Dec 10, 2014

Thông báo số: Giải thưởng hành bổng tháng 11/2014

Cơ sở sản xuất Giấm từ quả vải của cô giáo đến từ Lục Ngạn, Bắc Giang đã đoạt giải Quỹ Hành Bổng TnBS tháng 11/2014. Cô đã giúp giải quyết 1 phần đầu ra cho nông sản quê hương cô.

Như vậy, bạn Trang với nhà máy nước ép Thanh Long ở Phan Thiết đã đoạt giải Hành Bổng tháng 10. Và cô Ngân với cơ sở sản xuất giấm vải ở Bắc Giang đã đoạt giải Hành Bổng tháng 11. 

Hiện tại, nhóm Gánh Rau ra chợ Tây của TnBS đang làm các thủ tục để giúp 2 chị đạt các giấy chứng nhận quốc tế để có thể xuất khẩu sản phẩm, cũng như viết dự án để 2 chị có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông thôn của các tổ chức quốc tế (email export.tnbs@gmail.com). Nhóm tình nguyện đang tích cực bán các SP của 2 chị ở thị trường nội địa (các fanpage của các nhóm tình nguyện đều có). Mong các bạn trẻ khác trên toàn quốc tiếp tục tinh thần hăng hái thi đua chế biến nông sản, vì một nền nông nghiệp mạnh, gầy dựng cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến rồi làm chủ nhà máy cho vui... 

Mời các bạn đọc lại bài viết này nhé.

Dặn dò TNV

Tình nguyện viên: Dượng, có người họ nói họ tặng cho tụi con quần áo. Có người xin số TK tụi con để gửi tiền. Tụi con có nên nhận?

Tony: Quần áo mới thì có thể nhận, tùy theo có thuận tiện hay không. Nếu họ ví dụ ở Cà Mau, gửi có 1 cái áo ấm, mà kêu mình tới lấy, thì thôi con à, nói cám ơn. Đâu có TNV nào ở Cà Mau đâu, từ Cần Thơ là điểm gần nhất đi xuống đó lấy 1 cái áo về, thời gian sẽ không hợp lý. Chưa kể gửi bưu điện ra, giá cước còn cao hơn mua cái áo ở Hà Nội.

Còn quần áo cũ thì chỉ cho họ chỗ khác, có nhiều chương trình nhận lắm, search trên mạng. Còn tiền thì tuyệt đối không nhận, nhưng có thể đề nghị họ như vầy, nếu họ chuyển vào TK của mình, mình sẽ coi như tiền trả trước để mua nông sản. Nông sản bán của mình cập nhật trên page, họ sẽ chỉ định mình giao đến địa chỉ nào đó, coi như là họ tặng cho chỗ đó. Ví dụ: lần trước có 1 người gửi về nhóm Tp HCM 500 USD, nhóm đã giao cà chua, hồng, nấm rơm nấm mèo…đến các cơ sở từ thiện như bếp ăn bệnh viện, trại trẻ mồ côi, chùa nuôi người bị bệnh xã hội…Nhớ lấy lại biên nhận và scan, gửi cho họ coi để họ yên tâm, dù người ta nói thôi thôi nhưng NGHĨA VỤ mình là PHẢI GỬI biên nhận và cập nhật số tiền còn giữ. 1 đồng của người ta là cũng của người ta. Phải rõ ràng nhé.

Cách đây 3 hôm, dượng nhận 2 triệu đồng của một ông bạn nhậu (nói đọc bài Mùi Kiệu của dượng trong sách cái ngồi khóc, nhớ hồi xưa đi thi ĐH), xong cái rút ra 2 triệu, nói mua sách gửi về Khánh Hòa đi, dù ổng là dân An Giang, ổng nói ổng yêu các thầy cô giáo ở Khánh Hòa vì ở đó đã đào tạo ra dượng. Nghe mà mắc cười muốn chết. Cái dượng mới nói anh H nhân viên kế toán lên tiki mua số lượng sách cho đúng 2 triệu trên, chuyển ra Nha Trang, nhờ 1 cô giáo ở đó nhận giúp rồi gửi cho các giáo viên trên vùng núi Khánh Sơn Khánh Vĩnh. 

Nói chung là tiền cứ gửi thì mình cứ nhận, nhưng PHẢI COI LÀ TIỀN MUA HÀNG. Vì nhiệm vụ chính dượng giao các bạn là TẬP KINH DOANH, vì tương lai của chính các bạn. Dượng mong bạn nào sau thời gian tình nguyện đều có thể lập công ty Sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Và cố gắng PR cho được cái huyện miền núi xa xôi kia. Hồi giờ đâu ai biết Sốp Cộp, Nậm Pồ, Xín Mần, Mường Ảng, Pác Nặm,…cái mình quảng cáo, có người cũng tò mò lên đó chơi chẳng hạn. Cứ 1 người lên thì phải tiêu tiền ở đó, ăn ngủ ở đó, người dân ở đó sẽ có thêm chút thu nhập. Chưa kể họ chụp hình check-in, bạn bè kéo nhau lên đó chơi, làm ăn, yêu đương,..và khoảng cách kinh tế văn hóa với miền xuôi ngày càng ngắn lại.

