lá rau rừng, vị chua chua thay cho thức ăn…

Háng Gàng là bản đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, cách trung tâm xã Pá Hu 19km đường rừng (phải đi bộ trong vòng 6-7 tiếng). Có không ít đứa trẻ phải ăn cơm với lá rừng, hòng lay lắt sống, học cái chữ viết hòng cải thiện tương lai… (nguồn aoambiencuong)

Dù đã từng biết nhiều học sinh nội trú vùng cao vì đói rét, vì thèm thịt, thèm chất tanh mà phải rủ nhau bắt chuột để làm thức ăn, cả giáo viên cắm bản cũng thế. Nhưng nhìn bữa cơm trưa đựng vào túi mang đến trường chỉ vỏn vẹn chiếc lá rừng chua chua làm thức ăn, Admin ko cầm được nước mắt” (Trích fanpage của nhóm tình nguyện Trạm Tấu)

TnBS: Các bạn tình nguyện Trạm Tấu thân mến. Đời người chỉ có thể chọn cửa tử, không ai có thể chọn được cửa sinh. Nếu mình ngồi ở thành phố, đọc các dòng chữ này trên máy tính, trên Iphone thì do mình may mắn, chứ nếu mình sinh ra trên ngọn núi đá cheo leo ấy thì giờ mình cũng đang hái rau rừng ăn thôi. 

Mình may mắn hơn họ, thôi thì san sẻ chút tình. Tặng họ vài ba đồng, mình cũng chẳng bớt nghèo nhưng họ sẽ bớt ngặt. Tính toán làm gì, so đo làm gì, đời người cũng vậy thôi.

Các bạn cố gắng kinh doanh nông sản, mua các sản vật trên Trạm Tấu về bán dưới xuôi để thúc đẩy kinh tế địa phương trên đó nhé. Chỉ có con đường thoát nghèo như vậy, chứ năm nay cho áo, năm sau áo rách, lại lên cho? Cho thịt cũng chỉ 1 vài lần thôi chứ sao cho miết được. 

Mong các bạn ủng hộ nông sản của Trạm Tấu qua fanpage https://www.facebook.com/tramtau.tnbs. Và có thể đi cùng nhóm lên đấy khi nhiệm vụ đã hoàn thành (đủ 300 cái mùa đông năm nay).



Nhành cây trứng cá


Có lần Tony ngồi ở quán cà phê, bàn bên là 2 gia đình, một Tây một Việt. Mỗi gia đình đều có 1 em bé khoảng 2-3 tuổi, tụi nó tự làm quen và chơi với nhau. Bỗng dưng đứa bé con Tây vấp cái chân ghế và ngã sóng soài, bố mẹ cô bé vẫn ngồi yên uống nước, chỉ nói động viên, thôi đứng lên đi con. Cô bé ấy đứng dậy, phủi bụi và chơi tiếp, như không có chuyện gì xảy ra. Bàn bên kia, gia đình người Việt nói hay nhỉ, giáo dục Tây đề cao tính tự lập, mình cũng sẽ dạy con như thế, chứ dạy con kiểu Việt Nam riết nó hư hỏng hết. 

Đâu khoảng 15 phút sau, tới cậu bé người Việt lại va vào cái ghế và ngã y chang. Bà mẹ của cậu, một bà mẹ trẻ đeo kính trông rất trí thức, gầm lên với anh chồng “mắt mũi anh để đâu mà không trông nó”, anh chồng cuống quýt chạy đến đỡ dậy, quay lại mắng vợ là “có phải là con của cô không mà cô không giữ”. Bà ngoại hoặc bà nội gì đấy cũng chạy đến, xúm nhau đỡ cậu dậy, bà cảm thấy có lỗi khi thấy 2 vợ chồng vẻ mặt cau có, có ý muốn nói là “cháu ngã tại bà”. Thấy 3 người xung quanh đổ qua đổ lại, cậu bé bèn khóc rất to. Người bà vừa bế, vừa dỗ dành, vừa đánh cái ghế, đánh cái bàn, đánh người cha, đánh người mẹ, cứ mỗi lần vung tay đánh thì nói “cái tội của cái ghế này, cái bàn này, làm em đau này…”. Sau khi đánh hầu hết người của cả quán, thì cậu bé mới cười, mới bỏ qua cái việc vừa té ngã lúc nãy.

Tony ngồi nghĩ. Dù văn minh phương Tây có hay, có tiến bộ cách mấy, mình nhìn thấy nhưng chưa chắc là áp dụng được. Đụng chuyện thì vẫn cách xử lý cũ. Và đứa trẻ ấy lớn lên, mọi vấp ngã của nó, không bao giờ là do nó. Tất cả mọi thất bại là do ai đó, thậm chí do vật vô tri vô giác như cái ghế cái bàn...Và đều phải bị trừng trị, bị đánh, bị đổ lỗi. 

Ở các nước châu Á, có lẽ lối giáo dục này tạo thành văn hóa chỉ trích người khác nhưng tuyệt nhiên không nói đến mình. Giáo viên nói học sinh dốt. Học sinh thì nói giáo viên dạy dở, chương trình dở. Giám đốc nói nhân viên kém cỏi. Nhân viên thì chê giám đốc không đủ trình. Đồng nghiệp thì xét nét nhau, đổ lỗi cho nhau khi có sự cố. Trừ mình. Hễ ai nói đến mình là nổi điên,vì tôi là 1 pháo đài bất khả đề cập. 

Có độc giả thích Tony viết lắm. Cứ 1 bài miêu tả 1 thói xấu của ai đó, thì cả trăm comment nhảy vô chê bai khí thế. Nhưng bài nào tương tự như mình thì giãy nảy lên, gửi mail nói “anh không được nói em như thế trên page, em cảm thấy bị xúc phạm nặng nề”. 

Tony có anh bạn tên B, vừa tốt nghiệp ngoại thương vừa bách khoa, từng đi du học, từng làm tập đoàn nước ngoài, đang làm giám đốc 1 công ty lớn. Có lần đi hội nghị ở khách sạn Sofitel với Tony, anh đậu xe ở dưới, đi bộ từ vỉa hè lên sảnh khách sạn thì anh giẫm phải bã kẹo chewingum (cao su). Anh chửi đậu phộng, cái bọn vô ý thức. Sau đó anh chạy tới bẻ 1 nhành cây (nhành cây trứng cá), cúi xuống chọt gỡ bã kẹo ra khỏi giày rồi vội vã bước vào họp. Lúc họp xong đi ra, thì trước khách sạn, Tony thấy cây trứng cá đã trụi lũi cành, bã kẹo cao su vẫn trên vỉa hè, bên cạnh là 1 đống cành lá của cây trứng cá…

P/S: Đăng bài này xong, Tony phải vô check mail ngay. Thể nào B cũng gửi email “tôi bị xúc phạm nặng nề, tôi có ăn kẹo nhả xuống đâu, cái bã ấy của ai, đề nghị làm rõ. Tôi bận quá nên làm gì có thời gian dọn cái bã kẹo ấy. Cái cây bị trụi lũi ấy là do mấy đứa ngoài xã hội kia chứ tôi chỉ bẻ có 1 nhành. Nhiệm vụ dọn rác là của công ty vệ sinh, của bảo vệ khách sạn, của x, của y, của z…”

Cừu và Nho

Ở nước ôn đới, đường ăn được sx bởi củ cải đường, còn ở các nước nhiệt đới, người ta lấy đường từ cây mía. Nhưng đường này là đường sucrose (hồi nhỏ học là xắc ca rô, hẻm biết ai phiên âm lạ quá), khó hấp thụ vào cơ thể, nhưng vì rẻ nên phổ biến. Đường thứ hai sang hơn, dễ hấp thụ vào cơ thể hơn là được glucose (hồi nhỏ được hạc là gờ lu cô da). Mấy chú xưa xưa phiên âm tụi con đọc mệt quá à, để luôn tiếng Tây cho tụi con dễ đọc. Chứ tổng thống Pháp cũ (Sarkozy) mà cứ gọi ông Xác Cô Di nghe kinh hãi quá...tưởng cô nào đó tên Di mới chết.

Đường glucose có trong mật ong, trong nhiều loại trái cây, nhiều nhất là quả nho. Nếu ban đêm bạn nằm ngủ mơ về nho, thì cơ thể bạn đang thiếu đường này. Nên bổ sung ngay, tháng phải 2-3 lần ăn nho. Hôm bữa nghe ai nói "người ta giàu người ta ăn nho Mỹ. Tui nghèo nên tui đi Mỹ ăn nho". 

Nho được trồng chủ yếu ở các nước ôn đới. Các nước nhiệt đới trồng cũng được nhưng trái nhỏ, năng suất không bằng. Phan Rang Ninh Thuận là địa phương duy nhất của Việt Nam trồng được nho và nuôi cừu dưới dạng thương phẩm, vì đây là vùng đất khô nhất của nước ta, do cái phễu Đà Lạt cách đó 100km hút hết hơi ẩm về. Mặc dù nắng nóng nhưng khô nên cừu không bị bết lông ( ẩm là cừu bết lông, nứt da, chết), và cây nho cũng ưa khí hậu khô, ẩm nhiều là bị bệnh, điển hình là mốc trắng sương mai, phải sử dụng các chế phẩm chuyên nho của hãng Phượng Tím mới trị được (bạn nào trồng nho ở Ninh Thuận email lại hãng để tư vấn cho nhé, hãng này giỏi lắm, cái chi cũng có). 

Nho ở Ninh Thuận chủ yếu là giống nho đỏ Red Cardinal (đọc là Cạc đi nồ), giống xanh gần đây mới có. Nho Phan Rang hơi chát, có hạt, trái bé, nhìn xấu, ko đều như nho Tàu. Vỏ cũng mỏng nên dễ hư hỏng hơn nho Tàu, vị thì pha chua nên dễ ăn hơn loại nho ngọt ngay của Mỹ, Úc, Trung Quốc. 

Các con dượng ở Phan Rang đã khởi nghiệp trồng nho sau khi vọt lên Sài Gòn mần ăn chẳng ra sao, và đã có sản phẩm đầu tay, rượu nho gì đó, gửi cho Tony mà chưa có uống và góp ý cho các bạn. Nhưng các nhóm Hà Nội đã nhập về kinh doanh ở đó, các bạn liên hệ nhóm https://www.facebook.com/sopcop.tnbs để mua nè. Các địa phương khác sẽ cập nhật trong các bản tin sau địa điểm bán cho các bạn ủng hộ các bạn trẻ Phan Rang nhé. Nhớ ăn thịt cừu và uống nước nho giúp các bạn ấy...



Các hoạt động của CLB con dượng đang diễn ra

  1. Nhóm Nha Trang cần tìm mặt bằng kinh doanh. Bà con độc giả nào có thể cho các bạn mượn kinh doanh vào sáng chủ nhật, sau đó sẽ được dọn dẹp và trả lại nguyên hình nguyên trạng không rách rời chắp vá. Toàn bộ tiền kinh doanh thu được sẽ làm quỹ hỗ trợ trẻ em huyện Khánh Sơn. Add friend và inbox cho bạn at email: nguyen291@gmail.com. Đây là 1 điển hình con dượng ở tp biển. Đẹp trai như Lý Hùng, gương mặt ngời sáng của người ham học hỏi, đi lại, bơi lội, võ thuật, đọc sách, kinh doanh đều cực giỏi. Bạn làm tốt nhé, sang năm tui cho đi du hạc.
  2. Nhóm Cần Thơ cần tuyển tình nguyện viên. ĐK hào sảng trung thực, sống vì người khác, có thời gian, không hào hứng 1 phút. Đăng ký để phỏng vấn tham gia tại https://docs.google.com/…/1k92lKUiLK7MF67QfcBXX1Tn…/viewform. Chương trình ở Cần Thơ sẽ xây cầu khỉ cho các xã vùng sâu trong các bưng biền. 
  3. Nhóm con dượng ở Tokyo Nhật Bản cũng lên kế hoạch kinh doanh vào cuối tuần để hỗ trợ 1 xã miền núi hoặc dân cư 1 hòn đảo nào đó của nước mình, dự kiến bán cà phê take away hoặc chiên chả giò ép tụi Nhật ăn sáng. Liên hệ admin ở Nhật vào email shiota.dung@gmail.com.
  4. Nhóm Ưa thích nấu nướng ở Tp HCM đã thành lập nhóm Ăn Vặt cùng TnBS (nghe bắt ớn, tui già rồi có ham ăn vặt đâu). Toàn bộ tiền lời các bạn sẽ nắm giữ, sau này nhóm nào cần sẽ giúp, ví dụ nhóm Mường Ảng Tây Bắc cần 300 cái áo ấm mà mới mần được có 200 cái, thì nhóm Ăn Vặt này sẽ nhịn ăn nhịn mặc gửi tiền vô cho Mường Ảng mua đủ 100 cái nữa. Nhóm đã thành công trong việc làm giá đậu nành ăn cho trẻ đẹp, làm bánh mứt các loại…trên nông sản Việt Nam. https://m.facebook.com/anvatcungtnbs các bạn bấm like Page và inbox để đặt hàng. Trưa xế chiều gì muốn ăn món gì thì nói các bạn nấu cho, các bạn sẽ mang đến tận văn phòng của các bạn ở nội thành tp HCM.
Một đám các con dượng say mê lao động quá trời, nhìn thiệt dễ thương.

