Aug 21, 2014

Bài 12: Sắp xếp thời gian

Hồi lâu, dưới quê có một cậu con nhà hàng xóm, tên V, thi cấp ba miết không đậu, má nó nói thôi đưa lên tp cho Tony đào tạo. Nó ở chung với nhà Tony. Nó nói bữa nào em cũng kiệt sức vì nấu cơm, cái Tony đứng coi nó nấu ra làm sao. Đầu tiên là nó bỏ gạo vô nồi, đổ nước, cắm điện xong ngồi chờ. Cơm chín rồi, nó bèn nấu nước để luộc rau. Lại khoanh tay đứng chờ. A nước sôi rồi ! Nó reo lên, bèn lấy rau ra nhặt. Nhặt và rửa rau xong thì nước sôi lâu quá nên cạn queo, nó bèn đổ thêm nước, đứng chờ tiếp. Xong món rau luộc. Giờ đến món cá kho. Nó lấy cá ra khỏi tủ lạnh, a, bây giờ thì mình phải đứng chờ rã đông. Rồi kho. Bốn tiếng thì xong một bữa ăn gồm cơm, rau luộc, cá kho. Nói thôi em lên phòng nghỉ đây. Ăn hẻm vô vì em đã kiệt sức. 

Đem chuyện này kể các bạn trong hãng. Mọi người cười hi hí, nói tụi em đâu có vậy. Cái mình nói tụi bây y chang chứ có gì khác đâu. Thời gian là công bằng với tất cả mọi người, nhưng có người làm được nhiều việc, cũng có người làm một việc không trôi. Có thể phụ thuộc vào hệ số thông minh, có những người bản năng là làm việc nhiều hơn người khác. Số còn lại thì phải được đào tạo để biết cách sắp xếp thứ tự ưu tiên trong công việc, theo anh, sơ đồ Gantt là hay nhất. Anh phân tích nè:

1- Việc đang diễn ra, không tác động vào nó cũng diễn ra, thì mình tranh thủ làm việc khác. Đứng nhìn vô đó làm gì? Chờ làm gì? Ví dụ: cơm trong nồi cơm điện. Có nhìn vào thì cơm cũng không ngon hơn. Hay fax cái hợp đồng, đứng nhìn trân trối vô cái máy fax thì nó cũng không chạy nhanh hơn. Anh thấy các bạn đứng chờ máy tính gửi mail đi mà sốt ruột. Đừng có để thời gian chết. 

2. Việc người khác có thể làm được, giao họ làm, nhờ họ giúp. Như bạn A, mình là cán bộ xuất nhập khẩu, giữa bề bộn các email báo giá cho đối tác nhập khẩu, bỏ đi lên kho lấy mẫu là sao? Việc này có thể nhờ ai đó làm, bạn tài xế ngồi rung đùi đó chi, sao không nhờ. Chỉ lên kho lấy cái mẫu mang về, thì ông xe ôm đi vẫn được. Mình dành thời gian cho việc email báo giá, khách hàng nó xác nhận, có phải mình xuất khẩu được đơn hàng cả trăm ngàn đô không. 50 ngàn đồng cho ông xe ôm vẫn lãi chán. Dao phay không dùng để chém ruồi hay gọt hoa quả.

3. Bạn B làm kế toán cũng vậy. Trưa qua anh thấy cái phòng họp không được sạch, anh nói ai rảnh thì hút bụi nha. Thấy em chạy lật đật đi hút bụi liền. Đang cần phải thanh toán để lấy bộ chứng từ, một ngày ngoài cảng phí lưu bãi phát sinh 20 USD/cont, thì ưu tiên hút bụi. Phê bình thì gân cổ lên cãi, nói hút bụi quan trọng hơn. Hút xong thì đã đến 4h chiều, ngân hàng không làm việc nữa, nên phải dời qua sáng mai giao dịch. Người lúc nào cũng chạy như con rối, vì không biết cái gì ưu tiên hơn cái gì. Mua vé máy bay hay văn phòng phẩm thì kêu họ giao cho mình chứ mắc mớ gì phải chạy đi lấy. Ai gọi cũng dạ và làm ngay, lao ra đường vun vút, nhưng việc gì cũng không xong. 

4. Hôm hãng mình đóng cửa đi công tác, mọi người tranh thủ khởi hành từ Đà Lạt về Thành phố từ lúc 4h sáng để chiều 1h30 mở cửa làm việc, bao nhiêu thứ đang tồn đọng. Bạn C vẫn không về, chiều anh gọi thì vẫn ngồi bờ hồ Xuân Hương đợi ông khách hàng về chung “cho vui”, mặc dù đi hai xe. Và đến khuya hôm sau mới về đến Sài Gòn. Anh hỏi thì ông khách hàng nói đi đường tối thui, xe nó chạy trước, xe tao chạy sau, tao thấy không có gì vui. 

5. Trước đây hãng mình có bạn D, phụ trách nhập khẩu nguyên liệu. Anh Tony đi công tác, dặn dò các việc như báo giá, hỏi tình hình lô hang nguyên liệu, theo dõi mẫu…để sản xuất lô hàng xuất khẩu, em nhớ nha D. Nó dạ ran, ghi chép vào sổ khí thế. Cuối tuần về, thấy việc gì cũng chưa làm. Hỏi chứ tuần qua em bận gì, nó nói bận dịch file tiếng Anh cho ông Thế, là ông khách mới quen. “Em dịch ngày lẫn đêm, vì đó là đối tác khách hàng, em phải chăm sóc”. Còn nguyên liệu nhập về cảng không ai lấy, phạt hết mấy trăm đô tiền lưu cont lưu bãi. Nhà máy sản xuất thì không có nguyên liệu nên mấy chục công nhân ngồi chờ. Ngày xuất hàng bị dời lại, nhà nhập khẩu nó giận nó hủy hợp đồng. Bên DHL mắng vốn nói gọi miết không ai fax công văn qua để giao mẫu. Các anh chị khác thì nói ai kêu làm gì bạn D cũng cáu, D nói đừng giao nhiều việc, tôi không phải ba đầu sáu tay, việc gì cũng phải từ từ. Hãy để tôi dịch tài liệu để con ông Thế. Con bé đó năm nay lớp 9 rồi, xong lớp 12 là phải đi Mỹ du học. Chỉ có ba năm nữa thôi nên việc này rất gấp, không thể chậm trễ.

Nghe nó trình bày xong, có một gương mặt thanh tú thảng thốt, môi miệng mím chặt không nói nên lời. Và Tony đã khóc.



Aug 20, 2014

Cây tăm và cục thịt

Bảng hiệu này được treo rất nhiều ở nước ngoài. Đầu tiên là mấy chỗ có nhiều trẻ em. Nhưng sau đó, nhiều người lớn có dơ dáy bầy hầy hơn cả trẻ em, nên người ta treo luôn ở mọi nơi. 

Clean up là dọn dẹp, sắp xếp.

Nhiều công ty phỏng vấn, thấy ứng viên kéo ghế ra ngồi xong cái đứng lên bỏ đi, đánh rớt luôn, vì không biết xếp lại cái ghế. Ly nước uống dở trên bàn cũng không đem dẹp. Cứ để đó. Mở cửa ra rồi không khép lại. Lấy giấy tờ xuống coi rồi không bỏ lên. Lấy hàng ra coi rồi vứt lung tung trong siêu thị. Làm rớt rác xuống đất mà cũng không buồn cúi xuống nhặt bỏ vào thùng rác. Hôm bữa Tony vô phòng họp công ty kia, thấy phòng họp mùi thức ăn còn nồng nặc. Trên bàn còn cây tăm xỉa răng còn dính chút máu, và 1 miếng thịt nhỏ bên cạnh cây tăm. Thấy lạnh sống lưng. Ăn sáng thì phải ăn ở nhà hay ở ngoài chứ, mắc mớ gì đem lên công ty ăn. Mình phải tự quản trị thời gian của mình chứ, 8h vô làm là 8h vô làm. Còn không dậy sớm được để ăn, ỉa hay tắm rửa, thì nhịn ráng chịu. Không thể ăn cắp giờ làm để thực hiện hành vi cơ bản này được. 

After yourself tức sau khi sử dụng xong. Clean up after yourself là phải làm sạch sẽ, phải dọn dẹp, trả lại hiện trạng y chang như cũ. Pick up là nhặt lên. Đổ giọt nước xuống sàn phải lau khô. Vấy bẩn chỗ nào thì phải làm sạch chỗ ấy.

Yr habits are a reflection of you: Thói quen của mày chính là tấm gương phản chiếu mày là ai. Habit ( đọc là há bịt) là thói quen. Reflection ( đọc là rì phéc sình) là phản chiếu lại, phản xạ lại.

Nên mình phải để ý, ở đâu treo tấm bảng này, mình vô phải quan sát coi trật tự của nó thế nào, sử dụng xong, trả lại nguyên trạng. Nên nếu mình làm cha làm mẹ, nhắc nhở con kỹ việc này. Còn nếu là mình, phải chịu khó để ý quan sát, kẻo bị sỉ nhục ở nước ngoài. Họ rất khó chịu khi mình bày ra mà không dọn dẹp. 

Cách đây mười mấy năm, Tony đi Anh Quốc ghé đứa bạn đang du học. Nó thuê phòng ở 1 cái nhà gần trường, toilet và nhà tắm phải dùng chung với chủ nhà. Cái mình sử dụng xong, có tấm kính chắn giữa nhà tắm và bồn cầu, nhưng không rõ sao nước nó vẫn văng ra ngoài được. Cái cuộn giấy vệ sinh mình lấy ra sử dụng, quên bỏ lại trên kệ phía trên mà để ngay trên bồn rửa mặt. Bồn cầu xài xong lại không đậy nắp. Lúc đó còn ngáo ngơ, mới ra trường không được ai dạy dỗ mấy cái này.

Tối, nhỏ bạn đi về, bà chủ nhà kêu lên. Bả hỏi là ở Việt Nam, bộ tụi mày không được dạy về clean up after use hả. Mày lúc mới qua cũng vậy, tao nói miết mới sửa. Còn bữa này your friend ( ý nói Tony) lại tiếp tục didn’t clean up after himself. Mày nói với bạn mày là "his mom is not here". 

Mình nằm trong phòng lắng tai nghe. Thấy có tiếng cười của sinh viên mấy nước khác cùng nhà trọ. Có 1 sự cá nục không hề nhẹ.



Viết cho những hoang mang 2

Đây là page chia sẻ nên các bạn đọc, tự rút cảm nhận, không bình luận, không hỏi rồi chờ trả lời nhé. Các admin và Tony còn phải làm công việc riêng của mình. Admin thì online ngày 3 lần, sáng, trưa, tối lúc giải lao. Tony thì sáng sớm khoảng 15 phút và tối khoảng 30 phút để ngó qua cái page. Quỹ thời gian eo hẹp vậy nên chỉ những vấn đề gì liên quan đến cộng đồng thì mới được trả lời, còn các câu hỏi về cá nhân, sẵn tiện trả lời ở đây luôn là chúng tôi xin được phép không nhận. Các bạn muốn chia sẻ gì thì vào CLB con dượng và post thông tin lên đó. 

Thứ hai nữa là Tony không dám khuyên bảo gì ai. Tony đã đi được bao nhiêu ngóc ngách trong cuộc sống đâu mà có thể cho ai đó một lời khuyên CỤ THỂ. Trong khi thông tin thì không đầy đủ, hàm f(x,y,z...) có n biến số, bạn chỉ cung cấp x và y, mình đưa ra kết quả thì sai số sẽ rất lớn. Nên khuyên đúng hẻm nói gì, lỡ sai, có phải hại đời người ta không? 

Tony chỉ mong các bạn trẻ đọc TnBS để giỏi hơn, còn thông tin cá nhân Tony, bạn sẽ không thấy thông tin ở bất cứ đâu. "Chân nhân bất lộ tướng", nếu một ngày nào đó bạn thấy Tony trên tivi hay báo đài, thì Tony đã có mưu cầu thương mại kiếm tiền, hoặc ham danh ham lợi, cũng giống mấy đứa khác rồi. Tony hiện bán phân vẫn đủ ăn nên page TnBS chỉ là giải trí cho vui. Viết ớn thì ngưng, hẻm viết nữa.

Các bạn không cần tìm kiếm Tony Buổi Sáng là ai, hãng Phượng Tím ở đâu. Hãy xem như là trên đời, vẫn còn có một cái ông nào đó ở dưới miệt vườn Cần Thơ, đẹp trai ngời ngời, thông tuệ uyên bác, nói chuyện thiệt có duyên, ai cũng mê cũng thích. Thế thôi. Và mong các bạn trẻ, qua những câu chuyện Tony kể, nếu có thấy hình ảnh xấu xí của mình trong đó thì cố gắng tránh đi, còn nếu không liên quan thì cũng cười khẩy cho qua. Hãy dùng những từ tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của chúng ta, một cách đẹp nhất, hoàn mỹ nhất, chân thành nhất, xây dựng người Việt ngày càng văn minh, đẳng cấp, nhân văn, sống đẹp, hào sảng, nghĩa tình.

CÁC BẠN NẾU ĐANG TRONG LÒNG ĐANG RỐI BỜI HOANG MANG, HÃY ĐỌC LẠI các bài viết trên trang này. TRONG MỘT BÀI NÀO ĐẤY, TRONG MỘT CÂU NÀO ĐẤY, CÁC BẠN SẼ TỰ ĐỐI CHIẾU VÀO TRƯỜNG HỢP CỦA BẢN THÂN, TỰ “ NGỘ’ RA CÂU TRẢ LỜI CHO CHÍNH MÌNH.