Vậy nghen mấy đứa. Dượng



Cali de Tony

Cali đây có nghĩa là cá linh, chứ hẻm phải bang bên Mỹ. Ở miền Tây Nam Bộ, nếu ai hỏi món gì ngon nhất, Tony sẽ trả lời đó là món cali. Cá linh gắn với truyền thuyết ngày xưa giúp vua Gia Long chạy trốn khỏi sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn, nên có câu hò “nước không chân sao kêu nước đứng? Cá không thờ sao gọi cá linh?”

Cá linh giống cá hồi ở đặc điểm mỗi lần đau đẻ là tìm về thượng nguồn, đó là biển Hồ của Cambuchia. Đẻ xong, cá con sẽ trôi theo dòng Tonle Sap vào Việt Nam qua 2 ngã Hậu Giang/Tiền Giang. Đến biên giới VN, cá linh bằng ngón tay út, ngày xưa nhiều vô kể, quấn thành khối lớn, dân khẩn hoang rảnh rảnh ra vớt vô ăn. Cá linh thơm, béo, ngọt đặc trưng mà không có loại cá nào so sánh bằng, lại hoàn toàn không có mùi tanh. Khi xúc về, rửa sạch, có thể đổ bánh xèo, hay nhúng lẩu, hay kho lạt ăn với bông điên điển là sự kết hợp không thể có món gì ngon hơn. 

Sau khi cá vào sâu nội địa thì cá bắt đầu lớn. Nên ở hạ nguồn, chúng ta chỉ bắt được cá linh to bằng ngón tay cái trở lên, người miền Tây dùng để kho mía. Cá làm sạch héng, mía lau chẻ nhỏ rồi xếp dưới nồi, cá xếp trên. Chặt 1 trái dừa xiêm đổ vô sao cho xâm xấp nước, thêm chút nước mắm và tiêu Phú Quốc giã dập hoặc ớt hiểm nguyên trái. Lấy cái dĩa đè lên trên. Sau đó sẽ kho liu riu lửa khoảng 5h thì cá sẽ khô, lúc này xương mềm rục, dọn ra với cơm nóng, trời mưa lạnh lạnh, thì thôi, ăn quên thôi. Tony mỗi lần ăn cơm với cá linh kho, quất 4-5 chén vẫn chưa thấy no. 

Nhưng đến chén thứ 6 thì no.
---------------------------------------------------------------------------
P/S: Sản phẩm này hiện đã có 1 số cty chế biến thủy sản đóng hộp xuất khẩu. Mình mua về, lấy ra chén, bỏ 1 muỗng giấm Kim Ngân vào, 1 muỗng cà phê nước mắm nữa (vì khẩu vị của dân miền Tây hơi ngọt). Sau đó hâm nóng trên bếp hoặc lo vi sóng. Một hộp khoảng 200 gram, để chế biến 1 hộp cá này, mình phải có khoảng 300 gram cá tươi, một trái dừa xiêm, nửa cây mía, nên giá trị nó lớn lắm. Dọn ra ăn kèm với rau sống các loại. Mùa đông rau xà lách tươi ngon mơn mởn nè, quất luôn cả rổ ngồi ăn cho sướng.



Hoa hậu ứng xử ra răng?

Tony mấy nay bị tụi nhỏ dội bom, hỏi dượng ơi với câu hỏi cho cuộc thi hoa hậu vừa tổ chức xong, trả lời như thế nào là đạt. Cả ngày bán phân không yên với tụi nó, nói dượng chỉ tụi con để tụi con thi hạc sinh thanh luỵch. Tony sau khi bán xong, dọn hàng vô nhà rồi, rửa tay rồi quẹt quẹt lau khô trong cái quần bà ba màu nâu, lật đật vô nhà online coi tin tức liền, chứ mấy bữa nay không cập nhật tin tức gì hết. Search “cuộc thi hoa hậu”, thấy câu hỏi là “điều gì làm người con gái Việt Nam không bị lẫn với những cô gái khác trên thế giới?" rồi một câu “đàn ông và phụ nữ, ai sướng hơn”. Đọc mà mồ hôi tuôn thành dòng.

Câu hỏi so sánh là câu hỏi khó nhất và tế nhị nhất trong các câu hỏi. Nếu ở nước ngoài, người ta sẽ hỏi “đức tính nào ở phụ nữ Việt nam mà mình thích nhất” hay “nếu được chọn, bạn muốn làm đàn ông hay phụ nữ, vì sao”, chứ không có so sánh trực tiếp vậy, vì trả lời thế nào cũng chết. Ví dụ câu phụ nữ Việt Nam khác phụ nữ thế giới thế nào, mình nói đẹp, thông minh, dịu dàng, nhân hậu, thủy chung, chịu đựng…thi bị quật lại vậy phụ nữ nước khác hẻm có mấy cái đó hả? Nên nếu Tony thi hoa hậu, đụng câu hỏi đó, cũng chỉ mỉm cười. Nhưng tụi nhỏ hẻm chịu, nó nói mình chỉ cười là bị quánh giá thiếu i-ốt đó dượng, phải trả lời. Nếu bị ép phải trả lời, Tony sẽ nói là “ Điều mà phụ nữ Việt Nam không lẫn được với phụ nữ nước ngoài là nói tiếng Việt lưu loát như tiếng mẹ đẻ”. 