Nov 24, 2014

Thông báo: Xét duyệt “Hành Bổng” tháng 11/2014

Điều kiện nộp hồ sơ:
  1. Độc giả TnBS trên mọi miền tổ quốc. Ưu tiên học sinh trường trung cấp nghề, sinh viên ngành kỹ thuật tự thành lập cơ sở sản xuất. Ví dụ học trung cấp cơ khí, tự mở xưởng sản xuất đinh, ốc, vít, bù lông, xe đạp. Học điện tử và khởi nghiệp sản xuất vi mạch, bán dẫn. Học dệt may mở xưởng dệt lụa, kéo sợi. Học nông lâm trồng nấm, cấy mô, ghép cây lạ có hiệu quả kinh tế. Hoặc thanh niên nông thôn đứng ra phát triển đặc sản địa phương hay khôi phục làng nghề truyền thống…TIÊU CHÍ LÀ SẢN XUẤT RA SẢN PHẨM CỤ THỂ VÀ GIẢI QUYẾT LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI DÂN ĐỊA PHƯƠNG
  2. Các bạn gửi hồ sơ về cho sx.tnbs@gmail.com để các admin gần nhất liên hệ xác nhận. Sản phẩm và gương phấn đấu của các bạn sẽ được đăng trên TnBS cho bạn trẻ học tập noi theo. Về đầu ra, hiện tại đội tình nguyện TnBS sẽ giúp các bạn phân phối sản phẩm trên toàn quốc. Nhóm “Gánh Rau Ra Chợ Tây” sẽ giúp các bạn xuất khẩu kiếm Đô-Loa chơi cho vui. 
  3. Các bạn vui lòng email câu chuyện khởi nghiệp của CÁ NHÂN mình, kèm theo hình ảnh cơ sở sản xuất, máy móc thiết bị, trang trại, hồ cá ao tôm, bờ tre gốc rạ… về sx.tnbs@gmail.com
Nếu mình nghĩ mình là người tài năng, kiểu học giỏi nhất xã, nhất huyện, nhất tỉnh thì nên tạo ra những nhà máy/nông trường/nông trại giúp dân địa phương có việc làm. Nếu mình nghĩ mình là tài năng của dòng họ thì cũng ráng mở cái xí nghiệp bé bé xinh xinh để giải quyết hết con cháu cho chúng nó có công ăn việc làm, làm rạng danh dòng họ nhé.

Chúc các bạn trẻ có những suy nghĩ thông thoáng, tích lũy đạo đức, vốn, kiến thức, kinh nghiệm để khởi nghiệp. Tìm kiếm cơ hội sản xuất thay thế hàng nhập khẩu. Người Nhật, người Hàn, người Trung, người Thái…cũng chẳng giỏi giang gì hơn mình đâu, chỉ là “tinh thần sản xuất” của họ cao hơn mình mà thôi. Mà tinh thần thì mình muốn là có. 

Mình chỉ có 1 lần tuổi trẻ để vẫy vùng thôi, đừng an phận thủ thường uổng lắm. Cả đời cứ vầy thì chán lắm nè:

“Sáng xách xe đi, tối xách về 
Một ngày như hàng vạn ngày qua
Đang đếm dưa hành thì bạn gọi. 
“nhậu hem”, liền nói “chút tao ra”.

Áo ấm mùa đông: Tìa Dình, Điện Biên

Cách đây vài ngày, nhóm chúng tôi nhận được lá thư từ thày hiệu trưởng trường tiểu học Tìa Dình, một trong hai trường khó khăn nhất của Điện Biên Đông mà nhóm lựa chọn trao áo ấm mùa đông này. Thày hiệu trưởng kể thày cũng vận động quyên góp ở nhiều nơi mà chỉ nhận được 137 cái áo ấm, vẫn còn 319 em đến trường bằng manh áo cộc. Thày chưa dám trao, vì sợ sự tủi thân của các bạn chưa có. Mùa đông rét mướt, nhưng những người thầy, người cô ở đấy chẳng biết phải làm sao.

Lá thư vỏn vẹn những dòng chữ ngắn gọn mà khiến chúng tôi ám ảnh mãi.

Sống ở thành phố, chúng tôi nghĩ đến việc cả nhóm sẽ phải di chuyển để mang áo ấm lên cho các em trường Tìa Dình khi mà trường nằm cách Tp. Điện Biên 100km và nằm rất cao trên đỉnh núi, 25 km đường đất và dốc cao như trong hình, chỉ đi bộ mới tới nơi được, trời thì mưa và lạnh 8 độ"...( Trích trong page của nhóm tình nguyện). 

Mong các bạn ở Hà Nội bấm like cho nhóm. Các bạn trẻ thủ đô được bốc thăm có nghĩa vụ sản xuất kinh doanh gây quỹ ủng hộ trẻ em huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. 

Tony chỉ chúc các bạn mạnh mẽ lên. "Hò dô ta nào, hò dô ta nào...dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi..". Người ta quyết tâm làm giàu cho cá nhân, mình quyết tâm kiếm chút tiền gửi đến các em là mình giàu tình, giàu nghĩa, giàu quyết tâm. Sau này các bạn lớn tuổi rồi, không làm tình nguyện nữa, các bạn sẽ thành đạt với hành trang mang theo là kinh nghiệm kinh doanh trong suốt thời gian mình còn trẻ làm tình nguyện như vầy, và quan trọng hơn là tấm lòng hồn hậu vì người khác. Tony đọc sách đông tây kim cổ, 4-5000 năm ở mọi xã hội, người ta chỉ thành đạt khi có 1 trái tim thương yêu, biết cho đi và nghĩ về người khác...

Tối hậu thư cho 1 nhân viên đi trễ

To V,

Đây là email anh nhắc nhở lần cuối. Nếu em vẫn đi làm trễ mà không báo trước, vẫn còn sống 1 cách vô kỷ luật như xưa nay vẫn sống, thì nên ngưng làm việc ở đây.

Để một tổ chức tồn tại được, điều kiện cần là mọi người biết nghĩ về nhau, nghĩ về người khác. Điều kiện đủ là tính kỷ luật. Thiếu 1 trong 2 ĐK này, tổ chức đó sẽ tan rã. Nên hùn hạp làm ăn với ai, nếu họ thiếu 1 trong 2 ĐK này, chia tay sớm để khỏi phải giải tán về sau. 

Cái 1, tức nghĩ bản thân, ích kỷ, sẽ dẫn đến phết phẩy ma lanh. Cái 2, tức thiếu tính kỷ luật, sẽ không đạt được mục tiêu. Công ty của bạn anh, anh nói trước sau gì cũng đóng cửa mà không tin. Vì có 3 anh trong HĐQT, hẹn họp lúc 3h chiều. Một anh đến đúng giờ, một anh đến lúc 3h30, một anh đến lúc 4h. Anh đi đúng giờ thì có tiệc lúc 4h30, nên khi anh thứ 3 đến thì anh thứ nhất phải đi. Sau khi ngồi chờ 1h không biết làm gì, anh thứ 3 đã ăn cắp của anh thứ nhất 1h đồng hồ, anh thứ 2 ăn cắp của anh thứ nhất 30 phút. Và đúng như anh dự đoán, công ty họ đã giải tán. Vì không bàn bạc được với nhau, do 3 lần hẹn họp, không họp được.

“Mistake acceptable, but never accept the same mistake”. Lỗi lầm lần 1 thì mình mổ xẻ, phân tích nguyên nhân, nhắc nhở và bỏ qua. Phạm lần thứ 2 là cảnh cáo, phạm lần thứ 3 thì nên chia tay. Vì lần 1, đã nhắc nhở họ vẫn không rút ra được, một là ngu quá, không hiểu vấn đề, hai là cố tình vi phạm. Lần 2 vi phạm là do thói quen cũ, thôi cho 1 lần nữa. Dù đã cảnh cáo vẫn vi phạm lần 3, thì thôi, nên chia tay. Trong hôn nhân, trong bạn bè, trong kinh doanh, trong mọi quan hệ, the same mistake lần thứ 3 thì không nên tha thứ.

Lần 1 bỏ qua vì chúng ta không nên hẹp hòi
Lần 2 bỏ qua vì chúng ta cần có sự bao dung
Lần 3 không được bỏ qua vì đó là sự xuề xòa, hại người khác. 

Mình cứ nghĩ mình tốt, mình thiện, mình bỏ qua lỗi lầm của người ta, thực ra là mình rất ác, vì mình hại người đó. Vì người đó sẽ cảm thấy là lần thứ 4, thứ 5….cứ vi phạm thoải mái, rồi cũng sẽ bỏ qua. Rồi thành bản chất, không sửa được. 

Thiện không đúng chỗ, là ác. 
Ác đúng chỗ, là thiện.

Đây là thư cuối cùng của anh về vấn đề này. Nếu em có đi trễ lần tiếp theo thì tự động đến phòng nhân sự nhận hồ sơ đi về. Mọi vị trí đều có thể thay thế. Mọi kinh nghiệm đều có thể đào tạo. 

Ở công ty này, không chấp nhận người vô kỷ luật làm việc. Anh không muốn đóng cửa công ty. Cố tình vi phạm là phá hoại, nên loại trừ sớm. 

A Tony



Nov 22, 2014

Thư cô giáo Hằng

“Chào bạn, mình xin tự giới thiệu mình tên Hằng, một cô giáo vùng cao của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. 

Qua facebook của bạn bè mình biết bạn đang có chương trình thiện nguyện tại các huyện nghèo của các tỉnh miền núi phía Bắc, vậy mình xin khái quát qua tình hình khó khăn của đồng bào các dân tộc vùng cao huyện Hà Quảng để các bạn xem xét giúp đỡ.

Hà Quảng là huyện vùng cao nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Cao Bằng, diện tích của huyện là 45.000 ha với 2/3 diện tích là núi đá, có đường biên giới dài giáp với Trung Quốc, có 13 xã chủ yếu là đồng bào Mông, Dao, Nùng sinh sống. Vùng này rất khó khăn về nước sinh hoạt, mùa khô phải đi bộ vài km để gánh nước, đất núi đá cằn cỗi chỉ trồng được cây ngô. Đường giao thông đi lại khó khăn, có những xóm phải đi bộ cả nửa ngày mới đến được. Khí hậu vùng cao khắc nghiệt, quanh năm mây mù bao phủ, rét buốt, học sinh của mình mùa đông đến trường ngồi học mà cứ run cầm cập. Vì điều kiện khó khăn như vậy nên các em thường xuyên bỏ học, mình phải đến tận nhà các em vận động, đến nhà các em rồi mới thấy các em sống khổ cực như thế nào. Gọi là nhà nhưng thực ra là những túp lều được quây lại bởi những cây nhỏ, có nhà thì vách đất lở gần hết gió lùa lạnh thấu xương, bên trong nhà trống trơn chẳng có gì giá trị.

Mình gửi các bạn xem căn nhà khá nhất của xóm so với những ngôi nhà khác mình không chụp được (trong page). Mình hi vọng chương trình kinh doanh nông sản Việt mua áo ấm cho các bạn nhỏ ở đây được thành công tốt đẹp. Mời các bạn hãy đến và giúp đỡ họ, giúp đỡ những người bám đất, bám biên cương góp phần bảo vệ đường biên mốc của tổ quốc mình”.

TnBS
Gửi cô giáo Hằng, nhóm đã lên kế hoạch kinh doanh và sẽ liên hệ lại với bạn để có số áo ấm sẽ gửi lên mùa đông này. Và Tony cũng sẽ sắp xếp thời gian đi cùng với các bạn lên thăm cô, thăm các em. Hy vọng là sẽ tìm được một số đặc sản hoặc sản phẩm của huyện mình về kinh doanh dưới miền xuôi, tạo đầu ra để bà con huyện mình sản xuất trồng trọt chăn nuôi thật nhiều nữa. Và năm sau, cha mẹ các em có thể tự mua áo ấm cho các em.

