Các bạn Mỹ của Tony hay hỏi, ở Đông Nam Á, nếu phải chọn 1 nơi để đi tham quan, thì nên đi đâu. Tony trả lời, it should be Bali. Còn nếu 2, thì có thêm Angkor Wat. Còn nếu 3, thì nên ghé thêm Hạ Long.
Mà nói mới nhớ, so với sự đồ sộ của Angkor Wat, thì ở mình không có công trình kiến trúc truyền thống nào có tầm vóc và quy mô tương xứng. Có lẽ do trí tưởng tượng chúng ta, mà có lần 1 giáo sư nước ngoài có đề cập là trí tưởng tượng của người Việt thuộc loại kém nhất thế giới. Có giả thuyết do hàng ngàn năm cứ giặc giã liên miên, đang ngồi tượng tượng cảnh thần tiên thì giặc đến, chạy muốn chết nên tưởng tượng bị đứt quãng, nên chúng ta không có những tác phẩm với tình tiết ly kỳ phức tạp hay ý tưởng kỳ lạ độc đáo, đưa người đọc vào thế giới nửa thực nửa hư của nhiều nền văn học khác, như thần thoại Hy Lạp, 1001 đêm, Alice trong xứ thần tiên, Tây du ký, và gần đây là Doremon hay Harry Porter…(trừ chuyện cô Quỳnh ở Davao ). Hẻm bít có đúng hem nữa.
Tác phẩm như Truyện Kiều vĩ đại vì tài dùng tiếng Việt vô tiền khoáng hậu của Nguyễn Du chứ không phải vì cốt truyện ly kỳ độc đáo. Có lẽ khả năng tưởng tượng của chúng ta ít ỏi và nếu có, thì bị triệt tiêu. Những đứa trẻ toàn bị quát “ suy nghĩ vớ vẩn”, “ ăn nói lung tung linh tinh”.. hay nhận xét của cô giáo “ không nắm được ý của tác giả" thậm chí tác giả cũng không nghĩ ra cái ý đó. Trong khi theo 1 nghiên cứu khoa học, mọi đứa trẻ đều có sự tưởng tượng cơ bản giống nhau, không phân biệt màu da, quốc tịch. Vấn đề là khi lớn lên, tiếp thu cách dạy khơi gợi sự sáng tạo, , 1 bên được kích hoạt và phát huy. Còn bên kia hạc thuộc lòng và viết lại y chang những nguyên lý, những phát minh của người khác có khi đã mấy trăm năm. Bạn nào có trí nhớ tốt, viết lại đúng hết thì đạt thủ khoa 30/30, viết được lại 15/30 thì đủ điểm sàn. Và dẫn đến kết quả. Một bên bay lên vũ trụ. Một bên xúm xít ngồi quanh cái ao làng cãi nhau, năm nay xã ta nên nuôi con gì, trồng cây gì.
Hoàn cảnh lịch sử cũng đã giam hãm ông bà ta quá lâu trong cách học “từ chương trích cú”, kiểu chương 7 dòng 20 từ dưới lên của cuốn Tứ Thư, Ngũ Kinh có ghi rõ. Lối nho hạc như vầy sẽ khiến tư duy bị gò bó trong lũy tre làng, trong năm cửa ô, trong khu trung tâm quận 1, trong “ xã nhà, huyện nhà, tỉnh nhà...”. Có ông nhà văn gì đó viết cuốn sách về 100 món ngon của xã ta, và nhiều trong xã mặc định là đúng. Riêng Tony thì thấy có món ngon khác mà ông ấy không đưa vào, hay món đấy chả ngon gì cả, vì ngon dở là cảm tính của từng cá nhân, ai cũng có quyền. Đề bài hạc môn văn toàn hãy phân tích nét đẹp của x của y, sự trong sáng của g của h,...chưa chi đã áp đặt nét đẹp và trong sáng, mình không thấy đẹp hay trong sáng thì sao? Nên lẽ ra phải là “bạn ý kiến gì về nhân vật A" hay “theo bạn, hoa nào là đẹp, món ăn nào là ngon".