HOANG MANG CŨNG LÀ BÌNH THƯỜNG TRONG CUỘC SỐNG. ĐỜI AI MÀ CHẲNG CÓ LÚC HOANG MANG. ĐẤY LÀ LÚC CHÚNG TA SUY NGHĨ NHIỀU NHẤT, TRƯỞNG THÀNH NHIỀU NHẤT. Đời mình, mình tự xây, không ai xây giúp. Tự mình sống, tự mình trải nghiệm, tự mình quyết định, tự mình trả giá. Có bài học nào không có học phí. Nên mình đọc nhiều, hiểu biết nhiều, làm nhiều, va chạm nhiều, thì học phí nó thấp hơn. Mọi lời khuyên chỉ là tham khảo. Chuyện của mình, mình tự quyết. 

Viết đến đây thì nước mắt lại lăn dài. Trên gương mặt thanh tú như mọi khi. 

Kết luận: Tony chỉ giống mấy Ụ pa Hàn Quốc ở điểm trắng trẻo cao to, đẹp trai và hay khóc.



Aug 19, 2014

Làm giàu từ cây mắc cọt

(Thân gửi CLB con dượng ở Cao Lạng)

Hôm bữa có bạn gì làm giáo viên sinh hóa ở huyện Cao Lộc gửi mail cho dượng hỏi về cách các bạn trẻ ở Lạng Sơn nên làm giàu ra sao. Dượng thấy ở khu chợ Đông Kinh có bán quả mắc cọc hay mắc cọt gì đó, thật ra đó là 1 giống lê địa phương rất quý hiếm về nguồn gen. Nước mình miền Nam là nhiệt đới, miền Bắc là á nhiệt đới nên không trồng được táo và lê ( táo apple lê pear chứ không phải táo xanh hay lê la gì đó, vì có một số bạn nhảm nhí cái gì cũng tìm bắt lỗi cho được thay vì đọc lấy nội dung chính). Lê Mắc Cọt ăn giòn, ngọt, thơm, dượng ăn 1 lần và rất thích. Nhìn địa thế vùng Cao Lạng, dượng thấy nếu phát triển thành các nông trại trên núi cho cây lê này ( giống như trồng na bây giờ) thì thu nhập sẽ rất tốt. Nếu đem vào miền nam tiêu thụ, thì hiệu quả kinh tế cao, vì cả nước mình, chỉ thổ nhưỡng và khí hậu Lạng Sơn, Cao Bằng là trồng được quả Lê ôn đới này. Nhân giống và trồng đi nhé các bạn. 

Thứ 2, làm ăn lớn nữa là mình ghép, cái này bạn phải cộng tác với người có nghề, để trồng mấy giống lê khác, có khoảng 20 giống lê khác có thể trồng ở nước mình, nhưng phải ghép gốc cây mắc cọt, chứ giống bên kia mang về không sống được. Mình đi sang Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật,...mua giống lê của họ, search “ pear cultivar” hay tiếng Hoa các bạn search “梨 品 种” chữ Lí là quả lê đó, qua Trung Quốc hỏi nó biết. Mình mua xong mang về ghép với gốc cây Mắc Cọt này, sẽ bảo đảm sống và sinh trưởng, ra quả tốt lắm đó. Bạn nào làm thành công rồi thì gửi dượng một ít ăn thử. 

Chào thân ái và chúc giàu có

Dượng Tony


Một lá thư Quảng Bình

Một cậu bé học lớp 11 ở Quảng Bình vừa gửi mail cho Tony. Cậu nói cô giáo dạy văn của cậu đọc bài “Chuyện Ở West Point” cho cả lớp cậu nghe cách đây 2 hôm. Cậu chợt bừng tỉnh. Cậu THỀ sẽ từ bỏ hoàn toàn việc chơi game máy tính. Cậu THỀ từ bỏ mọi cái lười biếng cố hữu. Cứ 10h đêm cậu ngủ và 5h sáng thức dậy, chạy bữa đầu 1 vòng quanh nhà, một ngày tăng lên 1 vòng nữa. Tối về cậu sẽ bay đá vào bao cát 100 cái mới tắm và đi ngủ. Cậu cũng ra điều kiện 1 ngày 10 từ tiếng Anh mới, cậu sẽ lấy sách tiếng Anh cấp 2 ra và dò lại với mục tiêu là nắm vững những gì đã học, không sót một chữ nào. Cậu cũng sẽ đọc lại kỹ các cuốn sách xã hội như địa lý, cái mà cậu nghĩ là tầm phào trước đây. Cậu cũng đã thu âm các bài tiếng Anh do mình tự đọc. Cậu nói, chưa bao giờ có cái gì truyền cảm hứng cho cậu thấy việc học tập, rèn luyện thể lực, rèn luyện trí tuệ đến như vậy. Cứ mỗi sáng thức dậy, lồng ngực lại đầy khí trời của một ngày mới và tinh thần tràn đầy năng lượng. Cậu lại lao vào học tập say mê, rèn luyện say mê.

Cậu hứa với Tony, thời điểm con người có chuyên môn là học thì phải tập trung vào học. HỌC SINH SINH VIÊN THÌ PHẢI HỌC. Cậu quyết tâm sắt đá và sẽ trở thành một người đàn ông tuyệt vời, là cây tùng cây bách chứ không phải là dây leo tầm gửi. Cậu sẽ báo cáo cho Tony vào từng tháng sự tiến bộ của mình, dù Tony có đọc và có trả lời không thì cậu không quan tâm, đơn giản là cậu muốn rèn luyện kỹ năng viết.

Tony thấy hài lòng. Sẵn đây nói luôn với các bạn trẻ cỡ tuổi cậu này. Nếu thượng đế có cho ta lại một cuộc đời, chúng ta nên thiết lập các mục tiêu sớm hơn. Và với bất cứ lứa tuổi nào, sự tỉnh thức cũng đều không muộn. 

Dù đã đi làm, ngay bây giờ, hãy đến các trung tâm ngoại ngữ để học. Hãy ra các nhà sách để mua sách về đọc. Hãy đến các trung tâm thể dục thể thao để ghi danh tập võ, tập cầu lông tennis, tập khiêu vũ, tập bơi lội... Lên kế hoạch cho từng ngày, từng tuần, từng tháng, từng năm của cuộc đời mình. Đừng về nhà và ôm lap top, ôm ipad nữa. Trên facebook của bạn bè, chẳng có gì mới đâu. Mấy trang tin tức cũng vậy, nhảm nhí cả thôi, đọc vài tờ báo chính thống biết xã hội xung quanh thế nào, rồi thôi, tắt máy. Online 1 ngày 30 phút là đủ.

Một dân tộc hùng cường sẽ bắt đầu bằng những học sinh khỏe mạnh và thông tuệ. Đất nước hóa rồng, hãy kiêu hãnh là một hồng cầu, đừng là khúc ruột thừa của con rồng ấy.

Sức mạnh chỉ có từ nội lực và tinh thần bên trong. Bạn thử quan sát lúc gà con nó nở. Đầu tiên, con gà con bên trong quả trứng sẽ cựa mình, nó sẽ mổ cái vỏ, rùng mình trút lớp vỏ ấy, và bước ra nhìn đời. Còn nếu ai đó mong muốn giúp nó mà tìm cách bóc tách cái vỏ, thì con gà con ấy sẽ chết. Cuộc đời cũng y chang vậy, không ai làm giùm cho đâu, không ông thầy bà cô nào, dù tài giỏi cỡ Tony Buổi Sáng hay cao nhân hơn nữa, dù trường chuyên lớp chọn cỡ nào đi nữa, hay dù cha mẹ giàu có ra sao…, không ai có thể giúp MÌNH THÀNH ĐẠT được.

Mình muốn mình thành ai, thì tự quyết. Có những tuổi trẻ quanh quẩn trong mấy bức tường nhà ống, dặt dẹo ôm cái ipad trên giường, mỏi mắt thì xuống bếp coi ai dọn sẵn thì ngồi ăn. Ăn xong rồi ị, soi gương rồi nặn mụn, móc ráy tai rồi thủ dâm, rồi lết vô giường coi ipad tiếp, mặt mũi sưng húp, tóc tai rũ rượi, mắt mở hết lên…

Cũng có những tuổi trẻ đầy sức sống, bụng 6 múi, mặt đẹp sáng bừng, trí não thông tuệ….ở ngoài sân bóng, ngoài hồ bơi, trong những trung tâm thể dục thể thao, các nhà văn hoá, cùng nắm tay nhau hát vang ngoài công viên, cùng nhau đi nơi này nơi khác xoá mù chữ, mang ánh sáng văn hoá với cộng đồng. Nhìn họ thật đẹp, vì họ biết tận dụng tuổi thanh xuân để làm người có ích. 

Chúng ta có một tuổi trẻ duy nhất để cơ thể tráng kiện, đẹp đẽ, tràn đầy năng lượng. Chúng ta có một quỹ thời gian ít ỏi để xây dựng nền móng cho ngôi nhà mình. Thành cao ốc chọc trời hay nhà tranh xiêu vẹo thì tuỳ bạn quyết định vào hôm nay. Nếu để tới ngày mai, bạn đã bị mất 1 ngày vô nghĩa, và có khi sẽ không bao giờ làm được cái gì hết. Người thất bại hay hẹn, câu cửa miệng là "thôi từ từ, để mai cũng được".



Phết phẩy và ma lanh

Gửi A và B,

Như anh trao đổi sáng nay, hai đứa nhớ lời anh dặn. Anh giao cho phụ trách mua hàng, phải hết sức bản lĩnh. Đừng bán rẻ nhân cách mình trong các giao dịch kinh tế. Ngoài xã hội nhiều đối tác họ hay đề nghị khi mình mua cái gì đó, họ sẽ gửi lại cho mình một ít. Mình mà gật đầu một cái, coi như xong.

Vì nó đưa cho mình tiền đó, tươi cười đó, nhưng trong lòng nó chẳng coi mình ra cái gì đâu. Và chất lượng hàng hóa dịch vụ đó sẽ kém hơn, dù sao cũng đã có mình bảo kê bên trong rồi. Mình lỡ nhận tiền rồi, không nói được. Nó giao hàng xấu, giao hàng chậm, dịch vụ kém mình cũng phải làm ngơ. 

Do vậy, nếu có ai đề nghị chuyện hoa hồng hay commission cho mình, lập tức từ chối, yêu cầu cắt thẳng vào giá hàng. Em vừa nói như vậy một phát, đối tác sẽ nể em ngay. Và họ cũng sẽ nghiêm túc trong việc giao hàng vì họ sợ những con người như vậy. Mình nói là em chỉ thay mặt công ty giao dịch, nên tiền này là của công ty, không phải cá nhân em. Mong anh chị thông cảm. Lúc đó, họ ngồi nghe mà không mến phục em thì thôi.

Ai cứ phết phẩy ma lanh, kệ ai. Mình không theo họ. Mình nhận vài ba chục triệu đồng, chả giàu lên. Mình không trở nên đẳng cấp được mà trở thành loại người rẻ tiền, bắt đầu vì tiền trong mọi suy nghĩ. “ Ăn quen, nhịn không quen”, mình lỡ ăn lần một là sẽ có lần hai. Rồi lần ba lần bốn. Nên mọi giao dịch sau này, tự động mình sẽ vòi tiền, nếu không có là mình làm khó làm dễ, gây khó khăn để người ta phải “ hiểu ý”, dẫn đến việc gì cũng chậm trễ.

Mình đi làm có thu nhập đàng hoàng, nên biết đủ em à. Một đồng mà do chính mồ hôi nước mắt của mình tạo ra, em cho cha cho mẹ, cái đó mới là hiếu thảo. Chứ ăn cắp rồi cho cha mẹ thì đó là bất hiếu. Vì không ông cha bà mẹ nào có thể yên lòng xài cái đồng không sạch ấy, khi biết được sự thật.

Rồi sau này có con có cháu, tụi nó sẽ không tôn trọng mình. Mình dạy nó, bảo đừng nói dối, đừng ăn cắp, nó nói sao cha mẹ không làm mà nói con, mình cứng họng. Chưa kể, tiền nào của mình là của mình. Nhiều người cứ nghĩ thôi phết phẩy đem về cho vợ cho con, nhưng ngược lại. Vì thượng đế cho gia tộc đó ví dụ 300 lượng vàng, chia đều 100 lượng cho 3 thế hệ. Em là thế hệ thứ nhất, em phết phẩy lấy hết 300 lượng của thiên hạ đem về nhà, thì hai thế hệ sau hết đường làm ăn. Rồi nó đâm ra nó giận ông nội, ông cố, là mình nè chớ ai.

Làm nghề mua hàng hay duyệt đấu thầu, ranh giới giữa cái thiện và cái ác, giữa chân thật và tham lam rất mong manh. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “ chỉ có những gì mình không làm thì người ta mới không biết”. Đừng có làm mình HÈN đi vì vài ba đồng vớ vẩn. Làm với anh, theo anh, anh đào tạo mọi kỹ năng để sau này đứng vững với đời, làm gì cũng kiếm tiền nuôi vợ con được. Nên mình phải giữ vững nhân cách. Có nhân cách thì LÀM GÌ, ĐI ĐÂU, GẶP AI, cũng ngẩng cao đầu.



Aug 18, 2014

Công thức làm giá đậu nành theo kiểu Tony

Giá đậu nói chung là thực phẩm rất tốt, lại nghèo năng lượng nên thường dùng để ăn no bụng mà lại giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên thị trường người ta làm giá hay bỏ chất kích phọt, gọi là GA3, gibberellic acid, ăn cũng không độc hại gì nhưng cũng không tốt. Nên tự làm ở nhà là giải pháp hay nhất, giúp vợ chồng con cái có cái để mần, thay vì ôm ipad suốt. 