To độc giả: Các bạn bấm like trang này nhé, bấm like để cập nhật các chương trình của đội, tích cực mua hàng giùm các bạn. Và khi nào team này đủ tiền tặng áo ấm cho các em trường cô giáo Hằng, team sẽ thông báo chuyến đi Hà Quảng, và các bạn có thể đi cùng. Có thể Tony là chàng trai thiệt khôi ngô ngồi cạnh bạn mà bạn hẻm biết. Đường dù xa, dù gập ghềnh nhưng dựa vai vào 1 hành khách đẹp trai như rứa thì cũng sướng…

Nov 21, 2014

Một cánh thư Xín Mần

“Gửi dượng,

Như tinh thần dượng chỉ cho cách làm từ thiện, nhóm con bốc thăm trúng Xín Mần, 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước. Và ngay lập tức, bọn con lên kế hoạch kinh doanh để gây quỹ mang áo ấm đến cho các em huyện này. Và con được cử đi tiền trạm, chọn một trường tiểu học trên một ngọn núi cao cheo leo nhất để hỗ trợ. 

Con đang ngồi ở đây, xung quanh chập chùng núi đá tai mèo và sương giăng trắng xóa. Từ tp Hà Giang, đi khoảng 150km nữa mới đến Xín Mần, đường cua tay áo, tốc độ di chuyển chỉ 25 km/h. Gió rít từng cơn lạnh thấu xương. 

Trước mắt, tụi con sẽ nhận nhiệm vụ gửi 300 chiếc áo ấm lên cho các bạn học sinh ở huyện, đầu tiên sẽ là trường tiểu học xã Trung Thịnh. Tụi con vào gặp thầy Dương, hiệu phó nhà trường. Câu chuyện cứ ngắt quãng, trầm ngâm vì sự xúc động của thầy. Con hỏi thầy ngày nhà giáo thầy có vui không, bất ngờ khi nghe thầy nói, rằng 16 năm đi dạy, thầy chưa bao giờ nhận được bông hoa nào. “Học trò ở đây nghèo quá, đất toàn đá tai mèo, có 1 hốc đất nhỏ xíu nào đó, nơi đó sẽ là một cây ngô để có cái mà ăn. Nên không có chỗ để trồng hoa, bạn ạ”. Con chợt thấy tim mình thắt lại, thấy cảm phục vì họ đã chọn một cái nghề thiêng liêng, cái gì đã khiến những giáo sinh sư phạm đã chọn nghề giáo nơi biên cương lạnh lẽo như thế này, nếu không phải là “ánh mắt học trò là áo ấm mùa đông”? 

(Con T, nhóm tình nguyện Xín Mần, Hà Giang)

TnBS: 
To T: Dượng đã đến Xín Mần Hà Giang. Khi ra về, lên xe dượng vẫn cố nhìn lại. Không thể quên miền đất ấy. Xa xôi quá, cách trở quá. Giờ dượng đọc thư các bạn, mắt vẫn còn cay…

To Các độc giả của TnBS: nhờ các bạn bấm like trang này nhé. Ủng hộ giùm nông sản các bạn đang bán để hoàn thành chỉ tiêu 300 chiếc áo ấm mùa đông năm nay. Sau chuyến đi Hà Giang năm 2007, cứ mở tivi coi dự báo thời tiết, nghe những khối khí lạnh vẫn cứ tràn về, Tony biết nơi biên cương ấy lạnh lắm. Mùa đông năm nay, liệu có ấm hơn bởi lòng người miền xuôi?

"Nếu ai chưa đi Xín Mần sẽ không thể hình dung được con đường đi vào huyện ấy nó khó khăn như thế nào nếu chỉ nghe kể. Theo tôi nó còn kinh khủng hơn cả con đường từ Hà Giang đi lên cao nguyên đá Đồng Văn. Vào những nơi đấy rồi ngẫm lại thấy mình còn hạnh phúc lắm, trong cuộc sống sẽ biết nhìn xuống mà bớt nhìn lên cao. Mình thật trân trọng những tình cảm và lòng thiện nguyện của nhóm này. Nếu có dịp các bạn đi từ Sa Pa về Lào Cai theo cung đường đèo Ô Quy Hồ qua Y Tý, Dềnh Sáng, Mường Hum...thì bạn sẽ cảm nhận mình may mắn và có điều kiện sống tốt hơn rất nhiều người để từ đó mà phấn đấu, không than thở chán đời, hay cay nghiệt với cuộc sống như nhiều người trẻ mình gặp." - Uyen Kim

Thông báo số... Tuyển dụng

Công ty tư nhân ở Hà Nội cần tuyển 1 nam, 1 nữ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Điều kiện:
  • Yêu thích việc giao tiếp, đi lại, hát hò, 
  • Tốt nghiệp bất cứ ĐH hay cao đẳng nào, bất cứ hệ nào vì công ty sẽ đào tạo lại.
  • Có gương mặt thanh tú, dáng vóc thanh thoát nhanh nhẹn của người ĐANG chơi thể thao, tập thể dục thường xuyên. Không nhận thể loại ít vận động, cứ uống chè đút 2 tay vào đùi nói rét quá rét quá. 
  • Tiếng Anh: đọc và viết tốt là được. Nghe nói sẽ được đào tạo sau. 
  • Có văn hóa đọc sách. Không nhận thể loại thấy chữ là ớn vì vào làm việc, bạn ấy đánh vần để đọc xong 1 văn bản mất cả ngày, do đọc không quen.
  • Chỉ tuyển các bạn từng hoạt động công tác xã hội, từ thiện, tình nguyện, làm thêm trong thời gian sinh viên, biết quán xuyến việc nhà việc cửa…Không tuyển các bạn chỉ học và học dù thủ khoa á khoa vẫn từ chối phỏng vấn. 
  • Có khả năng cầm micro giảng giải 1 vấn đề trước đám đông mà không bị nhịu, bị Parkinson lẩy bẩy.
  • Chỉ tuyển các bạn không có văn hóa sĩ diện, vì vào công ty các bạn sẽ phải lau chùi dọn dẹp chỗ làm, cọ toilet của công ty, tự pha trà pha cà phê để sử dụng, tự đổ rác, tự tắt điện tắt các thiết bị và dọn dẹp chỗ làm trước khi ra về. Công ty không tuyển lao công nên mọi việc văn phòng mọi người chia nhau làm kể cả giám đốc.
  • Tinh thần kỷ luật: đúng giờ. Hết việc mới về. Không chat chit nhảm nhí trong giờ làm việc, không ma lanh phết phẩy, khôn vặt, tiểu nông, nhìn ngó người khác và văn hóa chỉ trích phê bình còn bản thân thì không bao giờ được ai nói đến vì tự ái lớn, cái tôi lớn.
Quyền lợi:

Thu nhập tốt, ngoài lương thưởng còn có hoa hồng trên hiệu quả công việc. Đi nước ngoài tham quan học tập 1 năm/lần. Tham gia các chương trình đào tạo thực tế về kỹ năng làm việc của các doanh nhân thật sự, không phải của các diễn giả. Việc nhiều và làm mãi không hết. Xây dựng phong cách làm việc đẳng cấp chuyên nghiệp nhanh nhẹn.

Liên hệ: trononghn@gmail.com để gửi C.V về để chúng tôi lựa chọn phỏng vấn. Bạn nào không đạt sẽ có email trả lời lại. Lưu ý ghi rõ: C/V của Nguyễn Văn X trên tiêu đề. 

Chào thân ái. 

(Đăng giùm đối tác, sẵn tiện các bạn trẻ coi tiêu chuẩn 1 nhân viên bây giờ để mà LUYỆN THI cho phù hợp)

Nhắn nhủ ông bà cha mẹ

To S,

Hôm nay dượng đi tỉnh, giờ về ghé villa de Tony. Khát nước tìm miết thì mới hay là cái bình nước bằng nhựa đã bị con làm hỏng, do rót nước sôi vào nên nó quéo lại. Kinh nghiệm chưa rút, sau đó con lại rót nước sôi vào cái bình thuỷ tinh dùng để uống nước cho cả nhà. Nó cũng bị nứt.

Rồi con cũng chẳng mua để lại. Bữa nay dượng tìm nước uống thì các bạn nói dượng rót từ trong ấm ra mà uống. Ly 4 cái vỡ 1 chỉ còn 3. Các bạn khác cũng lười nên tự ra ngoài mua nước suối về dùng, mỗi đứa một chai. Giờ dượng khát nước nên tụi nó mới nấu, vì quán đóng cửa rồi. 

Hỏi S đâu, tụi nó nói con ra Phan Thiết phụ một chị trong CLB con dượng sản xuất. Phụ trách sản xuất mới ghê.

Với cái bình 2 lần bị vỡ mà không rút kinh nghiệm, thì giúp được gì cho ai. Dù cử nhân thạc sĩ kỹ sư gì dượng không biết, quản lý cuộc sống như vậy thì làm gì.

Dượng ngồi chờ nước nóng nguội để mà uống, trong lòng thấy bất an vô cùng. Bạn Quốc C, một con dượng cũng ở Phan Thiết, sau khi bỏ việc văn phòng lương 5 triệu về quê khởi nghiệp chăn nuôi 1000 con gà, hôm trước vô gặp dượng với 1 ngón tay bị mất, nói con xay cá cho gà ăn, bất cẩn nên đút 1 ngón tay vào máy. Vì từ nhỏ, cha mẹ làm hết, không cho mó tay vô cái gì. 

Các ông cha bà mẹ, đừng hại con trẻ nữa !!!

Nov 20, 2014

Thông báo số... Tìm thuê mặt bằng làm showroom

Thông báo: Tìm thuê mặt bằng làm showroom cho các sp khởi nghiệp của Clb Con dượng tại Tp HCM

Hiện tại số lượng các bạn trẻ khởi nghiệp sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi của CLB khá nhiều, và đầu ra luôn là vấn đề lớn. Các bạn tình nguyện chỉ có thể bán hàng vào chủ nhật nên CLB cần thuê 1 căn nhà nguyên căn ở tp HCM và sẽ trưng bày hàng hoá cũng như bán tại chỗ theo mô hình cửa hàng tạp hoá hay siêu thị mini.

ĐK: ở các quận trung tâm như quận 1, 3, 5, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh...đường nhỏ, vắng càng tốt. Mặt tiền đường hoặc hẻm lớn xe hơi ra vào được. Giá thuê: khoảng 10- 20 triệu/ tháng, nhà riêng không ở chung với chủ nhà.

Email về sx.tnbs@gmail.com để chúng tôi đi khảo sát mặt bằng. Cám ơn các bạn

Nhóm sx CLB con dượng

Chọn bạn làm ăn (1)

100 bài dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70 
----------------------------------------------------------------------

Chắc các bạn từng đọc bài “Hùn hạp làm ăn”, cứ 3 anh A,B,C hợp tác sau vài năm, phần lớn tan vỡ không nhìn mặt nhau, chỉ còn 1 tỷ lệ nhỏ là thành công. Các bạn trẻ thấy ở ngoài xã hội có quá nhiều trường hợp như vậy nên sợ, thôi tự làm một mình. Nhưng nếu tự làm 1 mình thì sao đủ lực. Vốn cùng cần hùn. Sức cần hùn. Trí cần hùn. Chứ 1 mình thì không đi xa được. Vậy ai có thể chọn để hùn đây?

Trong tiếng Việt, hùn hạp là 1 từ hay. Hạp mới hùn. Nhưng hạp là 1 tính từ thay đổi theo thời gian, nay hạp, mai hết. Hết hạp thì cãi nhau. Nhiều bạn học, hồi đi học thấy hạp nhau quá, nên sau khi tốt nghiệp thì rủ nhau làm ăn. Vài ba năm tan vỡ, các buổi họp lớp từ đó không đầy đủ nữa.

Các bạn còn nhớ chuyện Tony giải tán nhóm kinh doanh chứ? Vì nhiều bạn trong đó chưa chi đã đòi chia lãi. Người này đòi phần hơn người kia. Như vậy, việc “CHỈ NGHĨ ĐẾN LỢI ÍCH CÁ NHÂN” là điều kiện đầu tiên để mình nhận ra người không nên hùn hạp. Kiểu người tiểu nông, “đèn nhà ai nấy rạng, gió chiều nào che chiều ấy” thì cà phê cà pháo cho vui, TUYỆT ĐỐI không hợp tác làm ăn.