Trong giao tiếp, nếu mình bị hỏi mấy câu so sánh, mình nên cười trừ. Còn ép thì nói đại bâng quơ gì đó cho xong. Ví dụ hỏi phở Hà Nội ngon hay phở Sài Gòn ngon thì mình nói “em thích ăn bún bò Huế”, trả lời trớt quớt vậy cho dượng. Chứ câu hỏi cắc cớ, nó sai từ phương pháp đặt câu hỏi rồi. Hay “đờn ông hay phụ nữ, ai sướng hơn” thì mình mỉm cười thôi, chứ sao biết. Sướng khổ là phạm trù cảm tính mà, ai chả có lúc sướng, có lúc khổ. Khóc…

Nên trong trò chuyện, đừng hỏi các câu hỏi so sánh. Cũng đừng chê trách ban giám khảo nhé, dượng hồi xưa cũng không biết cái vụ này, cứ hỏi vậy suốt. May mà qua Há Vợt nó dạy cho mới biết đó chớ.

Thôi thôi, bán phân bán phân. Kẻo bọn nó lại mắng, bán phân mà lại bon chen chuyện showbiz
(ĐT reng)
“A lô, anh Bảy hả? Lấy cái gì? 10 tấn NPK 16-16-8 hả? Rồi rồi, sáng mai giao cho. Rảnh tối tối chèo ghe qua nhà tui nhậu nghen anh Bảy”.

Khách mới gọi. Thui giờ dượng ra sông tắm, dạo này vô vụ Đông Xuân bán phân thuốc cả ngày…



Dec 8, 2014

Chuyện ở Mumbai

Rất nhiều tình nguyện viên sau 2 tuần bán hàng nông sản Việt gây quỹ “Ánh mắt học trò là áo ấm mùa đông” đã gửi thư về Tony. Có thư viết lúc 2h sáng. Làm công tác xã hội nó vậy đó, các bạn sẽ mất ngủ, sẽ trăn trở một vài đêm, nhưng chính là lúc não hằn lên những nếp nhăn, giúp bạn có được óc già dặn. 

Nhiều bạn nói tụi con sinh ra ở thành phố, lớn lên trong nhung lụa, mọi thứ cha mẹ chu cấp, học hành thì thầy cô chỉ từng bài toán, làm giúp từng bài văn…nên khi lên vùng cao, thấy các em bé hồn nhiên giữa núi rừng, tụi con bật khóc. Về lại thành phố, thấy yêu cha mẹ, yêu mọi người, yêu cuộc đời hơn. Tụi con không còn sừng cồ, không tranh giành từng mét đường với những người tham gia giao thông khác nữa. Hay khi họ mắng chửi mình, thay vì đáp trả lại, tụi con chỉ bỏ đi, vì thấy họ tội nghiệp, họ còn quá sân si với cuộc đời này. Vì họ chưa biết cho đi…

Đúng vậy. Các bạn đã nhìn sự việc ở một góc nhìn khác, rất văn minh, rất nhân văn, rất đẳng cấp. Nên từ thiện cho người khác, thật ra cuối cùng chính là từ thiện cho chính bản thân mình. Hồi đó dượng đi Ấn Độ học một lớp đào tạo doanh nhân, toàn người giàu học, trừ dượng, vì dượng đẹp trai quá, nên được đặc cách. Có một ông thầy ổng dạy như vầy nè. Một tỷ phú khôn ngoan là một tỷ phú giúp bao nhiêu người làm triệu phú. Vì sao, vì trước hết là cho ông ấy. Giả sử ông ấy ở trong 1 cái lâu đài, lâu đài của ông ấy nằm giữa những biệt thự, người ta sẽ bảo vệ ông ấy. Còn nếu lâu đài của ông ấy nằm giữa một khu toàn nhà tranh vách lá, nó mà phát hỏa thì lâu đài của ổng cũng tiêu luôn. Có bữa cả lớp đi thực tập, ông thầy chỉ vào tòa lâu đài mấy triệu đô trong một khu ổ chuột, ổng nói họ dại quá. Phải giàu đều, kéo người ta lên thì cái giàu của mình mới vững chắc. Luật doanh nghiệp Ấn Độ quy định mỗi doanh nghiệp đạt doanh số nào đó sẽ bắt buộc trích ít nhất 2% lợi nhuận cho công tác xã hội (CSR là Corporate Social Responsibility).

Thực tế, ở Ấn Độ, có những ông chủ giàu có và nhân viên cũng xúng xính ngon lành, gắn bó lâu dài, công ty phát triển vượt bậc. Nhưng cũng có những ông chủ giàu sụ, béo tốt, da trắng hồng nhưng người làm thì lương chỉ vài ba đồng, ốm tong ốm teo, miệng mồm méo mó, gửi đơn xin nghỉ việc suốt. Mấy ông chủ này lúc nào cũng than thở “tìm không ra được nhân viên tốt, tụi nó nhảy cóc suốt, cứ mấy tháng lại thay người…”. Thì trách mình chứ sao trách tụi nó. Cứ đào tạo thật tốt, lương 1-2 ngàn đô, giao việc cho tụi nó làm từ sáng đến tối...thử có đứa nào bỏ việc không. Vấn đề là mình sẵn sàng cho nó 1-2000 đô nếu nó làm cho mình 10,000 đô. Nhưng nhiều người miệng mồm nói hay lắm, nhưng đụng đến chuyện này là hẻm chịu, vì không có tính hào sảng. Anh bạn của dượng, có một nhà máy quần áo rất lớn thừa hưởng từ gia đình, khi nghe Tony kể về chuyện cô Lành bán vé số ở Long An đưa xấp vé số trúng 6.6 tỷ cho anh kia, rồi anh kia tặng lại 1 tờ 1 tỷ rưỡi, anh nói "anh không được vậy, nếu cổ đưa anh xấp vé số đó, anh chỉ tặng vài triệu. Vì anh tiếc". Anh tiếc tiền thì người ta tiếc công tiếc sức, sẽ không thể cống hiến 100% năng lực cho công ty anh được.