Đậu nành( đậu tương): lựa mua hột nhỏ, không mốc meo. Cái rổ nhựa, cái thau nhựa. Hai cái khăn vải dày thật sạch.

Đậu nành mua về, lựa đúng 505 hạt, rửa sạch. Nước ngâm là hỗn hợp 2 sôi 3 lạnh, tức 2 cốc nước sôi hoà trong 3 cốc nước lạnh, đảm bảo nước ấm ở mức thò ngón tay vô thấy ấm là được. Sau đó bỏ đậu nành vào ngâm đúng 40 phút 23 giây, thì vớt ra. Bỏ vào cái rổ đã lót sẵn cái khăn ở dưới, nhớ là cái khăn này phải ngâm nước sạch, sau đó vắt khô chỉ để có độ ẩm. Sau khi trải đều đậu nành lên bề mặt khăn, phủ cái khăn còn lại ( khăn này nên dày hơn để tạo lực, ép đậu mập hơn, còn bạn làm khăn nhẹ quá là nó vọt lên cao nhòng ốm nhách). Khăn phủ cũng được ngâm nước và vắt khô để tạo ẩm độ.

Cứ 12h là tưới nước một lần. Tức sáng trước khi đi hạc đi lòm, tưới 1 cái. Chiều về tới nhà là tưới cái rồi mới đi tắm. Nhớ là lấy rổ ra tưới, sau đó để khô rồi mới bỏ vô cái chậu nhé, đừng để ngập nước, sẽ bị úng. Để cái thau chứa giá đỗ này vào khu vực bóng tối nhất của khu nhà.

Cứ như thế, khoảng 5 ngày chúng ta mới có thể lấy ra sử dụng. Lúc này, mùi giá hơi tanh, vì trong đậu nành rất nhiều đạm đã chuyển hoá thành collagen. Các bạn gỡ ra, rửa sạch bằng nước muối, sẽ hết mùi tanh và trở nên thơm ngon lạ thường. Sau đó để ráo và sử dụng như luộc, ăn sống, làm dưa giá chua.

Ngày ăn 200 gram, 1 tuần da bắt đầu lột nhẹ. 2 tuần thì ngưng không ăn nữa, ra gương đứng soi. Chu cha, da trắng như bông bưởi, hồng hào. Nếp nhăn bắt đầu biến mất, giọng nói bắt đầu vang vang, bụng thon gọn, mắt sáng nhìn trong đêm 2km vẫn thấy, trẻ trung yêu đời. Ngưng tháng sau ăn lại, cứ 1 tháng trẻ 1 tuổi, mình 30 tuổi mà ăn 30 tháng thì thành trẻ sơ sinh. 

Bạn nào làm thành công, gửi chia sẻ cho TnBS.



Viết cho những hoang mang 1

Những con sao biển

Có một bạn trẻ nói dượng Tony ơi, dượng có nhiều trải nghiệm con nghĩ là chỉ phải va vấp mới có được. Những bài học đó sẽ giúp con giỏi hơn, tự tin hơn trong công việc và cuộc sống.

Tony mới nói vậy bạn bè con có bao nhiêu người đọc Tony Buổi Sáng? 

"Dạ chắc mình con. Con đọc chứ không share (chia sẻ). Ai tình cờ đọc được thì biết thôi chứ share ra, lỡ tụi cùng lớp con nó đọc được, nó giỏi hơn con thì sao. Đi xin việc, nó đỗ con trượt thì sao? Chưa kể nó theo dượng, nó ham học hỏi và có khi xin được học bổng, nó xin được tức một cơ hội của mình đã bị mất. Bố mẹ con dạy mình phải khôn ngoan, những gì thuộc về quyền lợi, bí quyết nếu có được thì nên chỉ giữ lại cho mình chứ không nên cho người khác biết". 

Dượng bèn kể cho bạn nghe một câu chuyện. Cứ mỗi chiều trên bãi biển nọ, người ta thấy một ông lão lang thang nhặt những con sao biển bị mắc cạn ném xuống biển. Ông làm việc này một cách cần mẫn. Nếu không, ngày mai khi nắng lên, chúng sẽ bị chết khô. Có người bảo việc làm của ông chỉ vô ích, vì mỗi ngày có hàng vạn con sao biển bị sóng đánh lên bờ, mà ông thì chỉ có hai tay hai chân và 24 giờ thôi, thì cả đời ông cũng không sao cứu hết chúng được. Ông lão mới trả lời, cả cuộc đời tôi không thể nào cứu hết những con sao biển, nhưng đối với từng con sao biển được tôi cứu giúp, nó lại có một cuộc đời.

Bạn hãy nhớ câu chuyện của dượng Tony nói. Và đừng để ai chết khô trên bãi cát của sự vô tình.

Hãy chia sẻ với nhau thật nhiều. Bạn cứ nghĩ là mình cho đi, mình sẽ bị thiệt thòi, đó là nếp nghĩ xưa cũ, không văn minh. Thực tế là ngược lại, bạn sẽ có được nhiều hơn. Trong cuộc đời của bạn, bạn sẽ gặp nhiều con sao biển bị mắc cạn, hãy giúp họ về với đại dương. Có khi chỉ một cuốn sách truyền cảm hứng, hay một câu nói nào đó, họ lại có một cuộc đời.



Aug 16, 2014

Thành đạt, thành công và thành gì nữa?

Thông thường các email kể lể đều bị admin xoá hết, sáng nay tình cờ Tony vô mail trước nên đọc được một bức thư dài của chị Bình, ở Nghệ An. Những dòng chị viết làm Tony thấy cay xé mắt, được sự đồng ý của chị, Tony xin kể lại câu chuyện trên.

Chị có một đứa con trai, tên A. Con chị từ lớp 1 đến lớp 12 chơi thân với B, một cậu hàng xóm, cùng học chung lớp. Bố B làm sếp cơ quan chị. A và B học rất giỏi, là niềm hãnh diện của chị và bố B mỗi lần họp phụ huynh hay tán gẫu ở cơ quan. Chị luôn xem bảng điểm học bạ của 2 đứa, và lúc nào cũng ép, không được môn nào học dở hơn B và ngược lại, bố B cũng như vậy. Hai đứa trẻ chơi vô tư, nhưng bố mẹ của chúng thì không.

Vừa nhận được điểm thi đại học mới đây, con chị đỗ, còn B trượt. Chị nói tự nhiên trong lòng có cảm giác " con mình thi đậu đại học không vui bằng con hàng xóm thi rớt", chị mở tiệc khao rất lớn, mời hết thầy cô bạn học về nhà. Mặc dù A phản đối gay gắt tiệc khao này nhưng chị đã quyết, và mời hết cơ quan chị về chơi luôn, đãi 2 suất, trưa và tối. Dĩ nhiên là có mời B và gia đình nhưng họ không đến. 

Chị nói tiệc diễn ra hết sức xôm tụ tuy con chị không vui. Cơ quan ai cũng chúc tụng chị, ai nấy hả hê vì bố B vốn là một sếp khó, luôn miệng nói này nói kia trong khi con mình đã trượt đại học, chẳng ra gì. Chị ra chợ cũng vậy, gặp ai cũng kể chuyện thằng A chuẩn bị đi lên Hà Nội, mua cái này cái kia cho nó mang đi. Có lần chị gặp mẹ B cũng ra chợ mua đồ, mẹ B thấy chị liền lấy nón che mặt. Gặp mẹ B, chị hàng thịt cũng hỏi, chị hàng rau cũng hỏi, dù biết mười mươi là B đã trượt, chỉ để cho mẹ B đau đớn hơn. 

Khi biết tin B trượt, bố B hoảng loạn, khủng bố tinh thần B gần như mỗi ngày. Bố B lên cơ quan là vô phòng riêng, không nói không cười với ai. Mẹ B thì đóng cửa, không sang giao lưu với hàng xóm. Trong nhà là tiếng chì chiết, tiếng khóc than. Chị nói nội ngoại 2 bên cũng sang, mắng B là đồ vô tích sự, đồ bã đậu, nhục nhã cho dòng họ, và lôi A ra để làm ví dụ. Chị nói cơn bực tức lên tới đỉnh điểm khi mẹ B bảo mày qua nhà thằng A "mà đội quần nó", mấy người cạnh nhà nghe lén rồi sang kể cho chị nghe. Chị nói lòng chị vui hết biết.

Chuyện không có gì là ầm ĩ nếu không phải cách đây 2 hôm, B ăn cắp mấy triệu đồng trong nhà, và bỏ nhà đi đâu mất. Bố mẹ B đang chạy dáo dác đi tìm nhưng vẫn chưa rõ tung tích. Chị tình cờ đọc được bài viết " cái chết của Chu du" trên TnBS, về thói đố kỵ và cảm thấy mình có lỗi, nên viết thư kể lại cho Tony nghe.

Tony xin phép thưa với chị như thế này. So sánh chưa bao giờ là phương pháp tốt trong giáo dục. Người ta chỉ sử dụng kế " khích tướng" trong trường hợp rất đặc biệt, nếu không sẽ gây tác hại kinh hoàng. Không ai được phép làm tổn thương những đứa trẻ mười mấy tuổi như vậy. Giáo dục với lối so sánh, xếp loại thủ khoa, á khoa, chót bảng là sai, thời phong kiến với lối Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, giờ văn minh rồi, sao lại vẫn lấy tiêu chuẩn xưa để xếp? 

Trong một lớp 40 bạn, cứ cuối tháng cuối năm, giả sử bạn A đứng nhất lớp, bạn Z đứng 40/40, thì sẽ gây ra hiện tượng A bị bệnh chảnh, cảm thấy mình giỏi hơn người, sau này khó thành công, giỏi trong lớp đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Còn bạn Z cứ bị xếp 40/40, dần dần sẽ mặc cảm, thấy mình vô dụng và bỏ học. Bạn Tony từ cấp 1, cấp 2, những bạn bị xếp loại như vậy đều bỏ học ở nhà nửa chừng để đi gánh lúa, vì nghĩ là mình không học được. Một giáo dục nhân văn phải XOÁ BỎ ngay hình thức xếp loại này, vì sẽ làm tổn thương các đứa trẻ.

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mặc dù rất tiên tiến nhưng giáo dục ở đây vẫn bị ảnh hưởng tư tưởng hơn thua của người phương Đông. Nhiều bạn trẻ Hàn Quốc đã phải tự tử vì không chịu nổi áp lực so sánh với bạn bè, theo những tiêu chuẩn thành công gì đó của cha mẹ muốn. Trong khi một đứa trẻ khác nhau là khác nhau, 7 tỷ dân trên quả đất không ai có y hệt dấu vân tay, y hệt cấu trúc gen. Đứa có 2 tỷ nơ-ron thần kinh và đứa chỉ có 1 tỷ, đứa cao đứa thấp, đứa trắng đứa đen. Trời đất đã sinh ra chúng khác nhau, hà cớ gì chỉ lấy một tiêu chuẩn để xếp loại?

B không giải được bài toán đại số đó nhưng nó có giọng hát thiên phú, nó hoàn toàn có thể kiếm tiền từ đó. D không hiểu vì sao phải đạo hàm hay vẽ đồ thị f(x3) nhưng nó có thể chạy 20km không mệt. Thì hãy tôn trọng từng cá thể, vốn sinh ra công bằng dưới trời đất này. Đừng bao giờ so sánh chúng với ai, và chúng ta cũng vậy. Giàu, nghèo, thành đạt, hạnh phúc, ...chỉ là những khái niệm ĐỊNH TÍNH, vô tận vô cùng. Tôi có 3 tỷ là giàu nhưng anh kia nói chỉ có 1 trăm triệu là vương giả, năm sau tôi đạt được mức trên và giàu có bây giờ phải 10 tỷ. Khi mới sinh ra, 1 đứa trẻ biết không tè không ị vô quần là thành đạt. Và phấn đấu đua tranh ganh ghét người khác cả đời, đến 90 tuổi mới nhận ra thành đạt cũng chỉ là tự chủ trong tiêu tiểu.

Tôi là Nguyễn văn B, tôi có những giá trị riêng của tôi, "giá trị Nguyễn Văn B". Cái câu Tony nghe cửa miệng của nhiều người "nhìn lên thì không bằng ai, nhìn xuống cũng không ai bằng mình" là một triết lý hết sức nhảm nhí của người châu Á. 

Đường mình mình đi, mắc mớ gì cứ nhìn với ngó?



Chuyện cái tổng đài điện thoại

Ghé thăm, thấy từ trưởng phòng đến giám đốc trong công ty của anh bạn đều là Tây hết, Tony ngạc nhiên hỏi nên anh mới kể. Ba năm nay anh thuê Tây vô quản lý, dù phải trả lương cao gấp đôi. Ảnh cũng 60 tuổi ngoài nên khá chững chạc, trải qua nhiều ngóc ngách cuộc sống nên nội dung câu chuyện rất sâu. Từng là giảng viên trường du lịch, thành lập doanh nghiệp lữ hành được gần 20 năm. Anh nói Tây nó làm quần quật, chiều hết giờ làm ra quán bar uống bia rồi về ngủ. Mai đi làm tiếp. Chưa kể, giao dịch cũng được thuận lợi hơn vì một số người mắc bệnh “sợ Tây”, khi giao tiếp với đồng chủng thì quát tháo ầm ầm nhưng đứng trước mặt Tây thì nhũn như con chi chi ấy em ạ…

Thấy Tony tròn xoe mắt, nên anh kể tiếp. Từ lúc thành lập, cũng cả chục đời trưởng phòng người Việt rồi, vô làm một thời gian là thành ma thành quỷ. Thuê xe, ép nhà xe không còn nước nào để sống, ví dụ 5 triệu cho 1 chuyến xe đi Cần Thơ 3 ngày, em coi có ai làm được. Nhà xe bị ép quá, bèn đưa chiếc xe cũ mèm, không máy lạnh, thường xuyên bị tắt máy giữa đường. Tài xế mới ngáo ngơ thì mới chịu lương thấp, không biết đường biết sá, chạy tới chạy lui. Họ báo công ty giá thuê tới 10 triệu, rồi bắt nhà xe trả lại 5 triệu vào túi riêng. Gọi là nghệ thuật “Gửi Giá”. Nhà xe cũng ngậm đắng nuốt cay chứ không đi là có thằng khác nó giật mất. Thuê tàu cũng vậy, vì bên này ép quá nên bên kia lấy tàu cũ ra sử dụng, không ít lần gây tai nạn thương tâm.