Đặc trưng của nhóm này là sẵn sàng xé rào để được việc. Nếu kẹt xe, họ sẵn sàng chạy trên lề để nhanh hơn người khác. Xếp hàng, sẵn sàng chen ngang để mình được phục vụ nhanh hơn. Cái gì của chung họ cũng tha về cho gia đình họ, bất chấp đạp đổ cổng trường để con họ có 1 suất học tốt hay giật đồ cúng trên bàn thờ đức thánh Trần để có “lộc làm ăn”, hay đem hết hoa ở Bờ Hồ về nhà. Cứ miễn phí là họ mò đến, cái gì tốn tiền tốn công thì họ biến mất. Cứ quyền lợi là tranh giành còn nghĩa vụ thì “tôi không ngu”. Hợp tác với người này, tan vỡ là SỰ HIỂN NHIÊN. Nên trong hội đồng quản trị có thể loại này, thì giải tán cho xong, hoặc mình rút lui thật sớm. 

Vậy yếu tố đầu tiên để nhận lời hùn hạp làm ăn là sự HÀO SẢNG của người rủ. Hào sảng là sự cho đi không toan tính. Hào sảng là sự chịu chơi, chơi đẹp mà không vì mục đích sĩ diện (có một số người cũng giả vờ hào sảng nhưng cốt là để lấy được sự nể trọng của người khác). Các bạn trong đội tình nguyện là một dạng người hào sảng. Vì các bạn sẵn sàng thức nguyên đêm thứ 7 để chuẩn bị chủ nhật bán hàng, tiền lãi dành mua áo ấm cho em nhỏ vùng cao chẳng hạn, thì đây là người có thể hy sinh lợi ích cá nhân vì người khác. Nên các bạn có thể làm ăn với nhau. Lưu ý chữ CÓ THỂ, vì còn thiếu 1 ĐK nữa là ĐK đủ, sẽ nói ở bài sau. 

Còn với ai suy nghĩ “có điên mới làm cho thằng khác ăn”, thì phải tránh thật xa. Họ không nghĩ về người khác, không nghĩ cho người khác, thì họ sẽ tư lợi khi không ai kiểm soát. Họ sẽ vượt đèn đỏ khi không có cảnh sát giao thông. Họ sẽ quay bài khi không có giám thị. Họ sẽ đút túi 1 quả ớt khi chị bán rau mãi đếm tiền. Họ sẽ nói dối ngay để được lợi cho mình. Họ sẽ lấy tiền công ty cho chi tiêu cá nhân. Công ty cấp cho họ 1 số ĐT để liên lạc công việc, họ dùng để gọi việc cá nhân, dù họ có 1 số ĐT riêng nữa. Việc này không vặt vãnh tí nào, nó thể hiện cái nhập nhèm của mấy đứa tào lao bí đao. Công ty nào có thành phần đó trong hội đồng sáng lập, công ty đó sẽ đóng cửa, dù sớm hay muộn.

Đây là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ, các bạn theo dõi ở bài 2. Bạn trẻ đọc lại và học thuộc bài 1 trước khi học bài 2 nhé.



Nov 19, 2014

Lời tri ân của TnBS

Dù mai mới là ngày hiến chương nhà giáo, nhưng mai Tony có việc đi thăm ruộng, nên có thể không online, chỉ có admin ở nhà share bài lên, nên hôm nay thông qua page TnBS, Tony muốn gửi đến tất cả các thầy cô của mình lời biết ơn chân thành. Và kính gửi đến những người làm nghề giáo một lời chúc sức khỏe, bình an. 

Để đến ngày hôm nay, chúng mình đều có rất nhiều người thầy. Có những người thầy chỉ dạy 1 tiết, một ngày, 1 tuần, 1 năm…, có những người thầy trên lớp và cũng có những người thầy ngoài đời. Chúng ta mãi mãi biết ơn họ, trong sâu thẳm lòng mình chứ không phải đến ngày 20/11 mới biết ơn. 20/11 chỉ là 1 cái mốc để chúng ta tri ân. Con người vốn dĩ quá nhiều quan hệ, 365 ngày, chúng ta có thể có 365 ngày đáng nhớ khác nhau, sinh nhật của mình, của gia đình người thân, ngày tết, giỗ chạp, kỷ niệm cái này cái kia…

Có bạn nói chúng ta quá nhiều thầy dạy dỗ, nên chẳng biết thăm ai bỏ ai. Tony nghĩ là các bạn nên có 1 người thầy nào đó, ít nhất trong cuộc đời phải có một ông thầy. Đời thật bất hạnh khi bạn không có người thầy nào để nhớ về.

Mỗi bước chân bạn bước ra đời, đều thấp thoáng sau lưng hình bóng 1 ông thầy, dù thầy dạy chữ hay dạy nghề, dạy việc. Tình cảm này thiêng liêng lắm. 

Tony cũng xin cám ơn các anh chị trong tổ tư vấn đã nhận lời dạy nhóm Gánh Rau ra chợ Tây, đã chỉ cho các bạn trẻ để biết cách marketing nông sản Việt ra thế giới bên ngoài. Có anh chị ở tỉnh thành khác đã tự bỏ vé máy bay/chi phí đến tp HCM dạy rồi về, hình ảnh ấy thật là cảm động. Các anh chị đã là thầy của các bạn trẻ, của Tony.

TnBS



Áo ấm mùa đông: Huyện Tây Giang

Tây Giang là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Nam, nằm trên đại ngàn Trường Sơn, giáp Lào. Hiện các bạn trẻ của Tp Đà Nẵng có chương trình áo ấm mùa đông cho các em học sinh ở các xã xa xôi nhất của huyện này. Các bạn đang liên hệ với phòng giáo dục huyện để xin danh sách các học sinh ở một trường tiểu học nào đó, để chuẩn bị áo ấm gửi lên cho các em.

Các bạn trẻ muốn làm từ thiện, Tony có cách làm này muốn chia sẻ. Đó là việc các bạn nên bỏ sức lao động ra để gây quỹ. Cuối tuần và các dịp lễ tết, các bạn có thể kinh doanh các Sp khởi nghiệp của CLB con dượng, hiện đã sx và bí đầu ra. Mình đem bán để gây quỹ là cách tốt nhất chứ xin tiền quyên góp, ủng hộ thì phải có uy tín lớn, mà xin thì lúc nào cũng khó hơn là tự làm. Vì xin thì phụ thuộc người khác, còn làm thì phụ thuộc chủ yếu năng lực và ý chí của mình. Mình giỏi thì tiền nhiều. Mình dở thì tiền ít. Nhiều giúp được nhiều. Ít giúp được ít.

Tony còn yêu cầu các bạn mang nông sản huyện Tây Giang về Đà Nẵng bán. Những đặc sản Tây Giang như mật ong, măng tre, ớt đại bàng (do đại bàng ỉa mà tự nhiên lớn lên thành cây ớt, thơm ngon vô cùng), rau bẹm, cá suối, gà đồi, mít non, …Vì đây sẽ là cách tốt nhất để các bạn từ thiện, vì không thể cho cá mãi. Năm nay các bạn cho áo, năm sau áo sẽ rách, các bạn lại lên cho, mệt lắm. Các bạn cứ tìm đầu ra cho bà con nông dân huyện ấy, thì bố mẹ của các em nhỏ sẽ nuôi thêm gà, trồng thêm cây…năm sau họ sẽ tự mình kiếm tiền mua áo ấm cho các em. Mình đi lo cho huyện khác nữa. 

Bà con Đà Nẵng ủng hộ các bạn trẻ nhé. Hôm nay nhiều bạn xin phép nghỉ học/nghỉ làm 1 buổi để bán hàng cho 20/11, toàn bộ tiền sẽ mua áo ấm cho trẻ em huyện Tây Giang. Các bạn xem hình để biết địa điểm bán và số ĐT liên hệ.

Dù đường sá đi lại cách trở, nhưng trong lòng người dân miền xuôi, Tây Giang đã không còn xa…



Nov 18, 2014

Thông báo số... Tuyển dụng Gánh rau ra chợ Tây

Team Gánh Rau ra chợ Thế Giới ở Hà Nội cần tuyển thêm 1 thành viên nữa (hiện chỉ có 4 thành viên nhưng quá nhiều việc cần làm).

ĐK: Tốt nghiệp ĐH các nước nói tiếng Anh, hoặc nếu học trong nước thì điểm IELTS đạt 7.5 trở lên (TOEFL iBT 100). Nhiệt tình, rảnh vào cuối tuần (thứ 7-CN) và có thể online vào ban đêm. Có tinh thần “thổi tù và” cao, nghĩ cho người khác, không ích kỷ cá nhân, tính tình phóng khoáng hào sảng, trung thực, chính trực. Ngoại hình cao ráo sáng sủa, có thể dục thể thao để làm việc nhanh nhẹn. Nụ cười lúc nào cũng phải thường trực trên môi, tính tình lúc nào cũng vui vẻ nhã nhặn.

Nhiệm vụ: xúc tiến thương mại, giúp các doanh nghiệp mới khởi nghiệp về chế biến nông sản của VN xuất khẩu đi các nước. Làm việc hoàn toàn tự nguyện, tự bỏ chi phí để làm các việc này, không có lợi lộc cá nhân gì cả. 

Các bạn đạt yêu cầu trên gửi email kèm C/V và chứng chỉ ngoại ngữ về export.tnbs@gmail.com để chúng tôi phỏng vấn bạn. 

Cám ơn đã đọc tin.

Một lá thư từ nước Úc

"Gửi dượng Tony

Con là P, nhóm Marketing nông sản quốc tế mà dượng đặt tên là nhóm "Gánh rau ra chợ Thế giới". Hôm nay nhận được đề bài của dượng nêu ý kiến về câu “Văn minh nào có khó gì. Nhận thì phải nhớ, cho thì phải quên”, con xin được gửi bài viết ngắn gọn của mình như sau:

18 tuổi là cái tuổi đẹp nhất của đời người – giàu sức trẻ, hoài bão và ước mơ. Ở các nước Âu Mĩ, 18 là cái tuổi phải xa gia đình, sống cuộc sống tự lập, tự trang trải cuộc sống. Con cũng thế, năm con 18, con một thân một mình đến nước Úc này, bắt đầu một một cuộc sống mới. 

Bây giờ ngồi nghĩ lại. Con đã nhận từ Việt Nam một quê hương, một tiếng nói.

Con đã nhận từ ba mẹ một hình hài, một cái tên và cả một sự hi sinh to lớn. 

Con đã nhận từ Ngoại con một tình thương vô bờ bến, một sự chăm sóc rất đỗi dịu dàng những năm con còn nhỏ.

Con đã nhận từ em gái, một sự nhường nhịn, một sự thương yêu của tình máu mủ ruột rà.

Con đã nhận từ thầy cô là chữ nghĩa. Con đã nhận từ bạn bè những phút giây thân ái vui vẻ bên nhau.

Con đã nhận và nhận nhiều lắm, mà có khi con không nhớ.

Vậy con đã cho những gì? 

Con thật sự chưa cho những gì cả. Đã vậy con còn mong muốn nhiều hơn. 

Cảm ơn dượng về đề văn đã giúp con nhận ra được quá trình ích kỷ hóa của mình diễn ra như thế nào. Năm nay con 22 tuổi, cũng còn trẻ, đầy hoài bão và ước mơ. Song, vẫn như cậu bé chỉ biết vô tự nhận mà không màng suy nghĩ gì. 

Giờ đã là lúc con nhìn lại mình. Con nghĩ mình quá bé nhỏ để có thể chia sẻ nỗi khó khăn của cả đất nước, nhưng con có thể chia sẻ những khó khăn của những người sống quanh mình. Từng bước, từng bước, con sẽ văn minh. 

Con, P"



Nov 17, 2014

Một lá thư Phoenix

Con tên là C, hiện đang là học viên phi công dân sự đang huấn luyện ở Phoenix, Arizona, US. Con xin cám ơn Dựơng đã dạy cho thế hệ trẻ tụi con những bài học thực tế về cuộc sống, tư duy, tầm nhìn và cả trách nhiệm về tương lai đất nước nữa ah. Con đã học hỏi, sửa đổi, phấn đấu để không nhỏ nhặt tiểu nông nữa. 