Nên sự hào sảng là phải có, phải có nếu muốn thành đạt, các bạn trẻ tin lời Tony đi. Mà sự hào sảng chỉ có khi mình phải biết cho đi, biết làm từ thiện, đừng đợi giàu có mới làm. Vì giàu là bao nhiêu? Bao nhiêu mới là giàu? Tony có 2 người bạn mà kính phục nhất, một là bạn N, người Ninh Hòa, bạn cấp 2. Bạn này cứ rảnh là đi hiến máu. Người thứ 2 là bạn P, người Huế, bạn ĐH. Bạn này từ lúc ra trường, lương có 4 triệu nhưng đã trích 10% tức 400 ngàn đồng gửi các em mồ côi, bây giờ lương gấp mấy lần, cổ vẫn trích 10%. Nhưng cũng có những người bạn đi xe hơi, thu nhập một năm vài tỷ đồng, nhưng mỗi lần nói từ thiện là lơ đi. Vì họ không có sự hào sảng.

Dượng chợt nhớ lời ông thầy Ấn Độ dạy. Ai cũng muốn lộc thật nhiều, tiền thật nhiều, cố lấy vào và cố giữ. Cuối cùng lại mất hết. Vì phúc như thân thuyền, lộc là thứ chất lên thuyền. Phúc mỏng mà lộc nhiều, thuyền nhanh đắm. Cho bớt đi nhé, còn ít, cũng hơi tiếc, nhưng mà còn...



Về nỗi cực hình mang tên ngoại ngữ…

Sáng nay một bảo vệ vô Villa De Tony đưa thư, thấy Tony đang tắm chó nên bạn đứng nói chuyện chút. Bạn kể là đã học xong khoa Hóa của một ĐH lớn, nhưng không có bằng. Trường chỉ quy định TOEIC gì đó chỉ có 400-500 trăm, tức mức tối thiểu về trình ngoại ngữ, nhưng bạn học không có. Mấy năm rồi luyện miết thi miết mà không được, quá hạn nên trường đuổi. Với bạn, ngoại ngữ khó như lên trời.

Tony thấy tiếc, giá như có bằng đại học, cuộc đời bạn có thể đã khác. Dù có bảng điểm nhưng không có bằng cấp nên mọi cánh cửa của nhân viên văn phòng, nhân viên phòng thí nghiệm hay quản lý sản xuất đều đóng sập trước mắt bạn. Gia đình cũng kêu bạn về quê, có một vị trí công chức nhỏ, nhưng có bằng đâu mà về, bằng ĐH là điều kiện cần của thi công chức. Giấu thì phải giấu đến cùng nên bạn lấy mọi lý do để kiên quyết ở lại thành phố. Đói quá nên bạn phải xin đi làm công nhân, rồi đi làm bảo vệ. Bạn nói ở đây lương 3.2 triệu/tháng và làm theo ca, nếu làm ca đêm sẽ có phụ cấp, thu nhập sẽ trên 4 triệu. Bạn nói chú có trồng cây gì thêm không, con sẽ vô làm cho, chú cho con thêm vài trăm ngàn/tháng nữa chứ sống vầy chật vật quá.

Tony mới thấy ủa sao một đứa từng học chuyên Hóa của một tỉnh, bây giờ sau 4 năm tính mol axit ba-zờ đã đời, lại đi làm lao động phổ thông ở mức lương tối thiểu. Nó nói, chung quy cũng vì cái bệnh sợ ngoại ngữ. Mà không phải mình con, lớp con cũng mấy đứa bị vậy. Rồi thậm chí có bạn cũng có chứng chỉ vừa đủ để có bằng ĐH, nhưng thất nghiệp vì không xin được việc cả mấy năm nay. Vì ở đâu người ta cũng đòi ngoại ngữ. 

Nói mới nhớ, năm lớp 6, lần đầu tiên học ngoại ngữ, Tony có cảm giác không học được. Vì mớ bong bong xì xồ xì xào, lên giọng xuống giọng, rồi chia thì, chia động từ loạn cào cào... Cô giáo vô lớp bắt thuộc lòng mấy bài hội thoại, chỉ nhớ là Mary là cô gái mặc áo đầm, Daisy có cái mũi dài dài. Còn bạn người Việt thì có Ba, Lan, Nam, Mai, nói chuyện gì ở đâu bên Anh bên Pháp. Nên Tony học đối phó, 4 năm cấp 2 là bốn năm vật lộn, sợ hãi khi tới tiết này. Khi thầy hỏi “who ask, who answer”, cả lớp gục mặt xuống hết, đứa nào lén lén nhìn lên là thấy sẽ nói “you, you please”. Sợ chết khiếp.