Ảnh kể, chưa hết. Bữa ăn 1 triệu đồng/bàn chứ tụi nó “ gửi giá” thành 2 triệu, rồi lấy 1 triệu bỏ túi sau khi khách ăn xong. Khách sạn thì ép 10% hoa hồng. Nên thành hệ thống cạ cứng, khách nào cũng ép ở khách sạn đó và vô ăn nhà hàng đó. Thiết kế tour tham quan thì ít, shopping thì nhiều. Một số chỗ ép chi hoa hồng đến 40% tiền khách mua. Nhiều khách một đi không trở lại như dũng sĩ Kinh Kha qua sông Dịch Thủy, nói nước mày đâu phải thiên đường mua sắm, giá thì mắc gấp mấy lần Thái Lan mà cứ bắt shopping hoài. Còn sales thì ăn lương bên anh chứ còn nhận làm cộng tác cho cả chục công ty khác. Bắn đơn hàng này cho công ty này, bắn hợp đồng kia cho công ty kia. Nghe điện thoại thì cứ lén lút chạy ra chạy vô, có cả chục sim chục số khác nhau. Tháng nào cũng đem về 1 hợp đồng cho có, còn lại thì không rõ giao cho ai. Vấn đề là tụi nó không nghĩ đó là mất đạo đức, nghĩ đó là khôn ngoan mới chết. 

Ảnh nói, đứa nào mới vào làm cũng như pha lê. Cái đi chơi nhậu nhẹt, tụi kia bày cho. Nói mày ngu quá. Có sống bằng lương hay hoa hồng thì sao giàu có nhanh chóng được. Phải tham gia cuộc đua làm giàu, bất chấp mọi thứ. Rồi từ từ bị ma lanh hóa, đến khi công ty biết thì đuổi việc. Ảnh nói, gần 20 năm kể từ ngày thành lập công ty, chưa có tiệc farewell party ( tiệc chia tay) nào vui cả. Nhìn ở nước ngoài, khi nghỉ việc, người ta làm tiệc chia tay bịn rịn. Rồi hàng năm có dịp gì đó, các “khai quốc công thần” và nhân viên cũ tập trung về, vui hết biết. Ở Việt Nam bây giờ, ảnh nói ngành khác không biết sao, chứ ngành của anh, phần lớn nhìn nhau bằng ánh mắt hình viên đạn ở bữa làm việc cuối cùng. Sếp thì nói sao bạn lại ăn cắp, bạn làm ở đây mà sao không hoàn thành nhiệm vụ ở đây, quyền lợi không OK thì có thể thương lượng lại chứ sao làm vậy. Còn họ thì gân cổ lên cãi, nói tôi mang tiền về cho công ty bao nhiêu, tôi nhớ hết. Nên giờ phải tìm cách lấy lại. 

Rồi ra riêng, cùng nhau thành lập doanh nghiệp mô hình y chang cạnh tranh khốc liệt. Gọi khách hàng cũ, vì chẳng lấy gì làm quà bèn lôi chuyện thâm cung bí sử công ty cũ ra kể, vì dân mình ai cũng tò mò với văn hóa tiểu nông ăn sâu hàng thế hệ. Rồi thêm thắt vô cho nó hấp dẫn. Nói bà sếp đó ngủ với tao rồi, đảm đang lắm. Ông sếp đó cặp với em này em kia. Rồi giá mua giá bán, em làm ở đó sao không biết, tour đó có 5 triệu mà nó charge anh tới 10 triệu, qua em đi, em làm y chang vậy chỉ có 6 triệu thôi. Phá giá để giật mối cho hết….

Việc bạn trẻ ra riêng là rất tốt cho xã hội, nếu thật sự có tài năng và có may mắn, vì góp phần làm cái bánh GDP của quốc gia tăng lên. Làm chủ là ước mơ chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, tư thế làm chủ như thế nào mới là đáng nói. Năm 2012, hơn 25 triệu khách khách đến Malaysia, hơn 22 triệu khách đến Thái Lan, đến Singapore là 15 triệu, trong khi đến nước mình chỉ có 7 triệu, dù lượng di sản và cảnh đẹp để tham quan đều hơn. Anh nói, hàng ngàn công ty du lịch chứ chỉ có khoảng vài ba trăm công ty là có đam mê, có tâm với nghề, số còn lại mở ra vài tháng rồi đóng cửa. Thế giới 7 tỷ người, mà Việt Nam thì mới nhận có 7 triệu du khách, thì không lo thiếu nguồn cung, nếu thật sự đầu tư thời gian cho việc tìm kiếm khách. Đằng này không, trí tuệ toàn dùng vào việc hướng về công ty cũ, coi bên đó làm gì thì phá. Rủ hết nhân viên về, vây cánh với nhau cạnh tranh cho sếp cũ biết mặt, không rõ hận thù gì dữ dội vậy. Nhưng đâu vài ba tháng lại tan rã, chửi nhau ỏm tỏi vì ăn chia không đều, thằng này nói thằng kia ăn gian. 

Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Cha mẹ ăn cắp, nói dối thì đừng mong con cái mình trở thành người tử tế, vì nó bắt chước. Thấy sếp mình “ăn”, thư ký bèn mỗi chiều xách về nửa gram giấy A4, để dồn cuối tháng đem ra cửa hàng photocopy. Thủ quỹ thì thụt két gửi lấy tiền lãi qua đêm, hoặc đem ra cho người ngoài vay nóng, lúc kiểm tra thì mượn đâu đó bỏ vào. Tài xế thì ăn xăng, đổ xăng 3 triệu lấy hóa đơn 5 triệu. Ảnh nói, đến như bà lao công công ty ảnh, chiều về còn bỏ trong giỏ 1 chai nước rửa bồn cầu. Toilet tuần nào cũng hết cả chục chai. Bị bảo vệ phát hiện tịch thu thì ôm giỏ ngồi khóc. Nói chị bỏ cả chục triệu mới mua được suất vô đây làm, chính cái cô trưởng phòng hành chính admin ăn khoản tiền này của chị chứ ai, trong khi lương lao công chỉ có 2-3 triệu, nên chị phải tìm cách thu hồi “dzốn”. Anh hỏi cô trường phòng hành chính thì chối bay chối biến, nói bà đó đổ oan cho em, chứ em đời nào lấy tiền của ai.

Tony nghe mà lòng buồn. Mới hỏi anh sao không tuyển nhân sự cấp cao người Việt, trả lương y chang Tây vậy. Ảnh nói cũng thử 3 lần rồi, nhưng 1 thời gian ngắn thì bị công ty khác săn mất. Thể loại đến với mình chỉ vì tiền, thì cũng có thể bỏ mình ra đi nếu có ai đưa tiền nhiều hơn. Còn mấy công ty khác, thay vì tuyển người mới ra trường về đào tạo để sử dụng, họ lại thích đi dụ dỗ nhân sự mấy công ty khác cho khỏe. Nên sinh viên tốt nghiệp thì hẻm có việc làm, mà doanh nghiệp cứ mãi đi săn bắn chứ hẻm chịu gieo trồng.

Anh nói, chưa bao giờ niềm tin giữa con người, giữa các doanh nghiệp với nhau lại đắt đỏ như bây giờ. Em có thấy cảnh cả trăm người nhảy vô hôi bia trong ánh mắt bất lực của anh tài xế xe tải không. Em có thấy hàng ngàn người giẫm đạp lên nhau để lấy được 1 quả quýt, 1 nhành hoa để làm lộc trên bàn thờ đức Thánh Trần không. Miễn là mình có, ai chết mặc ai. Nhà phố lô nhô, ai cũng làm nhà mình cao hơn, đẹp hơn, sạch hơn, còn rác thì quét qua nhà bên cạnh. Đi xe máy giành làn, lấn tuyến, bóp còi inh ỏi, chửi con này thằng kia sao không nhường cho họ. Xếp hàng thì thích chen ngang, mình phải hưởng trước, chen lấn cả với bà bầu, người già và trẻ em. Làm cái gì cũng coi có khả năng phết phẩy trong đó không thì mới làm. Suốt ngày suy nghĩ chuyện trục lợi cỏn con nên dáng vóc nó dần thấp đi và trí óc nó dần bé lại. Không dám bước hiên ngang. Đi đâu cũng sợ gặp người quen cũ, mặt cúi gầm, miệng mồm lí nhí, đớn hèn.

Nghe anh nói, Tony thấy bắt mệt. Mặc dù gật gù nhưng trong lòng nghĩ khác. Chắc anh này suy nghĩ tiêu cực bi quan mà nói quá, chứ xã hội thiếu gì người tốt. Vẫn còn đó bao nhiêu con người “ sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, trung thực, hào sảng, quả cảm, nhân cách đẹp lung linh. Bao nhiêu người cần mẫn làm giàu bằng chính sức lực và trí tuệ của mình, vinh quang và chân chính. Chứ đâu phải ai cũng rẻ tiền như anh nói vậy. 

Thấy anh căng thẳng nên Tony mới nói đùa, thôi để em tham gia cạnh tranh với anh cho vui nhé, em sẽ mở công ty trách nhiệm hữu hạn Chụp Giật. Tên tiếng Anh là “ Grasping and Tugging Co., Ltd”. Có 2 thành viên góp vốn. Chủ tịch Hội đồng quản trị, anh Trần Văn Chụp và phó chủ tịch, chị Lê Thị Giật.

Ai gọi tới, tiếp tân sẽ “Alo, dạ công ty Chụp Giật xin nghe”!

Thôi chơi tổng đài tự động nhờ bạn nào nói giọng Huế lồng tiếng cho hay.“Cạm ơn quỵ khạch đã gọi đện công ty trạch nhiệm hữu hạn Chụp Giật. Gặp anh Chụp, bậm phím 1. Gặp cô Giật, bậm phím 2. Còn nệu không gặp ai thì làm ơn cụp mạy”.



Aug 15, 2014

Bài 6: Chuyện viết đúng

Có 1 sinh viên năm cuối kia, Tony quen biết với mẹ nó nên cho vô thực tập. Ngồi ngáp dài ngáp vắn nói muốn được giao việc. Nhưng giao lại không làm, giao 3 việc quên 2 việc vì tính kỷ luật không có. Có mặt bữa đực bữa cái. Sáng nào cũng đi trễ. Hỏi thì nói đau bụng với thủng lốp xe, viện n lý do, phần lớn là sáng tạo chứ không có thật. Nên thôi, ở nhà khỏi lên em ơi, ngồi chật chỗ. Rồi mấy tháng nó cũng xong thời gian thực tập, tạm biệt mọi người. 

Sáng nay lại lấp ló ngoài cửa. Hỏi đi đâu, nó nói lên hãng nhờ đóng dấu lại vì hôm trước đánh máy sai. Tuần sau ra hội đồng bảo vệ, thầy hướng dẫn chỉ ra điểm sai và đã sửa lại. Bản này là hoàn chỉnh rồi. Perfect rồi

Cái Tony nói đâu đưa tui coi. Thấy cái bìa ghi:

NGHIÊN CỨU MARKETING MIX HÃNG PHƯỢNG TÍM GIAI
ĐOẠN 2015-2020

Ủa Phượng Tím Giai là hãng nào vậy em. Nó nói chữ giai là giai đoạn, em ngắt dòng. Lỗi tại mấy ông thầy, ổng không phát hiện lỗi này để em sửa. Trời đất, sao lại đổ thừa cho ổng. Cái mở bên trong coi phần nhận xét của thầy nó. Có mấy dòng mà sai chính tả hết trơn. Câu nào cũng là “câu què câu cụt” mà môn tiếng Việt lớp 6 có dạy. Người ta viết văn chương thì có thể phá cách. Nhưng mình làm khoa hạc thì đâu có cho phép. Làm thầy mà. Có hạc vị hạc hòm thì càng phải kỹ càng, tháp ngà khoa hạc đâu có bước chân của mấy kẻ ngáo ngơ. Thạc sĩ tiến sĩ gì kỳ vậy, trường gì thể loại vầy cũng nhận vô giảng dạy nữa là sao. 

Muốn cho nó bài hạc. Cái nói nó em viết cái văn bản xin đóng dấu đi, nếu đúng thì tui sẽ cho thư ký đóng dấu lại. Nó ngồi 4 tiếng, bứt tóc móc mắt, viết 1 cái “ BIÊN BẢN YÊU CẦU ĐÓNG DẤU” như gà bới đất. Nó không phân biệt được các hình thức văn bản như đơn từ, thông báo, biên bản, báo cáo. Cũng không biết "ngày tháng năm, kính thưa kính gửi" ...bên góc phải hay trái. Chữ trân trọng kính chào và chữ ký thì nằm ở đâu cũng hẻm biết. Thích viết hoa thì viết hoa, xuống dòng là xuống. Toàn mệnh đề, chưa đủ 1 câu đã chấm. Dấu 2 chấm thì nhiều vô kể, dù chẳng phải liệt kê gì cả. Chấm than chấm cảm chấm hỏi cũng có. Cái mình hỏi ủa ý em là có biểu lộ cảm xúc hay nghi vấn gì trong cái đơn này hả. Nó gãi đầu cười hí hí.