Kính thưa Dượng, con đã đọc bài: "Tôi ôm con sáo bé bỏng cuả tôi...." và lần nào cũng khóc. Hình ảnh của cha và con và những ước mơ nhìn những chiếc máy bay trên bầu trời đêm ở cái miền quê nghèo ấy thật sự chạm vào tận đáy trái tim con. Ba con cũng là 1 kỹ sư hoá học và từng mở xưởng làm đất đèn, acetylene, nhưng với tai nạn khi sản xuất ở 1 xưởng gần đó làm cả xưởng của ba con phá sản, từ đó ba con rất buồn. Sau này ba con chỉ đi làm cho bạn bè của ba và cộng với số tiền lương giáo viên dạy cấp 1 của mẹ con dành dụm, chỉ đủ nuôi cho anh em con ăn học nên người. Con cũng đã bắt đầu đi làm thêm ngay sau khi con vừa tốt nghiệp lớp 12, đồng lương đầu tiên con kiếm đựơc là 1 triệu đồng.

Con vẫn còn nhớ khi con đắn đo chia sẻ với mẹ con dự định tạm hoãn việc học để đi thi tuyển phi công, đậu và đi huấn luyện ở Nha Trang. Theo dự tính của con thì đi học bay về con vẫn tiếp tục vừa bay và vừa học. Nhưng vì chính sách thay đổi và chờ chủ trương mới, đến khi con đi học bên đây đã mất gần 3 năm rồi, dự kiến năm sau là tốt nghiệp. Hiện tại con đang cần một khoản tiền để tiếp tục việc học, nhưng đặc trưng của nghề phi công không cho phép con ra ngoài làm thêm. Ba mẹ con kêu bán nhà nhưng người ta trả giá rẻ quá dượng ơi, vì mặc dù năm trong chung cư cũ nhưng nhà con làm nội thất khá nhiều tiền nên trông rất mới. Con biết việc mình đã 18 tuổi mà vẫn còn xin tiền cha mẹ là sai, nhưng đặc thù nghề phi công khiến con không biết có giải pháp nào khác. Nên lòng con, tự hứa thôi mình vay ba mẹ căn nhà, ăn học xong trở về đi làm rồi kiếm tiền trả lại. Con viết thư này nhờ dượng đăng giùm xem ai ở tp HCM cần nhà thì báo con biết. 

Dượng ơi, con xin phép được hứa, bằng danh dự của một phi công trong tương lai, con chắc chắn mình sẽ có công ăn việc làm ổn định và giúp ích cho những người khó khăn xung quanh con. Con sẽ giúp các bạn trẻ đi sau con có hoàn cảnh giống con muốn học hành… vì cũng như tuổi thơ của dượng, con đã ở trong hoàn cảnh khó khăn rồi nên con rất hiểu và sẽ đóng góp lại cho cộng đồng.

Con xin thề lời thề danh dự những gì con viết trên đây là đúng sự thật. Con xin đính kèm trong email của con tất cả giấy tờ liên quan đến việc học của con. Thực sự con rất đắn đo và lo lắng và cuối cùng quyết tâm viết e-mail dài này gửi đến Dượng. Với tất cả niềm hi vọng của con. 

Con chợt nghĩ sau này, vào những đêm sao, khi con đang lái máy bay, dưới mặt đất xanh thẫm kia vẫn có những cậu bé Tony nằm trước sân nhìn lên ngắm chiếc máy bay của con và mơ về những chân trời xa. Con chỉ biết hứa lòng mình, con có thể có may mắn hoàn thành nốt một năm còn lại để giấc mơ bay không xa vời với mình, nhưng cũng có thể không còn cơ hội. Nhưng dù làm gì, con vẫn sẽ mãi là người tử tế, có tâm sáng và biết yêu thương người, biết cho đi, đặc biệt là những đứa trẻ vùng sâu vùng xa. Con sẽ là một người con trai mạnh mẽ giữa cuộc đời, một công dân có ích của đất nước mình, mãi mãi là như vậy.

Trời Phoenix đã tối, phố đã lên đèn, con học hành ở đây nhưng lòng vẫn nhớ dải đất hình chữ S ấy, nơi có ba mẹ con, có đồng bào con đang đợi sức trẻ mình về để đóng góp với quê hương. 

Một con dượng.




P/S: 
- Nhà bạn C: http://m.chotot.vn/ad?id=11792400
- Email bạn C: christiantran89@gmail.com

Nov 16, 2014

Thông báo số... Tuyển dụng đi bán phân

Một công ty phân bón của nước ngoài đang cần tuyển 2 nhân viên phát triển thị trường cho hãng ở Hà Nội, một nam, một nữ.

ĐK: - Tốt nghiệp cao đẳng ĐH ngành nông nghiệp hoặc sinh học, hoá học.
- Có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương (TOEFL iBT 70 điểm trở lên, TOEIC 800 trở lên), mọi bằng cấp về ngoại ngữ trong nước không được chấp nhận). 
- Chịu khó, có thể đi công tác xa liên tục trong phạm vi các tỉnh miền Bắc Việt Nam, họp hành ở Sài Gòn và nước ngoài.
- Tính tình chan hoà với bà con nông dân, gương mặt sáng, ăn nói tự tin, có thể thuyết trình hoặc đứng lớp mà không bị run, không nói nhịu. 
- Ham đọc sách, đọc tài liệu cả trăm trang trong vòng 1 ngày, có óc tổng hợp thông tin và báo cáo. Ham làm việc.
- Quan trọng nhất là có đạo đức ngời sáng, không nói tục chửi thề, không tiểu nông, không dối trá, không khôn vặt, cơ thể nhẹ nhàng thanh thoát của người trẻ ưa vận động. Tính tình hào sảng phóng khoáng và tươi vui xởi lởi của người trẻ văn minh, không gắt gỏng cáu giận đổ lỗi của nhóm người ích kỷ chỉ nghĩ về bản thân mình và lợi ích cá nhân của mình. 

=> Các bạn trẻ tuổi dưới 30 có khả năng, vui lòng gửi hồ sơ về trononghn@gmail.com. Lưu ý, hãng chỉ trả lời các email thoả mãn các điều kiện trên. 

TnBS đăng giùm, và nhắc nhở các bạn trẻ, muốn ra trường đi làm lương nghìn đô, thì tích luỹ các yếu tố trên. Không khó, cũng không dễ. Muốn, quyết tâm là được.

Nov 14, 2014

Bài 1: Chuyện nói

Trong xã hội mình, tồn tại một nhóm người mà người ta gọi là ăn nói vô duyên. Kiểu người này dân gian nó gọi là đồ "không duyên không dùng" gì hết. "Đồ con gái con lứa. Đồ đàn ông đàn ang". Họ nói xong, người nghe ngượng nghịu, lúng túng, không tham gia được vào câu chuyện, khiến sự giao tiếp đến chỗ bế tắc.

Thứ nhất là chuyện trình độ văn hóa. Mình phải phán đoán xem họ thuộc tuýp người học nhiều hay học ít mà có cách nói khác nhau. Gặp khách do điều kiện họ học hành không tới nơi tới chốn, mình đừng kể chuyện bằng cấp ra. Đừng đem kể về thành tích xưa em học đại học danh tiếng này đại học uy tín kia, lớp chuyên lớp chọn, em thi đại học mấy chục điểm, rồi chuyện bạn học, họp lớp, giảng đường ra nói làm người kia không biết góp chuyện thế nào. Còn với người có học, cũng phải hết sức khéo léo. Tâm lý ở Việt Nam là trường công thì được đánh giá cao hơn trường tư, tốt nghiệp trường đầu vào điểm cao thì được nể hơn trường có đầu vào thấp, nên người ta có khuynh hướng che giấu các trường học mà họ cho là không có giỏi, cốt cũng chút sĩ diện, con đừng ép.

Ví dụ dượng có lần gặp chị kia, chị học trường nào đó chắc cũng ít người biết. Dượng hỏi thì chị nói chị tốt nghiệp trường đại học Cà Mau, tức cùng trường với dượng. Cái dượng hỏi lại dạ vậy chị đồng môn với em rồi, học khóa mấy nhỉ, thấy chị ấp úng một hồi, nói hình như khóa năm 2000, chuyên về kinh tế mà dạy bằng tiếng Lào. Dượng nghe vậy biết là không phải rồi, nên thôi không hỏi nữa, chỉ nói dạ, chuyển chủ đề. Mình mà vặn vẹo thêm là làm gì trường này có khoa tiếng Lào, hay kiểu làm gì có khóa 2000, phải là K21, K22 chứ thì chỉ làm chị ấy quê. Quê thì khó huề. Nên con gặp ai nói tốt nghiệp trường nào đó mình biết, nếu mình hỏi chị biết thầy A, giảng đường B hay môn học C không, họ lúng túng nói kiểu hồi đó học nhiều lắm chả nhớ gì, thì thôi không hỏi nữa, nhé. Chuyển ngay chủ đề cho dượng. Con mà xoáy vô ép cho được thì một hồi lòi ra là chị tốt nghiệp Harvard, là trường không có nổi tiếng nên chỉ muốn giấu nhẹm đi. Con vui sướng biết bao vì tìm ra sự thật, nhưng cơ hội giao tiếp giữa con với chị ấy đến đây là kết thúc. Vì con vô duyên.

Thứ hai là con phải có óc quan sát. Trong giao tiếp con cố gắng để ý theo dõi, quan sát những điểm chung giữa mình và đối tượng giao tiếp, nói cái gì mà cả hai đều hào hứng tham gia nghe và nói. Khi ngồi cùng một bà lão không còn răng, con đừng mời bà nhai khô mực. Nói ngon lắm, ăn đi. Ủa sao răng bà rụng hết trơn vậy, chắc bà ít quánh răng phải hem. Coi răng con nè, đều tăm tắp. Bà lão sẽ nhổ bã trầu vào mặt con. Hay con đi đám ma, con chúc tang gia có một ngày tang lễ thật nhiều niềm vui, hay ăn mặc quần áo xanh đỏ tím hồng, đứng chụp hình tự sướng đăng lên facebook, nói với gia chủ chết thì thôi chứ gì đâu mà buồn dữ vậy, ai hổng chết, còn vừa nói vừa cắn hột dưa nhả đầy nhà, móc điện thoại ra cười nói xôn xao.....thì một lúc cả tang gia sẽ bối rối. Hay đi đám cưới thì con lao lên sân khấu, rên rỉ hát mấy bài nội dung toàn tan vỡ và chia tay. Một hồi là bị cô dâu chú rể rượt dí con chạy có cờ luôn. Ngồi uống cà phê với một nhóm bạn, con phải tìm điểm chung của tất cả mọi người để ai cũng có thể tham gia vô nói, chứ trong nhóm có một anh rành bóng đá, còn tất cả các chị còn lại thì chỉ biết nấu ăn, con hào hứng nói bóng đá với anh kia, mấy chị còn lại sẽ chán, muốn bỏ về. Nên người thông minh nhất là người tìm điểm chung nhiều nhất, rồi triển khai cho họ góp chuyện. Thật ra, cứ hai người con gặp ngoài đường bất kỳ, họ đều có điểm chung cả, tại con không biết nhận ra ấy thôi. Ví dụ, họ đều là người Việt Nam, đều biết tiếng Việt, đều đang đi xe máy, đều thích ăn cơm hơn ăn phở, đều đọc Tony Buổi Sáng v.v…Con chụp lấy khai thác liền, thế là mọi người đều rôm rả tham gia, giao tiếp sẽ đạt đến mức xuất sắc, ai nấy đều nhìn con, yêu mến, say mê.

Nhưng con cũng phải để ý tránh làm tổn thương hay tự ái cho người nghe khi đề cập đến điểm yếu của họ. Vừa giao tiếp vài câu, mình phải lanh lợi nhận ra điểm yếu của từng người để đưa vô danh mục các chủ đề nhạy cảm, phải lái qua đề tài khác nếu ai đó đề cập. Giả dụ trong nhóm ngồi uống cà phê đó, có một anh rất xấu trai, mà có một chị cứ mãi huyên thuyên về sự thanh tú của dượng, thì chắc chắn anh kia cũng mặc cảm, cũng có chút buồn nhẹ. Con nghe thấy thì lập tức lái chủ đề sang hướng khác ngay. Nói " dạ mấy anh chị hem biết chứ dượng Tony của con dạo này cũng xuống sắc rồi, À, mà cái bài viết về XYZ hôm bữa chị thấy hay hem, đọc xong em cũng muốn đi Hà Giang". Cái họ sẽ nói theo ý con vừa nói. Con rút kinh nghiệm nhé. Con chỉ đề cập chuyện ngoại hình của dượng khi đi cà phê với Alain Delon hay Lương Triều Vỹ.