Năm lớp 10, dịp Tết, cả lớp đi Nha Trang thăm cô giáo, cô dắt cả lớp lên chùa Long Sơn, Tony đang đứng thì có một bà Tây tới hỏi nhà vệ sinh. Tony chỉ xong, sẵn tiện chờ bà ra nói thêm vài câu nữa, nhưng bà hỏi lại hay trả lời lại thì không hiểu gì. Cái về nhà, lúc đó phong trào học ngoại ngữ phát triển mạnh với bằng A,B,C. Học cuốn Streamlines, cuốn 1 xong là có bằng A. Cuốn 2,3 là có bằng B, cuốn 4 là có bằng C. Tony đọc cuốn 1, thấy thú vị quá. Có những mẩu chuyện rất hài hước. Bèn mày mò tự học, từ nào không biết tự phát âm theo ký hiệu trong từ điển. Có lần hỏi cô P, cô giáo dạy Anh văn năm lớp 10 chứ em đọc chữ này đúng không, cổ ngạc nhiên, nói ủa sao em biết mấy cái từ này. Tony mới nói là em học trong Streamlines. Cuốn sách đó là cuốn sách đầu tiên khiến Tony ham thích ngoại ngữ và nền tảng để khám phá thế giới sau này. 

Sau này học tiếng Hoa, không có điều kiện do bận quá, Tony mua 3 cuốn sách “những mẩu chuyện vui tiếng Hoa” và đọc 15 phút trong toilet vào buổi sáng. Chỉ 3 tháng, trình độ trở nên phay chảng lỉu li (lưu loát phi thường). Như vậy, cái gì nó hài hước, nó dễ thấm vô hơn, nhất là việc học.

Các bạn nếu thấy ngoại ngữ là một cực hình, tìm thầy cô giáo vui vui mà học. Các bài học cũng vậy, nên chọn bài hài hước để nhớ lâu. Và phải thực tế nữa, ví dụ dịch những câu miêu tả “một ngày của em” như sau: “sáng nay 6h đồng hồ báo thức nhưng dậy không nổi, em ngủ nướng đến 7h. Định tập thể dục nhưng em làm biếng quá nên thôi. Hôm nay em ăn sáng trước rồi mới quánh răng. Sau đó em đi tắm nhưng không gội đầu, sợ hết nước. Sau đó em đi xe máy từ hẻm phóng ra đường, suýt tông bà kia, bả chửi em cái đồ đi ẩu. Em không đi xe buýt vì lười đi bộ. Em đến lớp nhưng không vô mà ngồi ngoài quán cà phê, chờ mấy đứa bạn nữa tới rồi đi chơi game hoặc bi-da. Mẹ cho em 50,000 đồng/ngày em xài hẻm đủ. Tới tối thì em đi học thêm ngoại ngữ, em có muốn học đâu nhưng tại ba em ép. Vào lớp, em tranh thủ coi ai xinh xinh thì tán tỉnh. Tối về nhà, em ăn vội chén cơm rồi lên phòng lập tức online facebook đến 2h sáng…”. 

Mình dịch và học thuộc đi. Kể lại cho Tây nghe, nó cười ha hả, thế là thích thú, có động lực để viết 1 tuần của em, một tháng của em, một năm của em, một cuộc đời em…



Dec 2, 2014

Nhật ký những ngày tình nguyện (1)

Ngày…tháng…năm….
Hôm nay, mình đã gửi thư cam kết và chính thức nhận nhiệm vụ kinh doanh nông sản Việt Nam, với toàn bộ lãi sẽ mua áo ấm cho trẻ em ở một huyện nào đó tận Hà Giang xa xôi. Mình chỉ biết tên tỉnh này qua sách báo, còn tên huyện thì chưa. Nhưng không thành vấn đề, đã bốc thăm thì, như dượng nói, trong tim mình là tình yêu với mảnh đất chưa biết mặt mũi thế nào kia, nơi đâu cũng là tổ quốc.

Ngày…tháng…
4h chiều, mình và Quốc lang thang ở ga Hà Nội, đợi nho Phan Rang về từ chuyến tàu Thống Nhất. Trời Hà Nội đầu đông, sương mù và hơi nước lành lạnh. Ai cũng vội vã đưa đưa tiễn tiễn, chỉ trừ vài người như chị em mình. Mùi gà rán lan tỏa, 2 chị em hít hà, nhìn thèm vì tiền bây giờ sẽ đưa vào kinh doanh, không xa hoa như vậy nữa. Mỗi người ngồi 1 xe trước cổng, vắt vẻo như những lái buôn thực thụ. Cũng chút lo lắng trong lòng, mấy chục ký cam, ký nho này bán làm sao hết. Mình có quen biết với ai đâu. Dù rất quyết tâm nhưng thấy lòng bất an lắm. 

Thì bắt đầu...

Reng reng rèng, ting ting ting... Fanpage báo lượt like tăng ầm ầm, khách gọi điện đặt hàng dồn dập, táo nho, sách loạn lên! Hoa chân múa tay vì mừng quýnh. Ngước mắt nhìn trời, nước mắt rơm rớm vì hạnh phúc. Con cảm ơn Dượng Tô nì, dượng đã cho nhóm con lên sóng đầu tiên.

Vác được 60kg nho, 40kg táo về đến nhà thì nhận được tin hót hơn cả hót từ Thúy, khách đặt hàng lên tới khoảng 2 tạ nho đỏ, 1 tạ nho xanh, hơn 1 tạ táo...

-Ngon! Sao mà mày hốt hoảng thế?
-Tiền đâu mà nhập hàng đây!
-Ôi, đúng rồi Thủy ơi....Tính nhẩm cũng phải tầm 20 triệu mới đủ. Lấy đâu ra bây giờ?

Trong nhóm có 3 người lớn hơn đi làm rồi nhưng dân văn phòng, thu nhập 4 triệu/ tháng. Còn 2 em sinh viên vừa học vừa làm chỉ đủ trang trải sinh hoạt. 