Lúc đó, sự tưởng tượng của học sinh sẽ được đưa lên đỉnh cao. Có tưởng tượng mới biết quả đất hình cầu, mới có dòng điện chạy thắp sáng, mới có chiếc ống chứa mấy trăm người phóng cái vèo lên không trung mà ta gọi là máy bay, mới có cái smartphone quẹt quẹt. Thử nhìn từ trên xuống dưới trên cơ thể mình, toàn là kết quả của sự tưởng tượng của người phương tây. Từ mái tóc, cái quần âu, áo sơ mi, đầm váy, quần lót, cái đồng hồ, điện thoại, bút máy. Bước ra đường là xe đạp, xe máy, xe hơi, xe buýt, cao ốc chọc trời…tất cả đều hẻm phải do người Á Châu nghĩ ra. Ngay cả cái mạng xã hội này, cũng phải chờ tụi Tây nó nghĩ ra rồi xài. Lúc còn đi hạc, mình toàn hạc các định luật của Đác-Uyn, Men-Đơ-Lơ-Ép, Niu Tơn…mà hẻm thấy tiên đề Sasaki, định lý Trần Văn Tèo hay bảng tuần hoàn Chương Tử Di hay công thức Triệu Vi gì hết trọi. Nên có thể nói, cả 1 châu lục đang ngồi hóng sang bên kia coi tụi nó có phát kiến ra được cái gì mới nữa hem mà lật đật bắt chước.
Einstein từng nói “trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức.” Nên đậu thủ khoa, vô được trường chuyên lớp chọn, đại hạc tốp trên…cũng chỉ là việc mình đã nắm được kiến thức của người khác hơn 1 số các bạn khác trong 1 thời điểm nào đó. Làm giỏi mới hay, đứa có óc sáng tạo ra của cải vật chất, phát minh ra cái mới thì mới là đứa hay. Nếu hạc giỏi mà không làm cái gì cho đời thì không nên khen ngợi. Trong bài thơ “ Có những lúc”, Lưu Quang Vũ viết‘ Tôi chán cả bạn bè, mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới”.
Trong công việc, óc tưởng tượng sẽ giúp mình giải quyết công việc nhanh chóng hơn nhóm người không có khả năng tưởng tượng. Chẳng hạn như làm
công việc chăm sóc khách hàng, công tác chuẩn bị sẽ phải có. Việc tưởng tượng đi tới gặp khách thế nào, khách nói câu gì, mình phản ứng lại ra sao...giúp mình tự tin đối phó với mọi tình huống. Ví dụ lúc gặp khách, nó vui thì mình làm sao, nó buồn thì mình phải nói sao, nó đuổi mình về thì cũng phải nói lại được 1 câu chớ. Hẻm lẽ “anh chỉ biết câm nín khi nghe em khóc”. Hay khi tổ chức thực hiện 1 chương trình, 1 dự án, mình tưởng tượng ra hết những bước cần phải đi, trở ngại gì, cách khắc phục....thì việc thực hiện sẽ hoàn thành đúng tiến độ, trơn tru, ít vướng mắc. Sự tưởng tượng sẽ kết hợp với việc nhớ các sự kiện một cách logic đã có trong quá khứ. Khi gặp phải sự tương tự, mình có thể áp dụng. Vì kinh nghiệm không bao giờ được sử dụng chính xác 100% cho công việc tiếp theo, mà sẽ phát sinh nhiều yếu tố mới.
Óc tưởng tượng còn giúp mình hạc ngoại ngữ nhanh chóng, khi luôn nghĩ ra cảnh phải giao dịch, tiếp xúc....để có thể tự ngồi thực tập. Muốn thoát ra cái ao làng phải có ngoại ngữ chứ. Óc tưởng tượng còn giúp mình có một đời sống tinh thần phong phú. Đọc sách là 1 cách tưởng tượng tốt. Tốt hơn nhiều so với văn hóa nghe nhìn. Trận Xích Bích nếu mình đọc trong Tam Quốc diễn nghĩa, sẽ thấy vĩ đại hơn nhiều so với khả năng tưởng tượng và túi tiền của đạo diễn phim.
Có nhiều bạn đọc Tony Buổi Sáng và cứ tưởng tượng Tony là 1 ông già khoảng 50 tuổi, béo ngậy, hồn nhiên…đến khi gặp anh Tổng ngoài đời, trẻ măng như cậu sinh viên đại hạc, dong dỏng cao (1m80, 70kg), gương mặt ưa nhìn, đôi mắt biết cười và tác phong lanh lẹ như 1 cầu thủ Brazil, thì mới vỡ òa cảm xúc. Càng yêu càng quý, càng thích càng say mê…vì hơn cả sự tưởng tượng.
Nhưng tưởng tượng cũng phải gắn với thực tiễn nghen. Tưởng tượng xong, phải quay về với thực tế ngay, để áp dụng. Chỉ ngồi tưởng tượng và không biết mình là ai, ở miền Nam thì vào Biên Hòa, ở miền Bắc thì vào Trâu Quỳ mà hái hoa, mà bắt bướm.