Dượng



Nov 13, 2014

Chuyện cô giáo miền Lục Ngạn

Vải là tên dân dã của quả lệ chi, một trái cây đặc biệt. Ở Việt Nam, chỉ có khu vực đồng bằng sông Hồng là trồng có năng suất cao, các vùng khác trồng được nhưng quả rất bé hoặc không ra hoa. Huyện Thanh Hà/Chí Linh tỉnh Hải Dương và huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang là 3 vùng trồng quả này nhiều nhất và lệ chi ở đây có mùi vị hết sức độc đáo.

Khi nước ta còn Bắc thuộc, thời nhà Đường, người đẹp Dương Quý Phi rất thích ăn quả này. Cứ mỗi năm, khi quả lệ chi vừa ra quả nhỏ, hàng trăm phu đã phải bứng gốc với bầu đất rất to và khiêng đi, mất cả tháng mới đến được kinh đô Tây An (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc). Trên đường đi, mọi người đã phải che chắn nếu không nó sẽ rụng, và tưới nước để nó vẫn lớn. Đến nơi thì quả lệ chi đã chín đỏ, mọng nước và người đẹp họ Dương có thể thưởng lãm với Đường Minh Hoàng, lâu lâu nàng lén lút cho An Lộc Sơn 1 quả, An Lộc Sơn mừng quá nói hạo a, hạo a…

Lệ chi từ đó biến thành tên quốc tế, tiếng Hoa tiếng Anh tiếng Nhật gì cũng phát âm na ná lệ chi. Giống như quả Tu-Rên của Campuchia, nguồn gốc từ đây nên tiếng Anh cũng Durian, tiếng Việt là Sầu Riêng còn tiếng Hoa là Lưu Luyến Quả. Cây lệ chi hàng năm chỉ ra hoa 1 lần, và đồng loạt chín trong khoảng 2-3 tuần, nên việc bảo quản rất khó. Ngoài việc sấy khô thủ công, việc đầu tư nhà máy chế biến vải khó khả thi, vì không thể hoạt động chỉ trong 1 thời gian ngắn còn quanh năm đóng cửa. Nên quả lệ chi, dù thân phận hoàng tộc cao quý, phải chịu cảnh đổ đống hoặc nông dân để mặc gió lay rụng đầy gốc vườn. Năm nào, cứ được mùa vải, thì nông dân lại nước mắt như mưa. Vì đầu ra hầu như phụ thuộc vào bên kia biên giới, các hậu duệ của Dương Quý Phi lúc ăn ào ào, trái xanh cũng mua, có lúc nói nổi mụn hẻm ăn nữa, xe chở quả lệ chi nối đuôi dài ở cửa khẩu Tân Thanh…

Lúc đó, ở huyện Lục Ngạn nọ, bỗng xuất hiện một cô giáo (nghe giống chuyện cổ tích). Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, cô về quê và dạy hóa sinh ở một trường cấp 2. Hàng ngày đi dạy, cứ đến mùa, nhìn thấy những quả vải đổ đống bên đường, trong khi học trò của mình, tức con em các nông dân trồng vải lại nghèo xơ xác, cô quyết định phải làm 1 cái gì đó. Cô tìm tòi lại kiến thức đã học ở giảng đường, ép nước vải ra, hòa với mật ong, lên men để làm rượu, làm giấm. Sản phẩm đầu tay, cô đưa cho bạn bè đồng nghiệp dùng thử, ai cũng khen ngon. Thế rồi cô quyết định đầu tư lớn, mua nhiều thùng chứa về, vải đổ đống của bà con được cô mua lại, ép ra, và ủ sẵn. Bà con vui mừng vì giờ đây đã có thêm 1 kênh tiêu thụ khác. Những bông hoa lệ chi bạt ngàn cũng là điều kiện để ngành ong mật địa phương phát triển mạnh, lúc những quả lệ chi bắt đầu mọng đỏ thì những tổ ong cũng đầy mật ngọt. Cô kết hợp 2 món quà trời cho ấy, cộng với chút kiến thức của một cô giáo dạy hóa sinh, sự kiên trì và với tình yêu nông sản Việt một cách mãnh liệt, từ đó một loại giấm vải mang tên cô ra đời. 

Lần đầu tiên khi cô viết thư cho Tony giới thiệu sản phẩm, Tony ngỡ ngàng vì chưa nghe đến giấm vải bao giờ, hồi giờ toàn ăn giấm gạo, sau này có tiền thì ăn giấm táo, dấm dứa nhập khẩu. Sau khi dùng thử giấm của cô giáo, thì với Tony, không có loại giấm nào ngon hơn thế nữa. Muối tiêu hay muối rau răm, sau khi hòa chút giấm vải vào, thành món chấm cực ngon. Còn xà lách rau sống trộn dầu giấm, thì là món khoái khẩu hàng ngày của Tony. Giấm của cô giáo có vị chua thanh của vải, vị ngọt hậu của mật ong, và cả tình yêu thiêng liêng với mọi sản vật trời đất ban cho nước Việt. 

Tony dạo này rất bận, vì vụ Đông Xuân chính vụ, sức khỏe đã kém hẳn mấy phần, nét thanh tú cũng từ đó phôi phai. May mà nhờ mấy chai giấm của chị, Tony ăn uống được nhiều hơn, có sức khỏe mà làm việc. Dù rất bận nhưng Tony vẫn ráng 20 phút sáng nay để viết về cô, khi tháng 11, mùa hiến chương nhà giáo đang về.

Khi ở miệt Cần Thơ có một Tony đang ngồi vừa bán phân vừa viết những dòng chữ này, thì ở miền Lục Ngạn, có một cô giáo đang say sưa cắt nghĩa cho tụi nhỏ những phương trình phản ứng hóa học giản đơn, rồi tất tả về nhà mở từng thùng trông coi “con giấm”. Tony chợt nghĩ, nếu ở mỗi xã mỗi huyện của đất Việt mình, đều có ít nhất một người như cô giáo, thì nông sản của bà con sẽ không còn phải phập phồng nỗi lo được mùa mất giá nữa. Tony tặng cô thương hiệu Litvin, Lit là litchi, tên quốc tế của quả lệ chi, còn vin là vinegar, nghĩa là giấm, vin cũng có nghĩa là Vietnam, với hy vọng những Litvin của cô sẽ bay xa, thật xa.

Tháng 11. Gió mùa đông bắc bắt đầu rét mướt trên những quả đồi lệ chi ở Lục Ngạn. 

Tháng 11. Mùa hiến chương nhà giáo đang về.



  • Mong các bạn share nhiều vì 1 loại giấm duy có ở Vietnam.
  • Các bạn email về kinhdoanh.tnbs@gmail.com nếu làm đại lý. 
  • Ở TP HCM, liên hệ 0933-868713 để mua dùng thử nhé
  • Ở Hà Nội, các bạn ghé hội chợ Nông nghiệp quốc tế 2014
    Địa điểm: 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội (ngay ngã ba Hoàng Quốc Việt và Phạm Văn Đồng).
    Thời gian: từ 8h30 - 18h các ngày từ 14 đến 17/11/2014.
    Tên gian hàng: B38

Nov 12, 2014

Marketing theo kiểu Tony

Ai đã từng học qua môn Marketing căn bản đều biết đến Philip Kotler. Có lần, giáo sư Kotler sang dạy cho các doanh nghiệp Việt Nam biết làm thương hiệu. Trong lúc cao hứng, ông có đề nghị Việt Nam tìm 1 thương hiệu quốc gia, ví dụ như là cái nhà bếp của thế giới (kitchen of the world) chẳng hạn. Học trò ngồi dưới xôn xao, hay quá hay quá. Chưa nước nào nghĩ ra. Một Amazing Thailand hay một Truly Asia cũng chẳng thể sánh bằng. Rồi đây, thế giới sẽ biết tay ta. Muốn ăn thì thì lăn sang nước Việt. Mà cũng đúng, ẩm thực Việt Nam rất đặc biệt, nó là sự giao thoa giữa nhiều nền ẩm thực khác nhau, nên đối với phần lớn du khách trên thế giới, ẩm thực Việt không quá khó để họ có thể thưởng thức. 

Nghe đến đây, Tony liền bỏ học, chạy ra ngoài reo lên Eureka. Thì ra, anh ấy đã tìm được công thức làm giàu cho bản thân mình (xong mở bài)

Thân bài: Thật ra cái Tony nghĩ cũng chẳng có sáng tạo gì, kiểu xe công nông cải tiến từ quan điểm của thầy Philip. Tony nghĩ mình có thể mang thương hiệu "nhà tắm của thế giới" (bathroom of the world) được chăng? Thôi thì bố trí nhà tắm khắp nơi, từ sân bay bến cảng, đến cửa khẩu, nông thôn thành thị làng mạc phố xá ...đều có bảng hiệu "nhà tắm here". Khách vào ra gì cũng bắt tắm. Vừa ra khỏi sân bay, câu đầu tiên hướng dẫn viên du lịch hỏi là "mày tắm chưa?". Các tour du lịch rộn ràng với các chương trình tắm trọn gói. Tắm nắng rồi tắm mưa. Tắm sông rồi tắm suối, tắm hồ rồi tắm bể. Tắm khô rồi tắm bùn. Tắm hồ bơi, tắm sauna, tắm khoáng, tắm cao nguyên và tắm đồng bằng, tắm miền duyên hải và tắm nơi rẻo cao. Tắm trà xanh Thái Nguyên. Tắm cà phê Đắc Lắc. Tắm thanh long Phan Thiết. Nhà nhà tắm, người người tắm. 

Hòa chung không khí tắm táp đó, Tony mở công ty "Tắm Việt"- theo model cái gì cũng có chữ Việt ở phía sau. Hoa hậu Áo Tắm trong cuộc thi hoa hậu sẽ phụ trách mảng marketing. Đài truyền hình sẽ có chương trình gameshow ăn khách là "tắm với ngôi sao", cho khách mời và người chơi cùng tắm trong bể để khán giả coi, chứ giờ hết biết lấy trò gì thu hút khán giả màn ảnh nhỏ. Công ty Tắm Việt sẽ nổi tiếng với câu slogan " Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục cũng là đi tắm”. Đọc muốn trẹo lưỡi.

Sau đó thì Cổ phần ngay. Mời 1 vài thiên tài trong lĩnh vực đồn thổi cổ phiếu,1 ngày nghĩ ra 1 dự án. Lấn biển để xây nhà tắm lộ thiên, vừa lấn vừa tắm. Dự án tắm trên hồ thủy điện (nhớ lưu ý cẩn thận kẻo kẹt chân vào tua bin máy phát điện). Trồng cao su cũng có chương trình “tắm trong rừng cao su”. Đầu tư quốc tế để có chương trình trái phiếu "tắm đường thốt nốt Khơ Me”, "tắm với voi Lào". Mọi người mê tít mắt, mua khí thế, giá cổ phiếu cao ngất ngây.

Và thế là, Tony lại tha hồ đếm tiền trong nhà tắm! (2007)



Một lá thư quận 2

"Dear group Aoammuadong,

Mình có một lô khoảng 35 cái áo khoác nỉ cho bé gái, 126 áo khoác cho teen. Hàng này là hàng mới của công ty, xin gửi tặng group aoammuadong để có thể thay mặt bọn mình đưa số hàng này lên cho các em ở vùng cao. Vì sự nhiệt tình của các bạn, chúng tôi ủng hộ và không yêu cầu nêu tên ở đâu cả. Hàng hiện tại ở Quận 2, TPHCM. Chúc chương trình của các bạn thành công! Love Tony more than i can say ! 

Ng.H"

Tony: Cám ơn chị H. Hàng này sẽ chuyển ra Hà Nội để 200 bạn tình nguyện viên ở đấy giặt tẩy để có mùi thiệt thơm trước khi đưa lên miền núi. Mình thật sự muốn tặng ít thôi nhưng là quần áo mới để các bạn có một niềm vui tuổi thơ “được mặc đồ mới”, ai trải qua tuổi thơ khốn khó sẽ thấy cảm giác này được nhớ mãi suốt đời như thế nào. Nên sẵn tiện cám ơn nhiều bạn có ý định tặng đồ cũ nhưng nhóm mình xin không nhận, các bạn có thể tặng cho nhiều nhóm thiện nguyện khác.