Phải làm sao đây? Cả nhóm nhìn nhau. Suy nghĩ rất lâu, tự nhiên thấy mình khôn lên. Nhìn thấy chiếc xe, ối, tư tưởng bừng sáng. “Tôi cắm (cầm cố) chiếc xe máy là ô kê chứ gì? Mua mới đang 32 triệu, kiểu gì chẳng được 20 triệu, xe mới mà”. Mọi người nhìn mình, tưởng mình khùng. Ngay lập tức, chiếc xe của mình đã ở tiệm. Cầm cục tiền ra khỏi tiệm mà thấy bùi ngùi. Thương em quá! Chị phải đi bộ và xe buýt rồi. Mấy hôm nữa chị sẽ quay lại và đưa em ra nhé bé yêu.

Thông báo cho ban tổ chức biết. Các anh phản đối quá trời, nói không nên làm như thế. Trừ dượng. Dượng nhắn, “việc cắm xe là bình thường, kỹ năng xoay sở vốn là một kỹ năng quan trọng trong kinh doanh. Như dượng lúc vào mùa, xe -nhà gì chả vào ngân hàng hết, chứ vốn ở đâu mà mãi thế, vấn đề là mình chắc sẽ lấy lại là được”. Mình thấy tự tin sau tin nhắn ấy trên fanpage. Đúng vậy, sau này mình ra đời đi làm, đi kinh doanh, không lẽ cứ cần vốn lại có 1 ông dượng nào đó xuất hiện. Phải tự xoay sở thôi…

Ngày…tháng…
Khách đặt nhiều quá, nhân lực lại mỏng. Tối chủ nhật, 3 tạ hoa quả có mặt ở nhà mình. Ngày thứ 2, trừ mình và Minh, mấy đứa còn lại đi làm đi học hết. 2 đứa con gái và hàng trăm đơn hàng cần xử lý. Quay cuồng quên cả ăn trưa mà đến tối, vẫn còn 2 tạ hoa quả nằm yên đấy, nho có dấu hiệu mốc. Nho thật sự là 1 thứ quả khó tính, vì không hóa chất bảo quản mà! Mệt mỏi, lo lắng..... Mình trách móc kiểu “nhành cây trứng cá”, nói chúng mày ra khỏi nhóm hết đi bọn vô trách nhiệm. 8h- 9h tối lần lượt chúng nó về! Quốc ôm mình an ủi (thằng bé này tâm lý thế), Đức thì lấy nước, Thúy đi mua xúc xích ép mình ăn. Mình nguôi ngoai, chúng nó hứa ngày mai sẽ đi giao hết hàng. Mình bỗng dưng òa khóc.

Ngày…tháng…
Không hôm nào đi ngủ trước 2h sáng. Đêm nào cả bọn cũng ngồi cắt bớt nho dập và hong ra cho khô ráo. Nhìn những trái nho mỗi giờ 1 héo đi, mình xót ruôt, mặc dù mắt nhíp lại, đặt lưng xuống nhưng lòng chỉ mong đêm trôi thật nhanh để ngày mai giao hàng.

Ngày…tháng... 
Toàn bộ sách, giấm, táo, nho được giao cho khách. Mình lại rút ra bài học sau khi dượng nhắc nhở là “khi có cơ hội, nên chia sẻ với các nhóm kinh doanh khác. Con nên giao cho các nhóm khác chưa được lên sóng, chưa có đơn hàng”. Mình thấy mình hơi ích kỷ, lợi ích nhóm quá, nên đã lên mạng chia sẻ hết và nhờ các nhóm khác đi giao. Rồi vài bữa họ có cơ hội, họ lại giúp mình…

Ngày…tháng…
Còn ế 6kg táo và 3kg nho, hơi cũ cũ nên không dám giao ai, cả bọn mang ra thử làm nước nho, mứt nho, ngon phết! 

Ngày …tháng…
Ra tiệm lấy chiếc xe về. Trừ mọi chi phí, tổng lãi đến nay đã có 8.605k làm vốn. Tiếp tục cho chiến dịch tuần sau với cam Hà Giang, nho táo Ninh Thuận, Yeahhh!

Mệt vô cùng! Nhưng vui, hãnh diện. Thật sự mình tự hào về bản thân lắm.Và mình yêu chúng nó quá. Đúng như Dượng Tony nói: tham gia vào đội, các bạn sẽ sống cho người khác, và cũng sống cho chính mình! Mình đã tìm lại niềm vui mà lâu nay tưởng như đã đánh mất với vòng quay cơm áo gạo tiền công danh phù phiếm nơi thành phố. 

Với nhóm chúng mình, Hà Giang đã không còn xa.




Villa de tony

Cho 2 bạn mới vào ở villa de Tony, một bạn đã dọn đến. Tony về thấy bạn lau chùi sạch sẽ tivi tủ lạnh, phòng trên phòng dưới, toilet khô ráo, sắp xếp lại mọi thứ hợp lý nên hài lòng lắm.

Mong bạn tiếp tục xem việc ăn ở sạch sẽ là thói quen, là niềm vui chứ không phải đối phó. Vì cũng có mấy bạn, lúc mới vô ở thì cũng OK lắm, nhưng sau 1 tháng thì bản năng ở dơ trỗi dậy. Chỉ dọn dẹp khi nghe tin dượng sắp ghé, còn tình cờ ghé coi thì thôi, như cái chuồng heo. 