Nó nói tụi em cái gì cũng cứ mua cái mẫu đơn có sẵn, chỗ chấm chấm chấm thì điền vô, chứ kêu viết thì thua. Tony nói em về nghiên cứu lại đi. Không ai dạy thì tự tìm hiểu, trên mạng cũng có. Bữa sau viết đúng thì lên đây. Trí thức mà, để xã hội nó tôn trọng thì mình phải viết được 1 cái văn bản đơn giản nhất. Nếu không thì gia nhập 72000 kỹ sư cử nhân thạc sĩ đang thất nghiệp ngoài kia. 

Sẵn tiện, Tony dặn bạn trẻ đang làm luận ven luận oán, làm ơn dò từng câu, từng chữ, từng dấu chấm dấu phẩy. Công trình khoa hạc thì phải không có sai sót. Không ai rảnh rỗi mà cứ 3 bữa lại đi đóng dấu 1 lần cho luận ven luận oán của mình. Sau này đi làm, viết cái gì ra cũng phải đọc tới đọc lui thật kỹ. Không thể gửi hợp đồng cho khách hàng rồi đi xin lại về để sửa lỗi chính tả. Ra đường lỡ tông xe cũng phải biết viết cái biên bản chớ, hẻm lẽ chạy vô tiệm mua rồi điền vô cái chấm chấm chấm. Vô thư viện tham khảo tài liệu, nếu thấy đề tài ghi tên mấy công ty như Vinamilk Giai, Hòa Phát Giai, Đồng Tâm Giai…..thì tự động coi dòng ở dưới mà ráp vô cho có nghĩa. Hẻm chừng chữ “ đoạn” rớt qua trang sau.

Nếu bạn làm giáo viên, đừng cho thể loại này ra trường, viết sai chính tả kiểu vậy nên giữ ở lại trường đào tạo thêm, khi nào ổn mới cho ra. Có mấy trường cấp 3 dễ dãi, tú tài của trường này ra viết một đơn xin việc không trôi. Có mấy đại hạc cũng dễ dãi, cử nhân kỹ sư của trường này ra bị người ta xài xể, nói trường gì lạ vậy. Còn bản thân mình làm thầy mà hẻm biết mấy cái ni, thì hạc thêm, tìm hiểu thêm hoặc làm biếng nữa thì nên nghỉ dạy. 

Hôm bữa Tony ngồi trên máy bay, mới mở cái tạp chí gì trước mặt ra coi. Thấy ghi

LÀM SAO ĐỂ LUÔN HẤP
DẪN CÁC NHÀ ĐẦU TƯ?

Bèn bỏ xuống. Ôi biên tập viên. Hay thấy trên mạng có tấm bảng tuyên truyền dân số

GIA ĐÌNH CÓ 2 CON VỢ
CHỒNG HẠNH PHÚC

Rồi lễ ký kết với quốc tế ở khách sạn 5 sao nọ, Signing Ceremony ( động từ sign là ký) thì trên băng rôn là Singing Ceremony ( động từ sing là hát). Khách Tây ở khách sạn tình cờ đi qua, nó tưởng là chương trình ven nghệ nên bu vô coi. Ngồi chờ cả buổi chỉ thấy 2 bên ký rồi bắt tay mà hẻm có ai hát, xong tụi nó nhìn nhau, nói sao lạ vậy?



Một đời xớ rớ…

Xớ rớ là một từ rặt Nam bộ. Nó nói hành động quanh quẩn một chỗ nào đó mà không làm gì. Người ta dùng nó để nhận biết những đứa có tài và bất tài trong một đám đông. Ví dụ đám tiệc, mấy đứa bất tài nó sẽ không biết phụ gì với ai, nên cao lớn chồng ngồng ngáng đường ngáng sá, còn không thì ngồi một góc hoặc nằm dài trên giường, ôm cái iphone hay laptop coi miết. Vì đầu óc rỗng tuếch, nghĩ không ra việc gì để làm, đứng chầu chực để được SAI VIỆC. Hoặc bản chất là đứa làm biếng, thay vì lảng đi chỗ khác sẽ bị chửi mắng, nên nó xớ rớ qua lại để người ta thấy là nó cũng có mặt. Để không mắc cỡ khi ăn. 

Còn người có tài thì khác. Họ sẽ quan sát và nhảy vô làm phụ. Thấy ai đó đang nhặt rau sẽ ngồi xuống phụ nhặt, thấy chưa có nước đá sẽ hỏi gia chủ rồi chạy đi mua, rồi dọn ly dọn chén dọn đũa ra trong lúc chờ đợi. Họ ra giữ xe, dắt xe, nhổ cỏ, lau nhà, rửa toilet, cứ thấy gì không ổn thì họ sẽ lao vào dọn dẹp. Rồi đếm số khách, bố trí chỗ ngồi, chỉnh âm thanh ánh sáng v.v… Nên người có tài họ luôn chân luôn tay, không bao giờ có chuyện đứng xớ rớ thừa thãi như mấy đứa bất tài vô dụng kia.

Khi đi làm cũng vậy. Người bất tài sẽ lên chỗ làm và tiếp tục xớ rớ. Không có óc quan sát nên cái đống rác trước mặt, nó cũng không hốt. Phải ngồi chờ chỉ đạo, ai sai việc gì thì làm nấy. Thậm chí giao 5 việc thì làm 3 việc, quên 2 việc. Nhắc lại thì mới nhớ, mới làm. Với nhóm bất tài này, thường xuyên có thời gian chết, ngồi nhìn vô màn hình đầu óc vô định miên man, cặp mắt vô hồn. Mắt nó chỉ sáng rỡ khi mở coi facebook tò mò chuyện cá nhân người khác, hoặc đọc tin tức ca sĩ diễn viên cởi áo tuột quần, mấy cái clip giật gân nhảm nhí.

Còn người có tài thì đến chỗ làm, họ sẽ nghĩ ra việc mình phải làm hôm nay, ghi vào sổ. Họ sẽ quan sát để ý, thấy à, với cái này, mình sẽ phải làm thế này thế kia, sau đó bắt tay vào làm tuần tự đến khi hoàn tất. Chủ động trong mọi việc, gọi cho người này người kia, phối hợp đồng nghiệp, nghĩ cách xử lý SAO CHO TỐT HƠN, ĐẸP HƠN, SẠCH HƠN, NHANH HƠN, GỌN GÀNG HƠN, HIỆU QUẢ HƠN.

Khi còn trẻ tuổi, lúc còn là nhân viên, người có tài bao giờ cũng luôn tay luôn chân từ 8h sáng đến 5h chiều, thậm chí ở lại đến 8-9h tối mới xong. Sau này lớn tuổi hơn, họ sẽ lên chức quản lý, họ sẽ phải nghĩ ra việc cho người khác. Còn đám xớ rớ kia thì cứ làm nhân viên miết, già 60 tuổi vẫn làm nhân viên, vì có một tuổi trẻ không có khát vọng vươn lên gì cả. Già cả lụm cụm bị tụi nhỏ làm sếp nó chỉ đạo, sai việc, làm không tốt bị tụi nó mắng mỏ khiển trách, nhiều lúc họ cũng cảm thấy tủi thân. Nhưng cân nhắc cho họ làm quản lý thì không được, vì 60 năm qua chỉ có kinh nghiệm xớ và rớ. Nên nếu bạn còn trẻ, đề về già không bị tụi nhỏ xài xể, thì ngay từ bây giờ hãy động não và động chân động tay giùm. 

Mình để ý ở đám tiệc, thấy thanh niên còn trẻ mà cứ đứng xớ rớ thì đừng có trọng dụng. Vì nó không biết làm gì đâu. Nếu cho nó làm quản lý, 3 bữa là dẹp tiệm. Thực tế là có những công ty mà ở đó, toàn thể lãnh đạo, cán bộ và công nhân viên cùng nhau lượn qua lượn lại, nhìn chóng mặt. Ai cũng đoạt giải “ Vua Ngáo ngơ” và “ Nữ Hoàng Xớ Rớ”.

Hoặc mình nạt, kêu đi ra ngoài đi, chật chỗ quá. Cũng đừng có ôm cái điện thoại hay máy tính khi mọi người đang làm việc. Nhìn ngứa mắt. Khi nào xong
xuôi tao kêu vô ăn.

Nhưng lúc vô ăn, nó ăn lại năng suất hơn người khác mới chết. Đặc trưng của nhóm người Xớ Rớ này là ĂN CỰC KHỎE.



Tony - không chỉ là đôi mắt đẹp

1. Thằng em họ ở quê (quê kỳ), 1 ngày đẹp trời nó tạo cho mình cái Page Tony Buổi Sáng, viết tắt là TnBS, nó nói anh viết linh tinh em đọc còn mê huống hồ chi ai, nên anh cứ post lên page cho người ta đọc, còn Tony thì cũng chỉ muốn viết nhảm cho đời nó tươi, chứ thật lòng nếu muốn nổi tiếng đã nổi tiếng từ lâu rồi vì tự nghĩ là không thua kém tứ đại thiên vương bên xứ Cảng Thơm (Lâu quá độc giả không ói).

Xong cái mình nhắn mọi người trên fb like ( lai) giùm, nó bảo đủ 400 like mới được facebook cấp cho community gì đó. Hồi đó còn chơi facebook với cả ngàn friend, giờ hết rồi. Cái mọi người like khí thế. Như bạn Hiếu K21-06 là ép, đứa nào trong friend list nó không lai là nó nghỉ nhậu. Riêng có 1 nhà văn và 1 nhà báo thì lớn tiếng xài xể mình hết biết. Nói thêm về 2 ông này, 1 ông vừa đoạt giải với tập truyện ca ngợi về " tính pkhoáng hào sảng của người Nam Bộ" và 1 ông giải nhất báo chí với loạt phóng sự " phê phán tư tưởng tiểu nông, lòng hẹp hòi và đố kỵ của người Việt". Ông 1 nói " tao đâu có ngu mầy. Mày viết hay như Vũ Trọng Phụng tái sinh, mà mày còn hơn cả Vũ tiên sinh ở chỗ hay chèn ngoại ngữ và tiếng địa phương 63 tỉnh thành, tao không chịu được". Ông thứ 2 nhắn " Sao tụi tao ăn học tốt nghiệp trường viết văn tử tế ra mà viết không lại mày? Từ lúc mày IPO ( chào bán ra công chúng) đến giờ, bài nào của tao cũng không được đăng vì thằng biên tập nói nhạt, do nó suốt ngày chúi mũi vô đọc cái page Tony Buổi Sáng cái con khỉ gió". Từ 1 tên lái phân ở miền Tây Nam Bộ chưa qua trường lớp đào tạo nào về ven chương thơ phú, Toni trở thành người tiên phong trong dòng ven hạc lãng mạng ( lãng xẹt trên mạng), mà đề thi tuyển sinh môn Ven năm 2100 có khi sẽ bắt học sinh phân tích.

Thống kê cho thấy, từ lúc Tony tung ra page TnBS, doanh số các nhà sách giảm 20% và lượng báo phát hành trên toàn quốc giảm 12%, sân khấu hài chỉ còn sáng đèn tối chủ nhật do tối đó Tony mắc đi ăn ốc và uống nước mía ở các khách sạn 5 sao trung tâm thành phố. 

2. Thư ký của 1 hiệp hội " các tài neng ven chương toàn cuốc" vừa gửi message cho Toni. Trong thư nói tội của anh lớn lắm. Cả cộng đồng nhòa ven và nhòa bố ( phát âm theo lối Quảng ngãi) càng nghĩ đến anh càng căm ghét. Sách chúng tôi viết ra không ai đọc. Báo phát hành ra hổng ai coi. Đoán là các bác ấy đang họp để đối phó. Như thường lệ, bác hội trưởng sẽ ngồi xõa tóc rũ rượi điều hành, rồi các hội viên sẽ kiểm điểm, phân tích, bươi móc hòng tìm ra điểm yếu của Tony. Và đại hội nhè quăn và nhè béo ( phát âm theo đoàn Phú Yên), như mọi lần, đã thành công gực gỡ ( phát âm theo đoàn đại biểu Đồng Tháp). Xong.Vỗ tay rầm rầm, nô nức cầm phong bì đi về đưa vợ or ghé thịt chó "Anh Tú thật" or "Hải xồm", uống ừng ực, cụng bôm bốp, mặt đỏ gay, xong tranh nhau giọng nhừa nhựa đọc thơ đọc ven của mình....trong mùi mắm tôm vương vẩy trên râu và dưới bàn là mấy cái lẩu xương chó nấu rựa mận bốc mùi ngào ngạt.

Các danh hài và biên tập viên cũng đang lùng sục Toni để trị tội. Hài trên tivi hẻm ai coi, quảng cáo ăn theo có tỷ lệ rating thấp nhứt trong lịch sử. Còn hài trên sân khấu thì còn hiu hắt hơn, dù các diễn viên ra sức lăn lộn, tụt quần kéo áo, giả trai giả gái, trợn mắt phùng há, hít le....đủ kiểu cũng hẻm có ai cười. Cả xã hội chỉ ôm nhau vào facebook chỉ để coi Tony Buổi Sáng. Thông tin sáng nay Toni ăn gì hay sáng nay Toni ngủ mấy giờ mới dậy được bàn tán xôn xao trong công sở, quán cafe, tiệm hớt tóc, xe ôm, taxi thậm chí đang chạy giữa đường cũng dừng lại để nghe ngóng tin tức về anh ấy....