Vì chị nói vậy nên nhóm không dám đưa tiền (vì quan niệm của nhóm là tự kinh doanh, tự kiếm tiền, tự làm tình nguyện) nên nhóm Tình Nguyện sẽ gửi lại chị vài kg cà chua ăn lấy thảo và 1 cuốn sách của Tony có số Seris 00001 (mong chị đừng đem bán đấu giá khiến Tony lại nước mắt lăn dài trên gương mặt thanh tú). Đây là cuốn đầu tiên nhà xuất bản gửi tặng tác giả và mình xin tặng lại bạn, chứ hẻm biết lấy gì tri ân nữa. 

Chào chị. 
Tony



Chuyện ở Davao

Davao là thành phố lớn nhất ở miền Nam Philippines tính về diện tích đất. Từ thủ đô Manila, bay gần 2h mới đến được. Đây là địa phương trồng chuối và dứa nổi tiếng, góp phần đưa Philippines trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về 2 loại nông sản này. Nếu bạn sang Nhật hay Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí ở siêu thị ở Việt Nam vẫn thấy bày bán. Chuối thì dài, to trông rất đẹp mắt, còn dứa ( thơm) thì đều quả nhìn cứ như là từ một dây chuyền sản xuất công nghiệp chứ không phải là nông sản. 

Davao có biển và núi. Mà thật ra ở Philippines chỗ nào chẳng là đảo và núi rừng. Nên ngồi trên núi vẫn ăn được hải sản tươi sống, đặc biệt món cá ngừ đại dương gói lá chuối nướng, hay canh nghêu nấu lá ớt thì thôi rồi. Các bạn có có món sinh tố xoài xanh, tức xoài xanh của mình, xay nhuyễn, có chút muối để hãm vị chua, quyện với vị đường và sữa, ngon như trên đời này chưa có loại sinh tố nào ngon hơn. Khu trung tâm tp Davao nhỏ, nhà cửa xen lẫn trong những cây dừa, cây xoài, cây chùm ngây, cây me ....xinh đẹp như là một thành phố công viên. Tuy không sạch sẽ lắm nhưng không xô bồ, náo nhiệt như thủ đô Manila. Davao có núi cao, có ngọn Apo cao nhất nước, có nhiều bãi biển đẹp, nghe nói du lịch cũng phát triển lắm. Trong mắt tụi Tây, bãi biển ở Đông Nam Á, đẹp nhất là ở Philippines. Tony thì không tới đó, vì đợt này đi có 2 ngày, gấp rồi về có việc, chứ thường là đi công tác ở đâu cũng tranh thủ 1 buổi hay 1 ngày thăm thú phong cảnh địa phương. Đối tác đưa Tony đi về phía Tây, sâu vào trong núi. Khu này tương đối heo hút, hầu như không có khách du lịch, chỉ là các thương nhân đến giao dịch làm ăn, hoặc mua nông sản hoặc cung cấp vật tư nông nghiệp như Tony, mới mò đến đây. 

Vì phải thị sát những nông trường trồng chuối và dứa nên Tony đi khá xa tỉnh lỵ Davao. Càng đi, dân cư càng thưa thớt, cứ khoảng vài ba chục km có 1 thị trấn nhỏ. Xe chạy ngang những quả núi trồng toàn chuối hay dứa từ dưới chân đến ngọn, mình ngạc nhiên mãi, nói sao trồng được hay thế. Đất đai cũng chẳng tốt, thấy toàn đất xám pha sỏi cát. Hỏi mới biết là có những công ty chuyên dịch vụ, với những chiếc máy xúc của Mỹ to đùng, đào rất sâu thành các hố để trồng. Rễ đâm sâu xuống tới 2 mét nên khỏi tưới nước, nên trời khô hạn vậy mà cây vẫn tốt tươi. Phân thuốc thì được phun xịt bằng máy cao áp bán kính tới vài trăm mét. Công ty dịch vụ còn nhập cả máy bay để phun xịt từ trên cao như các nông trang bên Mỹ vậy. Công nhân hàng ngày sẽ đi vệ sinh cây chuối hay dứa, bẻ bỏ hết chỉ chừa lại 1 cây con để sau này thay thế cây mẹ, giúp dồn sức cho việc ra quả, dẫn đến quả to, đều. Lịch làm đất, bón phân, tưới nước, .....thống nhất nên nông sản có kích cỡ đều nhau, không có chuyện phân loại đến mấy phẩm cấp như ở ta. Dứa có 2 loại, dùng để ăn tươi thì khoảng 1kg/ quả, còn dùng ép nước hay đóng hộp thì 2 kg/quả. Chuối cũng vậy, một buồng chuối ( tiếng Anh gọi là a bunch of bananas) có 8-10 nải chuối ( hands of bananas, chắc nải chuối giống bàn tay nên từ nải dịch qua tiếng Anh là hand, các bạn trẻ nắm các từ này để dịch những cụm từ như u nang buồng chuối hay chuối cả nải nhé...), một nải có khoảng 20 quả, có 4 loại chính là xanh, vàng nghệ, đỏ bầm và vàng chanh. Nhưng ko có loại nào ăn ngon như chuối VN. Những công ty đa quốc gia lớn của Nhật hay Hàn, Mỹ, châu Âu...đều đến đây thuê đất để làm, rồi tự bao tiêu sản phẩm. Nghe bạn kể, hồi đó thương nhân Phi đang bán cho khắp thế giới, cái bị thương nhân Trung Quốc chơi vố đau. Đầu tiên là thương nhân TQ qua đặt quan hệ, mua giá cao ngất. Thế là tụi Nhật, Hàn...không mua được nữa, dần dần họ chán, tự thuê đất trồng, còn nông sản do nông dân Phi trồng quy mô nhỏ lẻ đều xuất quaTrung Quốc cả. Vụ lùm xùm biển Đông, Trung Quốc ngưng nhập chuối của Philippines làm bọn họ điêu đứng hết mấy tháng, nhưng sau đó, họ đồng lòng đi mở thị trường khác, tránh phụ thuộc vào 1 thị trường. Sau đó Trung Quốc phải mở cửa trở lại, nhưng thương nhân Philippines giờ khôn, nói đưa tiền trước mới giao, chỉ chấp nhận thanh toán T.T advance( trả trước), 
họ liên kết với nhau, kiên quyết nói không với các hình thức thanh toán khác, không thì họ không bán. Chính vì vậy, hàng hoá đến cảng Thượng Hải, chính sách nhập chuối của Trung Quốc có thay đổi thế nào đi nữa thì thương nhân Trung Quốc mới là người thiệt hại.

Nhớ đêm đi vô núi để ngày mai phun khảo nghiệm loại phân bón mới, đối tác đưa Tony đi vào rừng. Đầu tiên là đường nhựa, cứ khoảng vài km có 1 chốt gọi là check point, có lính bồng súng đứng, mở cửa xe, rà soát bom mìn trên xe. Sau đó là đường đất, tối om, và không còn các trạm checkpoint nữa. Cái Tony cũng hoảng, vì trước đó cũng đã diễn ra các vụ bắt cóc thương nhân nước ngoài. Cái Tony lấy cái áo vải jean ra mặc vào, nói đối tác ai hỏi gì thì nói tao người Phi. Nói tao câm và điếc bẩm sinh nha, tụi đối tác cười hả hả, nói mày thông minh quá, vậy mà cũng nghĩ ra được. Vì trước đó, có mấy thương nhân nước ngoài vào khách sạn, trình hộ chiếu ra, người của khách sạn thông đồng, bắn tin ra ngoài cho bọn bắt cóc biết, tụi nó nửa đêm ập vào bắt đi, giả bộ bắn bùm chéo nhưng chả chết thằng bảo vệ nào. Tony đưa hộ chiếu cho anh bạn cầm, nói mày làm sao thì làm, tao phải an toàn. Nói vậy chứ trong lòng cũng bất an, vì ngó ngoài xe, thấy xung quanh đêm tối mịt mùng, những dáng núi cao sừng sững, con đường chạy giữa rừng hun hút, không một mái nhà, không một bóng đèn, chỉ có những chiếc xe tải chạy ngược lại. Thỉnh thoảng mới có một cây xăng, nhưng thanh toán bằng thẻ tự động như bên Mỹ, vì ở đấy đã xảy ra nhiều trường hợp cướp tiền mặt.


Xe ngừng lại ở một thị trấn nhỏ xíu giữa núi rừng hoang vu. Vào nhà nghỉ chắc là lớn nhất ở địa phương. Trên tường vẫn còn loang lổ những vết đạn của các lần chạm súng trước đó. Hai anh bảo vệ ra mở cửa xe, nhìn mình dò xét. Dưới ánh đèn neon mờ mờ, ông chủ nhà nghỉ hất hàm hỏi hỏi passport đâu, thấy cao to đẹp trai nên nghi là người nước ngoài, thằng kia nói không, thằng này người mình đó, bị câm và điếc tội nghiệp lắm. Cái ổng đòi ID card, tức chứng minh nhân dân, anh bạn lanh lợi nói nó cũng bị khùng khùng nên rớt mất cái cái miếng giấy để chứng minh là nhân dân rồi. Chứ sure nó là nhân dân. Tony cũng giả vờ ngây ngô liền, đưa tay hái hoa bắt bướm, gương mặt thanh tú lập tức chuyển qua trạng thái hoang dại. Ông chủ nhà nghỉ vẫn nhìn với ánh mắt nghi ngờ, vừa câm vừa điếc vừa ngáo ngơ đến nỗi giấy tờ tuỳ thân cũng rớt mất thì đến đây làm chi, thấy vậy, Tony lật đật bẻ viên sủi Upsa C bỏ vào ngậm trong họng, bọt trào ra khoé miệng trông thật tội nghiệp. 

Cái ông chủ hỏi ủa sao vậy, anh bạn Phi nói nó đói bụng đó, sùi bọt mép là lúc phải cho ăn, cho nó lên phòng đi. Ông tự nhiên thấy thương, nhìn mình ái ngại, kêu vợ ra lấy chuối ra đãi khách. Bà chủ từ nhà bếp chạy ra, nhìn sững sờ, đánh rơi dĩa chuối. Tony cũng há hốc mồm.

Trời ơi, Quỳnh

Chuyện Rủng Rỉnh

1. Tony có chị bạn, sau cả chục năm làm hướng dẫn viên du lịch, ớn quá, muốn đổi nghề. Cái Tony nói thôi, em chỉ cho chị làm 1 business về xuất nhập khẩu nha. Em có đối tác bên Trung Quốc đang làm lưỡi cưa cắt đá bằng kim cương nhân tạo, tức diamond saw blade, vì chỉ có diamond mới cắt được đá granite hay marble. Em làm phân bón, thuốc sâu, hóa chất, nhiều mảng quá rồi, thôi chị làm đi. Cái mình hướng dẫn chị ấy làm, đưa đi gặp khách ở Gia Lai Quy Nhơn Hà Nội, tức các nhà nhập khẩu để đàm phán thương mại chứ chị ấy gặp khách là ép shopping-thói quen của một hướng dẫn viên du lịch nước ta. 

Xong cái chị bắt tay vô làm. Một hôm nhà máy sản xuất Trung Quốc giao hàng trễ, mà khách bên này hối quá, nên Tony nói chị qua Trung Quốc đi, biết cơ ngơi nhà máy của người ta mà làm cho dễ. Xong cái chị lật đật xin visa đi qua bển, dắt ông chồng theo. Ông chồng người Anh. Còn chị thì cũng biết tiếng Anh. Mà đối tác A Lỉn và A Che, thì tiếng Anh viết được chứ nói hẻm được, sản phẩm của nền giáo dục Trung Quốc. Chị ấy bàn thôi chị em mình học tiếng Hoa cấp tốc đi, để chuẩn bị cho chuyến đi. Chỉ có mấy tuần phải đi nên học gấp. Lên mạng rao tùm lum mới kiếm được ông thầy. Ông này dễ thương lắm, nhận tới nhà dạy cho 2 chị em, chọn 2 tên tiếng Hoa để hạc cho dễ, chị ấy tự đặt là A Rủng còn Tony là A Rinh. Mỗi lần ổng tới, bắt ngồi chờ cả buổi, rồi chị mới gọi thầy tới rồi mày, qua hạc lẹ lên, để ổng chờ. Cái Tony mới phóng xe wave alpha từ Gò Vấp xuống Thái Văn Lung hạc. Ổng ban đầu cũng hẻm có hài lòng về thái độ của 2 đứa, nói sao kiêu sa chảnh chẹ quá. Sau đó thì thấy 2 chị em tung hứng vui quá nên thích thú, riết cái ghiền, ngày nào cũng đòi qua dạy. Gọi điện bữa nay A Rỉnh với A Rủng có rảnh hem, thầy qua dạy nha. Thầy nhớ 2 đứa quá hà. Cái mình nói, thầy cứ ngồi nhà chờ, rảnh tụi em gọi thì thầy chạy qua liền nha, kẻo tụi em đổi ý. Ổng ngồi chờ miết, ngày nào cũng ngồi chờ rồi nhắn tin bằng tiếng Hoa khỏe không, có gì vui không...nhưng mình biết chắc mẩm là ổng muốn qua dạy chứ không gì hết.