Ở nước ngoài, người ta ngại cho sinh viên châu Á ở homestays nhà họ lắm, vì ở dơ. Anh bạn tên Q của Tony lúc sang Úc học, cậu nói cậu ấy là người VN đầu tiên được ông bà chủ cho ở, nói cũng có mấy cô cậu ở châu Á mới sang, nhưng sao messy quá, chăn mền chiếu gối để đầy phòng, cỏ mọc đầy nhà chứ cũng không nhổ, nhà bếp dùng chung với chủ thì vứt lung tung những món ăn gì có mùi fishy (cá) lắm. Nên Q là người đầu tiên, Q ở chung nhà với 2 bạn người Nhật, Hàn. Có lần tắm ra, Q làm rơi 1 giọt nước xuống sàn do tóc chưa khô, và thấy cô bạn người Nhật chạy theo lấy khăn lau...

Các bạn coi hình 1 cái vườn. Sạch từng mm.




Bệnh "toán lớp một"

Tới giờ, có nhiều nhóm đã đi được 1/3 đoạn đường, kiếm được 100 cái áo gửi lên miền núi, các nhóm này đều âm thầm làm, rất là giỏi. Nhưng cũng có nhóm vẫn chưa triển khai bán hàng lần nào, do thành viên chỉ trích trưởng nhóm, trưởng nhóm chỉ trích thành viên, cái gì cũng tranh cãi. Có bạn đọc bài tình nguyện viên kinh doanh nông sản cuối tuần gây quỹ “Áo Ấm Cho Em” thì hào hứng gia nhập, nhưng sáng gọi đi bán hàng thì mắng mỏ “tôi đang ngủ, tôi có nợ ai đâu mà gọi réo suốt thế”. Có bạn mới vô góp vô quỹ 50,000 đồng, rời khỏi nhóm tình nguyện thì đòi lại cho bằng được. Hôm qua họp team tình nguyện, Tony nói thôi các bạn góp vô vài ba chục ngàn làm quỹ chung, trà đá mua khỏi phải góp, có bạn giãy nảy ngay, lúc nào trà nước gì đó thì chia ra mà trả, “đã tình nguyện mà còn đóng tiền, con phản đối". Bạn nào bạn nấy đều đồng tình sau khi nghe câu ấy, gương mặt bạn nào cũng toát lên vẻ khôn nhìn bắt mệt. Một ca trà đá giá 5000 đồng mà có tới 50 bạn, hỏi mỗi bạn phải trả bao nhiêu? Sao toàn cử nhân thạc sĩ mà cứ đi giải toán lớp 1 miết vậy? 

Có bạn kể với Tony là trong quá khứ đã từng cho ăn xin 20,000 đồng, nhưng sau đó thì “day dứt mãi khôn nguôi”. Nói là họ có bệnh tật gì đâu, lúc đó con xúc động nhưng sau đó thấy họ lành lặn nên con tức lắm, từ đó không cho ai nữa, thật giả gì cũng không. Có 20,000 đồng thôi mà, chưa tới 1 USD, mình có nghèo đi đâu, giả sử lúc đó người ăn xin đó làm cho mình xúc động quá, thì 20,000 đồng đó coi như vé xem kịch, quá rẻ để xem người ta diễn hay đến như vậy. Chưa kể là người ta khổ thật thì sao? Mất 2 tỷ thì có thể “day dứt mãi khôn nguôi”, chứ có 20,000 đồng thôi mà nhớ hoài chi cho mệt đầu vậy. Cái tính hảo sảng, các bạn phải tập mới có. Dám buông bỏ, nghĩ lớn…mới có được cái đức tính QUAN TRỌNG này.

Cũng có đứa gửi thư, nói con rất hào sảng phóng khoáng, con sẽ làm doanh nhân vĩ đại, con sẽ trở thành Bill Gates, Mark Zuckerberg với tài sản cứ mỗi giây là vô được mấy chục ngàn USD. Bữa nay ghé văn phòng đưa hộ Tony 1 tờ giấy, lúc về nói dượng đưa con lại 15,000 tiền xăng. Cái đâu 30 phút sau thấy lại gõ cửa, nói dượng đưa thêm con 2000 đồng tiền gửi xe nữa. Nó nói “con ra ngoài, suy nghĩ mãi mới quyết định là vào lấy thêm tiền gửi xe, vì việc tình nguyện bỏ công ra là dượng phải mang ơn con rồi, mấy đứa trẻ trên miền núi phải mang ơn con rồi, còn tiền thì vấn đề nhạy cảm, 1 đồng con cũng không chịu thiệt”. Mất những 30 phút để kiếm 2000 đồng, sao học tới sin cos lim log rồi mà lại suốt ngày đi giải toán lớp 1, hay tuổi thơ kéo dài quá ?

Trước khi về, nó xin ở lại nói chuyện với Tony 5 phút. Nó nói con thắc mắc chuyện này miết, sao mấy người như Bill Gates đó, họ kiếm tiền được như vậy nhưng sao ngu quá dượng? Sao lại đem tặng hết vô quỹ từ thiện? Nếu là con á, con sẽ, con sẽ…không ngu như vậy. Con sẽ mua cái này á, con sẽ mua cái kia á...

Tony nói: Thôi con đi về giùm, dượng bữa nay bị lây bệnh "toán lớp 1" của mấy đứa rồi nè. Dượng bán phân cứ 5 phút lãi được 50 ngàn đồng, nãy giờ con lấy của dượng 10 phút tương đương 100,000 đồng, tức 5 USD, cả ly cà phê Starbucks chứ ít gì. 