Ngoài 1 số thương nhân bán phân cạnh tranh quyết liệt, hôm nay có thêm 1 vài người trong đội ngũ ven nghệ ghét Toni như ghét ....phân. Thấy lo lắng quá. Có khi nào họ chặn đường họ quánh Toni không ta? Nếu bị vậy thì Toni phải làm răng? Nhắm mắt đưa chân hay chống cự quyết liệt? Hay không đi đâu, suốt ngày ở lì trong biệt thự 12 tỷ hướng đông nam? 

Nhưng nói vậy cũng không được. Cũng phải đi lại chớ. Bèn đưa ra giải pháp. Mấy bữa nay trên xe hơi (7 tỷ, màu mận chín, có đứa trả 6 tỷ chưa bán) lúc nào cũng có bao phân sinh hạc bio-fertilizer (phân chuồng + xác cá đang phân hủy) đã xay mịn và hút chân không để phòng thân. Nếu chẳng may bị chặn đường quánh thì sẽ lập tức bấm nút bung ra...bụi bay mịt mùng, họ đang lúng túng chống đỡ thì Toni tổ chức quánh lại....

Rồi thoát.
------------------------------------------------
Đề bài: Em hãy phân tích vẻ đẹp trong sáng thánh thiện của Tony qua tác phẩm " Tony không chỉ là đôi mắt đẹp". Thời gian làm bài 10 phút, giám thị không được giải thích gì thêm.



Aug 14, 2014

Chuyện ở West Point (WP)

Ở Mỹ, đi xin việc làm, nếu vào thấy có ứng viên tốt nghiệp trường West Point cùng tham gia thì thôi coi như mình cầm chắc 1 suất rớt. Đi về cho nhanh, khỏi phỏng vấn nữa. Rất đông các CEO của các tập đoàn ở Mỹ tốt nghiệp trường West Point, tỷ lệ CEO trên sinh viên tốt nghiệp cao hơn Harvard, Standford, hay Yale...Ở Mỹ nghe ai nói tao từng học ở West Point, người ta nhìn mình từ trên xuống dưới, như 1 thực thể lạ, một con người hoàn hảo. Không xếp hạng được vì nó không có thể có tiêu chuẩn để xếp.
Vậy West Point là trường gì? Đó chính là học viện quân sự Hoa Kỳ. Điều khá lạ là mặc dù là học viện quân sự, nhưng lại cung cấp các quản trị cao cấp cho nền kinh tế Mỹ và thế giới. Sau 5 năm bắt buộc phải phục vụ trong quân đội, phần lớn các bạn rời bỏ binh nghiệp, học thêm một MBA rồi đi làm cho các tập đoàn. Rồi thăng tiến rất nhanh. Ở West Point, có một slogan là cứ đưa cho tôi một người không phải tâm thần, tôi đều có thể đào tạo thành 1 công dân ưu tú.
Mỗi năm WP chỉ tuyển khoảng 1300 bạn. Và trong 4 năm học, bắt buộc phải loại thải 10%/năm. Tức năm cuối chỉ còn dưới 1000 bạn ra trường. Chương trình học từ thiên văn vũ trụ đến cách bắt tay, cách uống rượu vẫn tỉnh táo, cách gấp mùng mền chiếu gối đến tranh luận các tác phẩm của Victor Hugo. Trên thông thiên văn, dưới tường địa chất, giữa thấu nhân tâm. Tony quen với anh bạn, tốt nghiệp trường WP và đang làm sếp một công ty đa quốc gia ở Singapore, mỗi lần gặp, ảnh kể về trường WP với một thái độ tự hào, mình nghe mà say mê, chiếc nhẫn biểu tượng của cựu sinh viên WP trên tay anh lấp lánh.
Ảnh kể, sinh viên vừa vào trường đã phải bị khủng bố tinh thần. Quan niệm là trụng nước sôi 100 độ rồi đem qua trụng nước đá. Nên sau này, dù có sự cố gì trong đời, họ cũng cảm thấy bình thường, chẳng xi nhê gì. Đầu tiên là họ nhốt sinh viên từng tốp vào trong phòng, sau đó 2h sau thì thả ra, yêu cầu trả lời các câu hỏi như có bao nhiêu bóng đèn trong phòng, bàn ghế màu gì, lúc vào mấy h mấy phút, lúc ra mấy h mấy phút, người ngồi bên trái bạn có đeo đồng hồ không, người bên phải tên gì....Trả lời không được là tự động cuốn gói về nhà. Bài học đầu tiên về ÓC QUAN SÁT, cái quan trọng nhất của một nhà quản trị tài ba. Và n bài học tương tự như vậy. Sau này, ảnh đem các bài học này chế biến lại thành tài liệu dạy sinh viên các đại học khác hay nhân viên thực tập cho tập đoàn, cứ 1 đứa "đoạt giải nhất ngáo ngơ toàn quốc" vào mà chịu học, 6 tháng sau thì lột xác thành 1 người mới hoàn toàn, thành Steve Job luôn. Cái Tony xin tài liệu của ảnh, đem về VN dịch, áp dụng cho hãng của mình và đang biên tập lại cho câu lạc bộ con dượng.
Rõ ràng dấu ấn đào tạo rất quan trọng với người trẻ. Nếu chịu khó và có phương pháp đào tạo đúng, ngây ngô ngáo ngơ vẫn trở thành xuất sắc, vì chúng ta giỏi lắm chỉ sử dụng có 1/10 khả năng của bộ não. Giáo dục Mỹ nói chung là kỹ, vì họ đào tạo là cho nước Mỹ có thể sử dụng, không phải chỉ với mục đích xuất khẩu giáo dục như một số nước khác. Nên với sinh viên ngoại quốc, đầu vào cũng rất khó, phải vượt qua các kỳ thi như Toefl, SAT, GMAT, GRE…tuỳ theo cấp và ngành, còn trường nào không kiểm tra đầu vào, thì trường đó hoặc là diploma mill, hoặc hẻm ai biết tới. Họ cho rằng, việc học viên có được các chứng chỉ này thể hiện sự nghiêm túc trong việc theo đuổi học thuật. Thật ra, các kỳ thi này, so với khả năng của sinh viên VN, thì chẳng là gì, vì để vào đại học VN, kiến thức còn khổng lồ hơn nhiều, khó hơn nhiều. Cũng vì là đào tạo để nước Mỹ có thể sử dụng, nên thời gian cũng lâu hơn, như MBA cũng phải mất 3 năm….so với 12 hay 18 tháng ở một số nước.
Trở lại hạc viện WP lừng danh bên bờ sông Hudson, cách không xa New York, đây là ước mơ của mọi ông bố khi có đứa con ra đời, và muốn nó ” đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Đào tạo trở thành công dân có ích, giỏi giang, để thoả chí tang bồng hồ thỉ, vùng vẫy giữa đất trời. Khi 18-30 tuổi, trong lúc đám ngây ngô kia đốt tuổi trẻ trong các quán bar, các quán cà phê, vũ trường, rũ rượi xoã tóc đi ra đi vô vì không biết làm gì, suốt ngày chat chit nhăng cuội, ngủ nhiều hơn học và làm nên đầu óc u u mê mê, nông cạn, cái gì cũng làm biếng, cũng lười…thì các bạn này đã phải vất vả đầu tư trí lực và thể lực. Thư viện WP mở 24/24, ở đó người ta thấy những cái đầu cắm cúi ghi ghi chép chép, những cuốn sách dày cộm phải đọc xong trong một vài ngày. Đọc nhanh và rất nhanh, để sau này đi làm, giấy tờ công văn, đọc nhoay nhoáy để phúc đáp, chứ thể loại thấy chữ nhiều đọc nhức mắt, thì thôi khỏi tuyển dụng. Nó đánh vần 1 công văn đọc xong mất hết cả ngày, năng suất lao động sẽ kém. Trí thức là phải đọc nhanh để làm việc giỏi, mà muốn đọc nhanh thì phải tập luyện.
Kỹ năng thuyết trình, thuyết pháp sao cho người khác nghe mà rụng rời tay chân nằm trong chương trình học. Những bức tường ở WP luôn đông nghẹt học viên đứng nhìn vào đó, tập nói với bức tường, thu âm, nghe đi nghe lại, nói đi nói lại sao cho hay mới thôi.
Dưới trời tuyết lạnh khủng khiếp, họ phải lăn lê bò trườn để tập thể lực. 5h sáng là kẻng đánh thức dậy, tập thể lực bằng các bài tập với cường độ nặng của vận động viên nhà nghề. Tập bơi, đứng nước 5h, ai đuối quá thì vớt lên, coi như rớt. Rồi tập vượt mọi địa hình. Rèn luyện thể lực sao cho mọi điều kiện thời tiết đều phải thích nghi, nóng 45 độ ở châu Phi hay âm 20 độ ở Alaska đều chịu được.
Kỹ năng tồn tại được chú ý đào tạo kỹ. Những lần trong đêm tối, họ bị thả giữa rừng, và tìm cách về lại trường bằng mọi khả năng có thể, nhìn các vì sao trên trời đoán hướng, tìm thức ăn, dựng lều. Và có khi đang ngủ say giấc, 2 h sáng bị đánh thức dậy để kiểm tra kiến thức, với các câu hỏi như 10 vị tướng giỏi nhất mọi thời đại là ai, tướng Võ Nguyên Giáp dùng chiến thuật gì trong trận Điện Biên Phủ, nếu bạn là Napoleon, bạn sẽ viết lại lịch sử của Waterloo như thế nào….Không trả lời được, phải đứng ngoài hành lang cả đêm để suy nghĩ. Đào tạo để mỗi WPer có được dáng vóc của một người mẫu, sức khoẻ của một vận động viên Olympic, trí tuệ của một học giả, ăn nói như một thuyết gia, cư xử như một chuyên gia tâm lý….
Khi về già, họ thành lập các hội WPer alumni, đi câu cá bên bờ biển Caribe, đi ngắm hoàng hôn ở Bali, thong dong tự tại, phong lưu tuyệt đỉnh, vì ai cũng có một tuổi trẻ học và làm như điên. Còn có những người đàn ông trên đời, về già rồi, mà vẫn cứ vật lộn mưu sinh, xin tiền vợ, xin tiền con cái, thì cũng có thể họ kém may mắn, nhưng cũng có thể họ đã lãng phí tuổi trẻ một cách vô bổ trong các trò trai gái, ăn chơi đàn đúm, xài tiền của cha mẹ, hay đơn giản là lười nhớt thây. Làm biếng thì sau này phải khổ, thế thôi. Trách ai.
Nhìn các hạc viên WP đánh đàn, nhảy, khiêu vũ, võ thuật, hát, ảo thuật, thám hiểm, vẽ…hay thậm chí tỉ mỉ ngồi cắt tỉa giấy để rèn luyện đôi tay khéo léo, bạn sẽ thấy mình sẽ phải cố gắng thật nhiều. Một ngày chỉ có 24h, là công bằng cho tất cả mọi người. Chúng ta phải ngủ 6-8 tiếng, ai cũng chỉ còn 16h trong ngày. Nên phải chia ra, làm gì, học gì trong quỹ thời gian ít ỏi đó. Một WPer nếu sáng sớm không nộp được bảng mô tả công việc trong ngày ( daily to-do list) cho bạn trưởng nhóm, thì coi như nắm chắc suất cuốn gói về quê. Không có chuyện ngủ dậy và ngày đó không biết mình phải làm gì.
Sinh viên người Việt ở West Point khá đông, nhưng đều là Việt kiều, nữ nhiều hơn nam. Du hạc sinh quốc tế ở WP một năm chỉ vài ba chục bạn, vì đầu vào khó quá. Con trai cả của thủ tướng Cambodia Hun Sen cũng tốt nghiệp trường này. Bạn mà nhìn thấy cậu này, không mê thì thôi. Đẹp ngời ngời từ ngoại quan đến nhân cách, mạnh mẽ nam tính và thông tuệ, quý phái từ cốt cách đến tinh thần, một nụ cười cũng chứa sự bao dung như trời đất, thật là không có gì có thể so sánh nổi. Sự cố tranh chấp đền Preah vihear với Thái Lan, hai bên quyết không bên nào chịu nhường bên nào, thậm chí đã vang lên tiếng súng. Trước tình hình cấp bách đó, anh nhận nhiệm vụ của tổ quốc và lên đường đi đàm phán với người Thái. Và chỉ với ánh mắt ấm áp và vài câu nói sắc sảo theo phong cách West Point, bên Thái Lan phải xin lỗi và rút quân, nhường lại ngôi đền này cho quê hương Cambodia của anh…(còn tiếp)

Yêu cầu tăng lương kiểu Tony

Năm cuối ĐH, mình theo chân cô bạn xinh đẹp và lanh lợi cùng lớp tên V.A đi làm tele-sales, tức bán hàng qua điện thoại. Làm lương cũng khá, nhưng chủ yếu là mình vô khách sạn 4 sao để học giao tiếp. Đây là bước đệm cực kỳ quan trọng để có thể tự tin nói chuyện với đủ loại người, đủ hạng người hỉ nộ ái ố mình gặp sau này. Nếu họ chịu tiếp mình qua điện thoại, thì coi như thành công. 