Lên đưa hết cái cặp của ổng cho lựa. Thích bài nào thì lấy ra bài đó ổng dạy cho. Có bữa hẻm hạc, nói tài liệu thầy soạn dở quá, thôi thầy dạy trong tờ catalogue siêu thị Metro nè. Cái ổng căng thẳng dạy nào bắp cải 8,000 đ/kg, nho Mỹ 50,000 đ/kg, toàn ăn uống nhảm nhí tào lao. Có bữa thì đang hạc nửa chừng nói thầy ơi, tụi em hạc nhiều nóng não quá, thèm ăn hột vịt lộn. Ổng nói đâu đưa tiền thầy đi mua cho. A Rủng đưa ổng 20 ngàn, ổng phóng xe như bay ra đầu đường, đem về 6 trứng, thối lại 2 ngàn. Mời ăn thì ổng nói ổng ăn chay trường, A Rủng giận, nói sao hồi nãy hẻm mua 4 trứng thôi, chứ thầy nghĩ tụi em sao ăn nổi mỗi đứa 3 trứng. Vừa ăn vừa xỉa xói, ổng ngồi cười ha hả. Biết ổng ăn chay nên A Rủng nói thôi giờ sau mỗi bữa, em sẽ nấu chè chuối cho thầy ăn, nhưng bớt hạc phí xuống nha. Nói giỡn mà ổng tưởng thiệt, ngồi buồn xo, nói 2 đứa là chủ doanh nghiệp thành đạt mà sao đối xử vậy. Dạy lúng túng nên phát âm sai hết mấy chữ, có vẻ muốn nghỉ. Cái mình nói tùy thầy thôi, hẻm dạy thì tụi em tự hạc, tụi em thông minh quá mà. Ổng sợ quá nói thầy nói giỡn chứ dạy chớ dạy chớ, miễn phí cũng dạy...

Còn đâu 2 ngày nữa lên đường nhưng từ vựng về đàm phán thương mại 2 đứa hẻm biết gì. Lo lắng quá, A Rủng hỏi thầy ơi, hôm nay hạc tiếng Hoa thương mại nha, thầy dạy giùm những từ như giao hàng, chiết khấu, thanh toán, container....đi chứ sao em biết qua bên kia nói gì với đối tác. Ổng lắc đầu nói, sao tui biết mấy từ đó, tui chuyên dạy cho mấy nhỏ lấy chồng Đài Loan mà. Chứ trên mạng, thầy rao dạy cấp tốc là để đi lấy chồng chứ làm ngoại thương phải bài bản chứ ai lại đi hạc cấp tốc.

Sau 1 tháng dùi mài kinh sử, thấy chị ấy chỉ có khả năng nói hết sức lưu loát những câu như " anh ơi em đang gội đầu", " chồng ơi em đói bụng", "cho tiền gửi về cho mẹ em ở quê" hay " anh ơi em có bầu rồi".

Chết. Đi đàm phán mua lưỡi cưa cắt đá mà.

2. Cái A Rủng cùng chồng khăn gói quả mướp đi sứ Tàu. Trước khi đi, công tác tổ chức chuỳnh bay ( tức chuẩn bị) hết sức nghiêm túc. Tony tiễn A Rủng đi, dặn nhớ đối đáp lượm liền và sắc sảo cho nó biết phương Nam không thiếu người tài sắc nha. Chị ấy nói Rỉnh à, em là người trên thông thiên văn, dưới tường địa chất, em chỉ cho chị đi. Cái mình ra sức nói những điển tích sử Tây sử Tàu, để chị sang bên kia mà uốn 3 tấc lưỡi nói hay như Trương Lương, cho tụi kia nể phục. Những câu hồi xưa coi cải lương thuộc lòng như " Họa hổ họa bị nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm" hay đọc sách mà biết được như " bất đáo trường thanh phi hảo hán", rồi đến thơ Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Tô Đông Pha gì cũng được A Rỉnh chuyển ngữ sang tiếng Hoa trang bị cho chị ấy. Ví dụ qua đó đi với đối tác, thấy trăng sẽ nói ngay " ngẩng đầu ngắm trăng sáng, cuối đầu nhớ cố hương". Hay thấy 1 đóa mẫu đơn sẽ đọc ngay thơ về hoa mẫu đơn của Lý Bạch, leo lên lầu ăn sủi cảo thì cũng đọc vang bài Hoàng Hạc Lâu. Hai chị em cuối tuần đi shopping mua đất mua nhà ở Bình Dương, ngồi xe cả tiếng không biết làm gì nên A Rỉnh còn tập cho A Rủng bẻo dèn ( tức biểu diễn) bài Yue Liang Dai Biao Wo De Xin ( tức bài ánh trăng kia nói hộ lòng em), từng do Đặng Lệ Quân ca. Qua đó nếu nó mời karaoke thì kêu mở bài này, vì thuộc lòng rồi nên cứ tự tin ca, chứ 1 chữ bẻ đôi A Rỉnh và A Rủng cũng hẻm biết, nhưng cầm micro là bẻo dèn ầm ầm cho tụi nó sợ.

A Rủng hết sức tự tin nên đi qua bển, tụi Tàu nể lắm. Vừa xuống sân bay đã bước đi với dáng vóc mà chị ấy cho là sang trọng, đi 2 bước lùi 1 bước ( giống nhảy Rumba). Áo bà ba hồng, quần đen, nón lá, trang điểm lem luốc, mở miệng nói tiếng Tàu, hẻm thèm nói tiếng Anh. Nói theo giáo trình của thầy hột vịt lộn nên tụi Tàu quấn quýt hỏi nị hạc tiếng Hoa ở đâu mà ngọt ngào quá. Lúc xe chạy ngang qua cầu, đối tác nói, đây là sông Trường Giang nè, A Rủng thất thanh kêu ngừng xe lại, bước ra đứng trên cầu và chỉ ngay xuống dòng sông, nói dõng dạc: " Trường Giang sóng sau xô sóng trước - Chang jiang hou lang tui qian lang) rồi leo lại lên xe, im lặng không nói thêm. Bọn Tàu say mê, nói ô kìa, xưa nay ra đứng trỏ tay chỉ xuống sông mà phán như vầy, chỉ có bậc anh hùng kỳ tài trong thiên hạ mà thôi. Gái phương Nam thiệt là tài giỏi và xinh đẹp. Chị liền xõa tóc che miệng nói Nả lì nả lì ( tức đâu dám đâu dám), y chang Tâm Tâm Như trong Hoàn Châu Cách Cách.

Tới khách sạn thì đã trưa. A Rủng nói với A Che ( đối tác Trung Quốc) là tao muốn đi xì thẩu ( tức gội đầu), trời nóng quá hà, hình rưa hình rưa. A Che nói hạo lơ hạo lơ, 2h tao qua đưa đi xì thẩu, mày nghỉ ngơi đi. Cái A Che kẹt công chuyện, 4h mới xong, nên mới gọi vô khách sạn để hẹn lại. Ông chồng người Anh bắt máy. Ông chồng sáng giờ bực mình rồi, vì thấy A Rủng nói toàn tiếng Tàu với đám kia, không hài lòng lắm vì ông không biết tiếng, không tham gia trò chuyện được. Lúc gọi, A Che, tiếng Anh lõm bõm, thấy Tây bắt máy nên sợ quá nói 1 tràng " Hi, please tell her, that at 4 o'clock, I and Mr Lin will come to the hotel together wash her hairs" rồi cúp cái rụp, sợ hỏi tiếp hẻm biết trả lời. Dân dốt tiếng Anh hay vậy, giành nói ào ào, vì sợ đối tác nói 1 cái là nghe không được. "Wash her hair" ý là đưa cô ấy đi gội đầu, vì không biết nói tiếng Anh chữ gội đầu ra làm sao. Ông chồng nổi cơn ghen tam bành. A Rủng vừa toilet ra thì bị vặn vẹo vì sao mới qua mà đối tác đã đòi tới khách sạn rửa lông cho bà? Mà together mới ghê. 

Trân sâu bu lẹo ( zhen shou bu liao)!



Thông báo số... Tham quan Phan Thiết

Các bạn tham quan Phan Thiết theo chương trình của một công ty du lịch, dự kiến chiều thứ 7 khởi hành ở Tp HCM lúc khoảng 1PM, đến Phan Thiết khoảng 5PM, tắm biển, nghỉ ở resort hay hotel nào đấy. Tối chơi vận động, ngắm biển, sáng hôm sau đi tham quan nhà máy nước ép Thanh Long Rồng Xanh, đơn vị vừa đoạt giải Khởi Nghiệp cùng TnBS. Ăn trưa và về lại Tp HCM khoảng 4-5h chiều. Chi phí sẽ căn cứ vào số lượng người đăng ký. Bạn muốn đi, điền thông tin vào form này

Đến hết hôm nay, chúng tôi sẽ tổng kết số người đi và sáng mai sẽ gọi từng bạn để thông báo lịch cụ thể và số tiền cụ thể. 

Thân mến, 
Đội tình nguyện TnBS

Nov 11, 2014

Thông báo số... Nhóm tình nguyện Áo ấm mùa đông

Nhóm “Ánh mắt học trò là áo ấm mùa đông” tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của nhiều độc giả ở mọi miền tổ quốc. Nhiều xí nghiệp dệt may xuất khẩu đã tặng áo bị lỗi mốt, bị lỗi may (mũi kim không đẹp để xuất khẩu vào các cửa hàng nghìn đô ở New York…) đã gửi tặng cho nhóm, đợt này các em ở miền cao tha hồ mà mặc đẹp như đi dạo phố Paris. Nhóm cũng chẳng biết lấy gì cảm tạ ngoài việc tặng lại cà chua và sách (vừa đọc sách vừa ăn cà chua, giờ cán bộ công nhân xí nghiệp may nào, da trầu quâu đẹp thâu là đẹp). Các bạn tiếp tục ủng hộ chúng tôi bằng cách email về aoammuadong.tnbs@gmail.com để ủng hộ quần áo mới nhé. 

Về tiền quyên góp, hiện nay chúng tôi chưa nhận tiền quyên góp vì nhận thấy vấn đề này khá nhạy cảm. Bản thân admin cũng từng nộp tiền vô 1 số nơi từ thiện nhưng đồng tiền của mình không đến được với đối tượng cần tặng. Nên nhóm chỉ bán hàng để nhận được tiền mặt. Có một số bạn đã mua cà chua/nấm mèo ủng hộ các bếp ăn từ thiện, họ chuyển 10 triệu và chúng tôi giao hàng vào mỗi chủ nhật để trừ dần. Các bạn có thể xem 1 email của nhóm để các bạn yên tâm là nhóm chúng tôi làm việc đàng hoàng. Vì thật sự sợ dượng Tony bóp… nên không ai trong nhóm dám phết phẩy ma lanh gì cả. Các bạn yên tâm. 

“Gửi anh/chị 
Thông tin về nông sản đã gửi tới các địa điểm, xin thông kê lại như sau:
  • Chùa Phật Quang - Kiên Giang: 60kg cà chua
  • Bệnh viên Đa khoa Kiên Giang: 100kg cà chua
  • Chùa Bảo Vân - tp Hồ Chí Minh; 80kg cà chua + 10kg nấm mèo (mộc nhĩ).
Tổng công: 240 kg Cà chua giá 8.000đ và 10 kg nấm mèo giá 160.000đ
Thành tiền: 240*8.000 + 10*160.000 = 3.520.000đ
Số tiền còn lại: 10.000.000 - 3.520.000đ = 6.480.000đ
Đính kèm: biên nhận của các cơ sở này.

Số tiền còn lại em sẽ tiếp tục chi cho việc mua nông sản, thực phẩm ủng hộ cho chương trình Bếp Yêu Thương vào tuần sau hoặc theo yêu cầu của anh chị (mua sách tặng ai, mua nông sản gửi cho ai… Nguyễn Hữu Tùng, Ivan Tung”

Nhóm Tình Nguyện + Áo ấm Mùa Đông TnBS