Thôi. Xin người hãy đi đi. Hãy để tôi ngu...tôi không muốn lây nhiễm cái khôn của các người nữa...



Chuyện con nghé…

Cách đây mấy năm, lúc đội bóng đá VN thi đấu với đội tuyển Nhật, Tony đọc mục thể thao, thấy ý kiến nhiều chuyên gia là “cầm hòa với Nhật là một chiến thắng”. Đã thi đấu, thì thắng là thắng, mà thua là thua, không có chuyện “cầm hòa là thắng” hay “chúng ta thua trên thế thắng”. Thế thắng là thế gì, lại sao có thế mà lại thua? Thi đấu là sòng phẳng, thua thì thôi, không nên có tư tưởng chủ bại trước khi thi đấu. 

Hồi xưa nghe cô giáo kể, ông vua gì đó đem con trâu to đến thách đố, dân làng tìm cách đối phó bằng cách đem con nghé ra thi. Con nghé thấy tưởng mẹ nên chui vào bụng đòi ti, con trâu kia nhột quá chạy mất. Và kết luận chúng ta thắng một cách mưu trí và tài giỏi. Chuyện gì xảy ra nếu con trâu kia không chạy mà nó húc 1 phát vào con nghé? Chuyện dưới lũy tre làng thì kể cho vui, chứ hội nhập quốc tế rồi, để bơi vòng chung kết, các vận động viên phải bơi vòng loại dù trước đó phải đạt chuẩn Olympic. Không ai hạ chỉ tiêu để con nghé vào võ đài. Nên tự mình phải học hành nghiêm túc, ngoại ngữ tinh thông, thể dục thể thao để tướng mạo khỏe mạnh đẹp đẽ, đi xe buýt-hạn chế đi xe máy cho lưng nó thẳng, ra bắt tay quốc tế phải cao lớn ngang hàng, đọc sách văn học nhiều để gương mặt thanh tú sáng sủa…

Nhiều bạn trẻ thấy người ta làm thì thích, nhưng tới lượt mình thì sợ. Lên thành phố học thì sợ cây ngã đè. Đi phỏng vấn nghĩ chắc rớt. Thấy người ta đi du lịch thì ham, nhưng kêu đi thì không, nói sợ. Đi vùng sâu tình nguyện, sợ sốt rét. Học kỹ sư, sợ điện giật. Làm cái gì cũng “chắc không được đâu”. Định kinh doanh cái gì đó, nghĩ một hồi lại thôi, thấy có người làm rồi. Học Anh văn thì chắc học không vô, mặc định “không có khiếu ngoại ngữ”. Trồng trọt thì sợ viễn cảnh đổ đống. Chăn nuôi sợ dịch bệnh chết hàng loạt. Sản xuất ra sợ không bán được hàng. Vay vốn thì sợ áp lực trả không nổi. Nhìn đời bằng ánh mắt lấm lét. Vì sợ quá. Nạt to 1 cái là ướt quần.

Tư tưởng chủ bại khiến người ta cứ lần khần, dùng dằng, rối trí. Trong khi thời gian thì trôi vun vút, nào có chờ đợi ai. Các bạn nên nhớ, không có gì là quá sớm, cũng chẳng có gì là quá muộn. Khái niệm sớm hay muộn là do mình tự nghĩ ra và tự giới hạn cho mình. Vấn đề là muốn hay không muốn. Nếu muốn, quyết tâm làm. 

Tony có anh bạn, bác sĩ, khi anh sang Mỹ định cư, anh đã 35 tuổi. Bên Mỹ họ không công nhận bằng bác sĩ của mình, nên anh phải học lại. Ai cũng khuyên anh từ bỏ, thôi làm nail cho xong. Anh không nghe lời ai, cứ mày mò, đánh vần từng chữ tiếng Anh và có được bằng bác sĩ Mỹ lúc 46 tuổi. Ít ai biết thương hiệu 7UP thành công sau 6 lần UP thất bại.

Có làm thì mới có sai. Sai thì sửa. Sửa rồi sẽ tốt đẹp hơn. Người hay chỉ trích người khác phạm sai lầm thế này thế nọ, là vì họ dư thời gian quá. Đâu có thấy 1 chủ doanh nghiệp lên mạng đăng đàn chỉ trích cái anh gì mua Iphone bên Singapore đâu, vì họ đầu tắt mặt tối ăn còn không kịp. Nên các bạn trẻ, nếu muốn làm thì cứ làm, trong phạm vi tự mình trả giá thì cứ mạnh dạn. Bỏ vài ba chục triệu tiền để dành thay vì mua smartphone, mình đem ra sản xuất kinh doanh thử, trường hợp xấu nhất thì coi như đi đường rớt mất cái smartphone. Sai càng nhiều lúc còn trẻ thì khả năng thành công trong tương lai càng lớn. Và tuyệt đối, không chỉ trích người khác. Không dành thời gian cho việc lảm nhảm đó. Nếu thèm chỉ trích quá thì nên tự trách mình. Nằm gác tay lên trán suy nghĩ về đời mình. Phân tích vì sao sai, nguyên nhân, nếu cho làm lại thì mình sẽ làm tốt hơn như thế nào.

Nhưng phải làm, làm, làm...không sợ sai các bạn nhé. Nếu muốn không mắc sai lầm, cách duy nhất là không làm gì cả.