Nhờ những ngày tháng đó, kỹ năng nói qua điện thoại của Tony giờ rất cao thủ, ai nghe mà không hồn xiêu phách lạc mới lạ. Ngày nào cũng gọi mấy chục cuộc, vui lắm. Các bạn sinh viên có thể làm tele-sales để tăng cơ hội va chạm, trải nghiệm, kỹ năng ăn nói.....mà còn được tiền, chả mất gì cả. Cứ mạnh dạn làm đi. Có khi gọi 100 cuộc mà chỉ có 1 cuộc có nhu cầu, 99 còn lại thì thôi đủ kiểu, nói nhẹ nhàng từ chối cũng có, la hét chửi bới cũng có, cúp cái rụp cũng có...nhưng đều nên xem đó là cơ hội được trải nghiệm, sinh viên mà, sợ gì, tự ái làm cái gì, vì có cái gì đâu mà tự ái với sũy diện? 

Giờ nghe các bạn gọi điện đến tiếp thị bảo hiểm hay sàn vàng, đất đai, chào hàng cái gì đó...Tony đều nhẹ nhàng từ chối, rằng cám ơn em anh không có nhu cầu em nhé. Mình hiểu lắm cảm giác bị tổn thương khi ai đó quát nạt một đứa trẻ 20 tuổi những câu như là gọi gì gọi hoài vậy, mày có tin là tao qua công ty mày đập phát chết mày không, thậm chí 1 tràng toàn tiếng đan mạch. Cũng vì công việc, vì công ty họ bắt làm, cũng vì kiếm chút tiền, kiếm miếng cơm no bụng cả thôi. Nạt nộ khi dễ người ta chi tội nghiệp vậy.

Độc giả TnBS nếu có bị gọi nhiều quá thì cũng đừng có nặng lời với các bạn tele-sales nhé, coi như đó là giọng nói của anh Tổng Tony lúc 20 tuổi đi. Hồi đó, Tony về vắt tay lên trán suy nghĩ, cũng buồn, cũng thấy tự ái, nói thôi chắc nghỉ. Nhưng nghĩ lại, vài bữa tốt nghiệp xong, mình sẽ vào làm chỗ công ty đa quốc gia vì mình giỏi ngoại ngữ mà, lỡ bị bắt ngồi máy tính suốt ngày (phân tích số liệu chẳng hạn), thì chẳng còn có cơ hội được nghe những lời đủ cung bậc cảm xúc như vậy nữa. Thế là sáng hôm sau khi uống cốc cà phê, lòng lại vui, lại lạc quan và cầm điện thoại lên gọi khí thế. 
Khoảng cuối những năm 90, gọi chủ yếu là điện thoại bàn. Muốn tra thông tin về số ĐT hay tên chủ thuê bao thì có thể gọi 108 hay 116. Gọi 108 thì tốn tiền trong khi 116 thì miễn phí. Nhớ kỷ niệm lần đầu làm tele-sales. Mất cả tháng đào tạo, vừa xong 1 cái là mình nhanh nhẹn lao ra chỗ ngồi làm việc thực tập liền. Bấm 116, bên kia đầu dây vang lên 1 giọng nữ. Mình lanh lẹ hỏi " chào chị. Chị ơi giúp em số điện thoại của nhà hàng X, địa chỉ 111/222 Lê Văn Sĩ được không ạ?" Bên kia đầu dây trả lời tỉnh bơ " Sao tui biết được". Mình lặp lại yêu cầu, nhưng chị nói tui không biết cậu ơi. Mình bắt đầu mất kiên nhẫn "chị nói gì kỳ vậy, nhiệm vụ của chị là cung cấp thông tin này cho tôi chứ. Chị nói “ tui thiệt là không biết mà”. Cái Tony giận dữ liền “ tôi không hài lòng về cách trả lời của chị. Chị tên là gì vậy, tôi sẽ nói chuyện với giám đốc của chị". Chị nói " mà cậu là ai, ở đâu vậy". Cái mình thơ ngây khai liền, nói em là Nguyễn Văn Tèo, gọi đến từ khách sạn Hello Saigon. Chị ấy hỏi em làm ở bộ phận nào, dạ nói em làm kinh doanh ở đây, chị có biết khách sạn Hello Saigon là khách sạn 4 sao rất lớn không. Cái chị ấy nói, Tèo ơi là Tèo, chị Thái nè, giám đốc kinh doanh ở đây nè. Em gọi 116 phải bấm số 9 đầu mới thoát ra được, còn 116 là số nội bộ của khách sạn, là số máy nhánh của chị.

Trời ơi, chị ấy mới tuyển mình vô làm mà, mới đào tạo nhóm mình xong. Tự thấy mình ngáo ngơ thấy ớn, thôi chạy vô xin lỗi, nói dạ chị ơi, em sai rồi, em đã ghi vào sổ lỗi này và hứa sẽ không bao giờ lặp lại nữa ạ. Mình đứng trước mặt chị, gãi đầu ngượng nghịu, tay chân lóng ngóng vụng về. Chị cười nói, khi 20 tuổi, người ta được phép sai lầm vì nhiệt tình quá.

Chị ấy khen sinh viên trường ĐH Cà Mau tụi em sao thiệt thà dễ thương quá vậy. Và nói, để chị đề nghị kế toán mai tăng lương cho em và V.A nghen.

Mình nói Dạ. 

Hết.



Loạt bài hướng dẫn khởi nghiệp cho các bạn trẻ trong CLB con dượng

Dượng Tony sẽ viết các bài hướng dẫn khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất. Đầu tiên là chế biến nông sản, ví dụ mứt thanh long ( giúp nông dân trước). Sau đó các ngành như dệt may ( để giúp giải quyết lao động), cơ khí chế tạo máy ( sự tự chủ của kinh tế Việt), tin học và điện tử, cây trồng và vật nuôi…Các bạn hoàn toàn có thể thực hiện được, vì không có hàn lâm phức tạp gì cả. Trừ nhóm làm biếng ôm cái Ipad coi suốt thì nên bỏ qua loạt bài này, loạt bài này chỉ dành cho nhóm con dượng xắn tay áo lên và LÀM.

Các bạn làm dịch vụ hay thương mại marketing thì tự tìm hiểu vì dượng không dành thời gian chỉ các bạn , dù dượng được đào tạo ở Harvard về lĩnh vực đó, dượng hẻm có nổ, với trí tuệ này hẻm lẽ có mỗi trường Harvard mà không vô được? Nhưng dượng mong muốn các bạn trẻ sản xuất hơn, dượng không thích mấy đứa hạc quản trụy kinh danh và chỉ thích ngồi máy lạnh. 

1. Chất bảo quản. Nhiều bạn sản xuất thạch dừa, rau cau, mứt, nem chả, …nói sao con làm có 3-4 ngày thì đã hỏng, lên mốc meo, phải thu hồi. Vấn đề là chất bảo quản và cách bảo quản, mình phải sử dụng đúng để kéo dài thời gian lưu trữ, mới thương mại hóa, mới đem ra buôn bán được. Muối,đường,giấm và rượu là 4 chất bảo quản tự nhiên rất tốt. Mắm sở dĩ để lâu vì mặn, với nồng độ muối đó, vi khuẩn có hại hay nấm khó phát triển. Đường, giấm và rượu cũng vậy. Nhưng hẻm lẽ khô thanh long mà mặn chằn hay nồng nàn mùi rượu, ăn xong say lăn quay? Hay măng chua thì phải bỏ đường vô thành mứt măng, sao nấu canh được. Nên mình phải dùng chất bảo quản, an toàn và hợp pháp, rất nhiều loại, có ký hiệu là E200 đến E299. Dượng biết vì dượng làm hóa chất 15 năm rồi, có 2 cái phổ biến:

Thứ nhất là Sodium Benzoate, tức Natri Benzoat, một loại muối của axit benzoic. Ngoài thị trường hóa chất nó nói là mốc, hay chất chống mốc, hỏi mua thoải mái, hẻm biết thì inbox hỏi dượng. Trên nhãn hàng, người ta ghi là E211, công thức phân tử là NaC6H5CO2, mở gói mì tôm nào cũng có, bánh kẹo gì cũng có…

Thứ 2 là Kali Sorbate ( Sodium Sorbate), muối của axit sorbic, E202. Loại này mắc tiền hơn cái trên, dùng trong sản phẩm sang hơn 1 chút như bánh mì tươi, kem, sữa chua, phô-mai, trứng cá, mỹ phẩm, dược phẩm, giò chả, nem chua, thịt nguội, xúc xích…Lợi thế của nó là hẻm có mùi vị gì ráo. 

Thôi biết 2 cái được rồi, mấy cái khác dượng nói sau. Nói nhiều hẻm nhớ hết. Mua về bỏ vô đi nhé, nghiên cứu kỹ để bỏ tỷ lệ vừa phải. Còn vừa phải là bao nhiêu thì tự làm đi mới biết. Đầu bếp khác người nấu ăn cũng chỉ có ở chỗ bỏ gia vị tỷ lệ “ vừa phải”.

P/S: Dượng cái con mẹ gì cũng biết, cũng làm được nhưng hẻm có thời gian. Nên chỉ cho các bạn, đứa nào muốn giàu thì theo dượng.

Thông báo số...

Hiện có nhiều giáo viên văn cấp 2,3... có inbox xin Tony được lấy các đoạn văn đem xuống làm tài liệu đọc thêm cho các bạn trẻ, Tony vẫn đồng ý nhưng khuyến cáo là các thầy cô nên hướng dẫn lấy tinh thần, lấy ý tưởng thôi, không bắt chước cách viết. Vì Tony viết theo kiểu ngôn ngữ mạng, văn nói...nên các bạn nếu bắt chước sẽ bị điểm thấp. Vì văn chương hàn lâm phải bay bổng, có nhiều biện pháp tu từ, dùng từ lạ, khó...

Mong các thầy cô lưu ý nhé. Cám ơn. Tony

Chương trình hạc ngụa ngữ với Tô Nuỳ (bài 11)

Mình chỉ có một cuộc đời, hãy sang chảnh. Đừng biến thành đứa rẻ tiền vì không trung thực.

Sáng nay mình học chữ Honest nhé. Đọc là ó nịt s ( sờ nhẹ). 

Nghĩa là trung thực, lương thiện. Mr Kevin is an honest man, lão Kevin là 1 người trung thực. Vì chữ H ở đầu là câm, nên mình đọc Ó chứ không Hó. Nên phải dùng an để trước thay vì a. An honest friend 

Danh từ là honesty, đọc là ó nịt ty. Tức sự trung thực. 

Ông Warren Buffett ( Quó rinh búp phày), nhà đầu tư tài chính tài ba nhất thế giới, nói câu này. Sự trung thực là 1 món quà vô giá ( a very expensive gift, đọc là ẹt pen si v gíp). Đừng mong điều này ( dont expect it, đọc là đân ẹt péc ) từ mấy đứa rẻ tiền ( cheap people). Tức mấy đứa hay nói dối là hạng người rẻ tiền, không đáng chơi. Chơi rồi rẻ tiền giống nó sao được. Vậy héng

Chương trình hạc ngụa ngữ với Tô Nuỳ ( bài 11)



Đề bài: Em hãy mô tả quang cảnh phòng chờ sân bay

Em có dịp đi công tác bằng máy bay, xong thì em quay về lại thành phố. Làm thủ tục xong và vào phòng chờ sân bay ở một tỉnh nọ, em vừa yên tọa, bỗng giật mình bởi tiếng của 1 cô gái mặc áo dài xanh đứng núp trong cánh cửa, tay cầm cái mi cờ rô " Nây đi èn gen tờ mìn, phờ lai năm bờ Oanh Oanh Phò....hát bin đì lây " ( đoán là Ladies and Gentlemen, Flight Number 114 had been delayed). 1 cậu tre trẻ ngồi bên cạnh em liền chửi thề bằng tiếng Mỹ câu gì đó em nghe có máy fax. Cậu lầm bầm nên đổi tên là Đì Lây È Lãi, lầm bầm xong, cậu móc điện thoại gọi điện cho người thân để thông báo. Em xếp cậu này thuộc nhóm rành sinh ngữ hay đang mần cho công ty nước ngoài, vì thấy nói chuyện không có câu nào mà đầy đủ tiếng Việt. Ví dụ 1 câu của cậu này là "Ối giời ơi nó lại đì lây ( delay) rồi, nên em nâu nít ( no need) ra đón anh sớm, khi nào có i xác thai ( exact time) anh sẽ còn phơm (confirm) lại".

Mấy cô mấy cậu khác thì em thấy đang chúi mũi vào cái lap tóp chắc để oánh gem chát chúa hay dạo chơi trên mạng, la hét om sòm cười nói như ở nhà riêng, chắc chưa có ai nói với các bạn là ở chốn đông người nên nói với âm lượng vừa phải. Em xếp vào nhóm rành tin học. 

Trong 1 góc, các bô lão đang hãnh diện kể cho nhau nghe về con A, thằng B của tôi...đang làm gì ở Sài Gòn. Lâu lâu vẫn quy thóc giá vé máy bay rồi chép miệng. Em xếp vào nhóm phu huynh có con cái Nam tiến, làm ăn có chút tiền muốn báo hiếu bằng cách ép các cụ sử dụng phương tiện giao thông hiện đại cho biết. 

Một nhóm mấy bà mấy cô vội vã chạy vào quầy để mua sắm chè xanh, mơ, sấu, bánh đậu xanh..., mấy cô mậu dịch viên mặc áo dài hồng vây quanh tươi cười tiếp chuyện. Em xếp vào nhóm Hãy chọn giá đúng. 

Phần lớn hành khách đắm chìm và say mê nhắn tin qua di dộng, lâu lâu lại cười hi hí. Với một số người Việt, ĐT di động là báu vật, cứ mấy phút phải móc ra coi 1 lần, thấy không có ai nhắn tin thì lại bỏ lại vô túi quần. Em xếp vào nhóm Đam mê Truyền Thông.

Vài ông nhìn da trắng meng méc chắc Đài Loan gì đó đang nói cười với mấy cô em xinh đẹp gốc Miền Tây, nói về Hở Nei, Xia Lỏng Wạn ( Hà Nội, Hạ Long)...Mấy cô em hạnh phúc ra mặt sau chuyến trăng mật. Em xếp vào nhóm hôn nhân có yếu tố nước ngoài. 

Một nhóm say mê nhìn màn hình tivi đang phát chương trình gem sô gì đó thấy người chơi chạy nhảy lung tung và 2 MC ra sức lùa người chơi vào cái ô cho đúng luật, dạo này gem sô nhiều quá không biết cái nào là cái nào. Kết luận: Nhóm văn hóa nghe nhìn. 

Mấy khách du lich ngoại quốc mắt xanh đang ngồi thành 1 góc. Tất cả im phăng phắc và mỗi người 1 cuốn sách trên tay. Để ý thấy Tây hay đọc sách trong sân bay, nhà ga, phòng chờ...cứ có thời gian rỗi là họ đọc. Cảm giác bình thường không nôn nóng mấy. Em xếp vào nhóm cộng đồng văn hóa đọc. Em không thấy người Việt nào trong nhóm này, em ít thấy người Việt nào đọc sách ở chốn công cộng. 

Đợi lâu quá nên cậu trai rành sinh ngữ mon men tới ngồi cạnh đám khách Tây chắc để thực tập sinh ngữ. Cậu hỏi ngay một bà Tây rất già đang run run cầm sách (Chắc bị Parkinson nhưng cũng bon chen vui thú reading) " hoe oa ziu phờ zôm? –đoán là where are you from". Bà Tây có vẻ bị làm phiền nhưng cũng mấp máy trả lời cho nó có văn hóa với người bản địa... 

Quan sát tới đây thì đã quá mệt, em bèn ngủ gục.


Cuộc thi: Nét đẹp Thanh Long

Bạn nào máu lửa sản xuất thì vào đây. Đây là cách chế biến mứt thanh long


Tối nay bắt tay vô mua thanh long, đường, mật ong làm đi. Gửi 1 hũ dự thi, nếu Tony và CLB con dượng thấy ngon, Tony sẽ quảng bá cho các bạn trên TnBS. Biết đâu từ cái chảo lửa nho nhỏ đó, bạn sẽ lên nhà máy luôn, vì mấy quỹ đầu tư thi nhau rót vốn. Rồi các độc giả ở nước ngoài sẽ tới tấp đặt hàng… 

Vậy nhé. Bạn nào làm thì inbox cho bạn admin này https://www.facebook.com/khoi.finance để biết địa chỉ gửi lọ mứt dự thi. Nhớ ghi rõ tên thí sinh, quê quán, chiều cao cân nặng số đo ba vòng.. 5 bạn vào chung kết sẽ được Tony trực tiếp ôm hun và tư vấn cách khởi nghiệp. Sau đó thi áo tắm rồi ứng xử để đoạt giải nhất. Lễ trao giải sẽ diễn ra dưới bụi thanh long.

P/S: Thi thiệt đó nghen, hẻm phải nói giỡn đâu.


Tony cũng đồng ý cho admin nhận các quảng cáo khởi nghiệp cho các bạn trẻ trên trang, lĩnh vực sản xuất mà thôi. Ví dụ bạn trẻ, học sinh trường nghề nào đó, ví dụ học cơ khí, mở cơ sở sản xuất bù lông ốc vít, bạn trẻ nào học điện tử, mở sản xuất đồ chơi trẻ em, hay sản xuất cái gì cũng được. Các bạn viết bài gửi lại TnBS, dượng sẽ biên tập cho hay ho, rồi đăng lên để cộng đồng ủng hộ các bạn trong việc tiêu thụ sản phẩm hay cho vay vốn hay hợp tác với nhau. Hệ thống các con dượng rộng khắp sẽ kiểm tra tính xác thực của thông tin. Và hoàn toàn miễn phí.

Phải sản xuất các bạn ạ. Sản xuất là hướng đi đúng của một nền kinh tế hùng mạnh.

Màu trắng hay đỏ đều được các bạn nhé. Chủ yếu là vị ngon.

Aug 13, 2014

Chụy lái đò

Cũng có thể loại người, cả chục năm không gọi không liên hệ gì với bạn bè cả, lâu lâu gọi, nói tao Nguyễn Văn Tí nè, bạn lớp 7 của mày nè, nhớ hông nhớ hông. Thì y như là: 1-mượn tiền, 2- mời đám cưới, 3- nhờ vả gửi con gửi cháu. Tony gặp thể loại này là từ chối thẳng, nói cho mày mượn tiền rồi sao lấy lại được. Hổng lẽ chục năm sau mày lại xuất hiện rồi trả? Nó giận dỗi, nói mày không coi trọng bạn học gì cả. Bạn học là cái gì đâu, chẳng qua trời xui đất khiến sao đó mà hồi đó ngồi chung với mày 1 lớp vậy thôi chứ gì mà ghê vậy..

Lòng biết ơn, sáng nay, trên TnBS


Chụy lái đò

Hôm nọ, Tony đi cà phê với Mr John, giám đốc 1 công ty thức ăn chăn nuôi ở Bình Dương. John nói tao phỏng vấn tuyển nhân viên, có 3 ứng viên đều đạt tiêu chuẩn. Tao chờ thử khi về nhà, coi ai gửi thư cám ơn thì sẽ nhận vô làm. Dù sao cũng vài dòng “cám ơn đã dành thời gian phỏng vấn tôi’ như là 1 phép lịch sự, dù không có bắt buộc. Chờ miết hẻm thấy đứa nào gửi. Nên đành phải phỏng vấn tuyển tiếp.

Tony nói thôi mày khùng quá John. Tết Công Gô cũng không tìm ra. Kiếm đứa nào mới ra trường, mặt mũi thông minh lanh lẹ, học trường nào cũng được, miễn là có đọc Tony Buổi Sáng thì đều là đứa khá về mặt tư duy và đạo đức, rồi đào tạo nó về mặt chuyên môn, ươm trồng rồi hái quả.

Nói mới nhớ. Có mỗi cái hậu thư (follow-up letter) hay cái thư cám ơn ( thank-you letter), sao người mình ít ai biết. Nhiều bạn kém 1 chút, nhưng phỏng vấn xong, khi về nhà gửi công ty vừa phỏng vấn 1 thư cám ơn. Nhờ cái thư đó mà được nhận vào làm. Vì hành động chút xíu đó thể hiện sự chỉn chu, tinh tế, biết trước biết sau, kỹ càng, lịch sự. Doanh nghiệp thấy đứa này với tính tình dễ thương như vậy, sau này đối tác khách hàng gì cũng yêu mến nó mà mọi việc thuận buồm xuôi gió. Làm cái gì cho công ty cũng hanh thông vì người ta có cảm tình.

Cám ơn là câu cửa miệng của người nước ngoài, nhưng người mình thì ngày càng hiếm hoi. Chữ cám ơn một cách thật lòng, xuất phát từ lòng biết ơn chân thành, là 1 tiêu chí để đánh giá con nhà có giáo dục tốt từ cha từ mẹ. Người ta cho mình cái gì, dù nhỏ xíu xìu xiu, cũng phải biết ơn. Còn cũng có thể loại thô lỗ, đi tới nhà người ta đãi ăn đãi uống đã đời, về xong im thin thít. Hẻm có nổi cái tin nhắn “ đã về nhà an toàn, cám ơn Tony đã cho em ăn bữa tối hôm nay”, thật ra Tony cũng chỉ lo đi đường có sao không. Đi công tác nước ngoài cũng vậy, lúc ra sân bay ở bển thì ôm hôn tạm biệt thôi là tạm biệt, nhưng về nước thì im re, hẻm có nổi cái email cám ơn về sự đón tiếp của bản ( thanks for your hospitality). Đi về nước thì phải gửi thư nói đã về nhà an toàn, cám ơn thời gian mày tiếp đón tao ở Shanghai chớ. Phép lịch sự và lòng biết ơn tối thiểu này, sao ko ai dạy tụi nhỏ cả. Để ra quốc tế, người ta coi thường, nói người Việt thực dụng thế này vô cảm thế kia. Lúc trên sông thì ngon ngọt với cô lái đò, qua sông là phủi đít cái rẹt. Vài bữa đi đò lại thì lại năn nỉ ỉ ôi, em chào chụy, chụy lái đò của em, em của chụy đây mà...

Ngày 20/11 thì chỉ đi thăm thầy thăm cô lúc đang còn học lớp của họ, chứ học xong là quên luôn, gặp ngoài đường giương mắt ếch ra nói ông này bà này nhìn quen quen. Lúc cần xác nhận bảng điểm hay bằng cấp hay thư tiến cử đi xin học bổng gì đó, thì lại vác mặt đến nói cô nhớ em hem, làm là Tèo lớp cô ngày xưa nè, giả lả kể kỷ niệm này kỷ niệm kia. Nhiều thầy cô ký đại cho xong chứ chẳng biết nó là ai, và nó cũng chẳng cần gì ngoài cái chữ ký ấy. Nuôi mèo nuôi chó thì bắt nó ăn phân, bắt giữ nhà,nhưng nổi cơn thèm đạm lên là ông chồng lấy chày đập phát chết tươi, bà vợ cạo lông rồi bỏ vô nồi luộc, 2 vợ chồng ngồi ăn nói sướng mồm ghê nhỉ. Cái đuôi hay vẫy này, em hầm em ninh với đỗ đen ăn cho bổ. Cái tay hay bắt này, rựa mận nhá anh. Cái lưỡi hay liếm chủ nè, để chụy xắt mỏng làm nộm hoa chuối. Cái tư tưởng “nhân dưỡng vật, vật dưỡng nhân” từ Trung Hoa đã lây lan sang biên giới, rồi phát triển mạnh mẽ dưới hoàn cảnh đói kém ở nông thôn thời phong kiến, nay ở thành phố người ta lại muốn phục hưng cái hủ tục lạnh lùng ấy, một cách vô cảm và vô ơn. Các bạn trẻ nên nhớ điều này, thấy mấy đứa ăn chó ăn mèo thì nói nó, nó mà không nghe thì thôi nghỉ chơi. Thể loại vô cảm với vật, thì cũng sẽ vô ơn với người.

Cũng có thể loại người, cả chục năm không gọi không liên hệ gì với bạn bè cả, lâu lâu gọi, nói tao Nguyễn Văn Tí nè, bạn lớp 7 của mày nè, nhớ hông nhớ hông. Thì y như là: 1-mượn tiền, 2- mời đám cưới, 3- nhờ vả gửi con gửi cháu. Tony gặp thể loại này là từ chối thẳng, nói cho mày mượn tiền rồi sao lấy lại được. Hổng lẽ chục năm sau mày lại xuất hiện rồi trả? Nó giận dỗi, nói mày không coi trọng bạn học gì cả. Bạn học là cái gì đâu, chẳng qua trời xui đất khiến sao đó mà hồi đó ngồi chung với mày 1 lớp vậy thôi chứ gì mà ghê vậy. Tony nghĩ dù là bạn gì cũng vậy, phải có tình có cảm, có gặp gỡ với nhau, giao lưu với nhau, chứ chỉ xuất hiện lúc cần, biến mất, rồi lại xuất hiện, thì mối quan hệ đó để làm gì. Tốt nhất là dẹp cho xong. Mình chỉ có 24h trong ngày, đi làm hết 8 tiếng, ngủ hết 8 tiếng, chỉ còn có 8 tiếng còn lại và có tới 7 tỷ người trên trái đất này. Hãy dành thời gian cho người xứng đáng.

Nhiều người chả rõ tôn giáo mình là gì, lâu lâu đến chùa đến miếu là để xin. Xin tiền, xin duyên, xin thi đậu, xin cho con lấy được Tèo Đô La để con có tiền đô con xài, cho con trúng số... toàn xin với xỏ, chứ giáo lý Phật pháp 1 chữ không biết, chẳng biết cái miếu đó thờ ai. Mua chim thả phóng sinh, thả cá thả rùa, trong khi trong tâm thì chẳng bao giờ làm điều tốt, chẳng thương người, sống ích kỷ, chỉ biết cho mình, vun vén cho bản thân và gia đình mình, còn ai thì mặc kệ.

Nhóm người này đều không thành công cả công việc lẫn cuộc sống vì thánh thần và người phàm chẳng ai yêu thương cái thể loại thực dụng ấy. Có những đám cười, mời 20 bàn mà chỉ có 5 bàn là có khách đi, 15 bàn còn lại vắng hoe ruồi bay qua bay lại. Thì ráng chịu chớ buồn bã làm gì? Sao không ăn ở như bát nước đầy đi, thì làm gì có chuyện cô dâu và chú rể ôm nhau khóc vì lỗ chỏng gọng sau đám cưới?

Ban đêm về, ngồi đếm tiền, rồi cãi lộn, chú rể mắng nói tại em mời khách mà khách không đi, cô dâu cũng nói tại anh. Đổ qua đổ lại..

Rồi động phòng không xong, biến thành động thủ. Quánh nhau rầm rầm, mặt mũi sưng húp....

Nhưng sáng phải dậy sớm, đôi uyên ương phải dậy thật sớm, ngồi ăn cho hết 15 phần thức ăn nhà hàng gói mang về.

15 cái lẩu. Má ơi.

Ăn muốn trào bản họng.